09/08/2011 07:10 GMT+7

Triền miên tranh cãi điểm sàn

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Sau nhiều tranh luận, hội đồng điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT quyết định vẫn giữ nguyên điểm sàn ở mức 13 điểm đối với khối A, D và 14 điểm đối với khối B, C. Quyết định này đã chính thức nói không với đề nghị hạ điểm sàn, bỏ điểm sàn hay xây dựng hai điểm sàn mà Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập VN gửi tới Bộ GD-ĐT trước đó.

Hiệp hội kiến nghị bộ giao cho các trường ĐH, CĐ căn cứ vào chỉ tiêu được phân, vào khả năng nguồn tuyển, vào yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình bộ duyệt. Phương án khác nữa mà hiệp hội đưa ra là chấp nhận một điểm sàn thấp, nói cách khác là hạ điểm sàn.

Nếu không đáp ứng một trong những phương án này, hiệp hội cho rằng các trường thuộc tốp giữa và tốp dưới, trong đó có các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các trường của địa phương sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có. Nguyên nhân trực tiếp được hiệp hội đưa ra là vì đánh giá kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay nói chung thấp hơn năm trước.

Nhìn từ góc độ nhu cầu tuyển sinh của các trường được cho là tốp dưới có thể hiểu được những kiến nghị trên. Bởi đến lúc này, rất nhiều trường không tổ chức thi tuyển phải phập phồng chờ đợi nguồn thí sinh “dôi ra” từ trường khác. Ngay cả những trường tốp dưới có tổ chức thi, tình hình cũng chẳng khá gì hơn. Điển hình như trường hợp Trường ĐH Hà Hoa Tiên. Với mức điểm sàn này, thủ khoa khối A của trường vốn chỉ đạt 12,5 điểm, lại trở thành thí sinh có điểm dưới điểm sàn, nếu không có điểm ưu tiên, đương nhiên rớt ĐH. Đây là điều chưa từng xảy ra trong các kỳ tuyển sinh. Nhiều trường tổ chức thi khác cũng chỉ có một số rất ít thí sinh đạt điểm trên sàn.

Những năm gần đây, các trường được cho - hoặc tự nhận mình là trường tốp dưới, năm nào cũng lên tiếng về điểm sàn, về nguồn tuyển. Mức độ lên tiếng ngày càng gay gắt. Thậm chí, các trường này cũng không ngại nói thẳng ra rằng mục đích thay đổi điểm sàn là để thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của mình.

Thế nhưng, Bộ GD-ĐT trước sau vẫn khẳng định số lượng thí sinh dự thi đạt điểm sàn lớn hơn rất nhiều so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Đa số người quan tâm đến giáo dục cũng bảo lưu quan điểm không nên hạ điểm sàn xuống quá thấp. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận hạ thấp đầu vào, tạo sự dễ dãi trong tuyển sinh. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định việc dư chỉ tiêu nhưng thí sinh không nộp hồ sơ vào vì trường chưa đủ sức hút, chưa tạo được uy tín.

Với cách tuyển sinh như hiện thời, nhiều người khẳng định sang năm, trước khi nhóm họp quyết định điểm sàn, chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ lại nhận được kiến nghị. Và rồi cuộc tranh cãi quyết liệt về điểm sàn sẽ lại diễn ra cả trong và ngoài cuộc họp. Đến khi nào mâu thuẫn giữa mục đích “thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh” với “nâng cao chất lượng đầu vào” chưa được giải quyết, tình trạng ấy sẽ còn lặp lại. Dĩ nhiên, các trường không thể tự mình giải quyết nổi mâu thuẫn đó. Chỉ có một sự thay đổi căn bản về quản lý giáo dục đại học nước nhà, trong đó có phương thức tuyển sinh, cách kiểm soát, đánh giá chất lượng... mới hi vọng hóa giải được mâu thuẫn này. Và đòi hỏi đó đang ngày càng trở nên gay gắt hơn.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên