Nếu Dư chấn biểu hiện mạnh mẽ nỗi trắc ẩn của một tâm hồn nghệ sĩ trước thảm họa động đất và sóng thần Ấn Độ Dương 2004, thì 20 năm sau Tường biển lại là những biểu đạt giàu xúc cảm từ cuộc sống thường nhật Vũng Tàu, nơi tác giả từ miền trung du Phú Thọ chọn định cư năm 1993.
Hơn 60 tác phẩm được chọn ra từ khoảng 100 tác phẩm thực hiện trong ba năm liên tiếp, Tường biển là sự tiếp nối tâm thức của Văn Ngọc về các tác động của tự nhiên biển đến đời sống con người.
Không gian lập thể, suy tư trừu tượng trong triển lãm ‘Tường biển’
Khác với những buổi triển lãm khác, Tường biển nằm trọn một tầng bê tông thô của tòa nhà dân cư đối diện bến xe khách Vũng Tàu. Triển lãm là concept xếp đặt lồng trong xếp đặt giàu tương tác, cởi mở, dành cho đại chúng, kéo dài đến hết năm 2024.
Đề cao tính đại chúng, Tường biển được thực hiện trưng bày, sắp đặt, giám tuyển hoàn toàn bởi nghệ sĩ Văn Ngọc cùng các cộng sự vốn là những người thợ phụ trách kỹ thuật mặt bằng (thợ hồ, thợ điện, thợ nước, lái xe, lao công...).
Tường biển “phơi bày” không trang hoàng con người nghệ sĩ, cũng là lối “kể chuyện” chỉ riêng ở Văn Ngọc: mạnh mẽ, tươi mới, nguyên bản, không gọt giũa, không pha trộn, và… xuất phát từ cuộc sống.
Bỏ lối suy nghĩ hiển nhiên về “ánh sáng trưng bày” nghệ thuật, tôn trọng sự tiếp giáp mập mờ của ánh sáng trời với đèn neon và huỳnh quang; cộng hưởng muôn vạn hình mảnh tối giản vỡ bung từ những con sóng bạc trắng, mang theo vật thể khi va đập vào bê tông.
Tường biển hiện diện như một tác phẩm “sắp đặt lồng trong sắp đặt”. Tranh có bề mặt sắp đặt. Tường sắp đặt tranh. Không gian là một khối sắp đặt từ sàn lên tường. Đậm đặc tính đương đại.
Và rồi, trong khung cảnh thô ráp, mơ hồ, giữa những mảnh vụn chỏng chơ rơi vãi, giữa những khối hình nặng trịch như chứng nhân của biến cố, lịch sử, thì các mảng gương lắp ghép trong bố cục chung lại phản ảnh sống động đời sống hiện hữu.
Các mảnh gương hình học khắc họa sự tương tác đầy biến động giữa những gì con người tạo ra với những tác động từ thế giới tự nhiên, đồng thời mời gọi người xem khám phá sâu hơn vào tác phẩm, vào chính mình và xung quanh.
Khán giả từ người xem thụ động trở thành đối tượng chủ động tương tác: Tự suy ngẫm, tự đặt câu hỏi, tự tìm kiếm câu trả lời.
Ở trong Tường biển, ta có thể cảm nhật rõ rệt sự tiết chế và cô đọng đến mức cùng cực của Văn Ngọc, không chỉ ở phần vật liệu, tông màu, mà cả phần hình.
Những đường nét gần như không còn gợi hình, mà trở thành những hình khối mơ hồ, hay những đường kỷ hà vô thức, vu vơ. Ngay cả hình nhân cũng là những nét sổ thẳng, góc mặt ngây ngô…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận