Sáng 8-7, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp Lotus Gallery tổ chức triển lãm tranh Hồi sinh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm và họa sĩ Đinh Quang Hải.
Từ những năm 1960 - 1970, với bạn đồng hành là giấy bút, khi một bên là tiếng gầm rú của máy bay, một bên là tiếng nổ của đạn bom, cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã miệt mài ký họa ngay trên trận địa, trong các hầm hào để ghi lại cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ và của bà con các vùng đất lửa như Vĩnh Linh (Quảng Trị), Quảng Bình, Hà Tĩnh.
60 năm sau, họa sĩ Đinh Quang Hải cũng bắt đầu dự án Vẽ - Đi - Tre tại những nơi mà cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã đi qua, nhằm ghi lại những cảm nhận về phong cảnh và nếp sinh hoạt của người dân các vùng miền qua con mắt đương thời. Anh vẫn chọn cách "ghi hình chậm", dùng giấy và màu nước.
Tranh của hai họa sĩ, ở hai thời điểm cách nhau hơn nửa thế kỷ, được trưng bày cạnh nhau để cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh và sự hồi sinh mạnh mẽ của mảnh đất, con người vùng đất lửa Quảng Trị.
Trong khuôn khổ Lễ hội Vì hòa bình năm 2024, bộ tranh "Hồi sinh" như một bản song tấu kể lại câu chuyện chuyển mình của vùng đất đã từng là đất lửa. "Hồi sinh" như một sự nối dài của quá khứ và hiện tại.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hoàng Đức Thắng - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - cho hay không gian triển lãm đặc biệt đưa chúng ta về miền ký ức, tôn vinh hòa bình, sự hồi sinh qua các tác phẩm đặc sắc.
"Quảng Trị là vùng đất đang vươn lên mạnh mẽ, hồi sinh từ những mất mát, với khát vọng mãnh liệt. Triển lãm hội tụ những tác phẩm đặc sắc, mỗi bức tranh là một câu chuyện, góc nhìn về quá khứ và hiện tại. Chính những mất mát này giúp chúng ta trân quý giá trị hòa bình, cho hôm nay, mai sau", ông Thắng nói.
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng - giám tuyển triển lãm - cho hay từng sống và chiến đấu ở Vĩnh Linh khi tham gia đoàn làm phim của một đạo diễn Hà Lan năm 1967. Cũng chính thời gian này, bà được làm việc và chứng kiến khung cảnh sáng tác của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm.
"Cứ 5 phút là có một quả bom thả xuống, mới nhìn nhân vật thôi là đã phải xuống hầm. Họa sĩ Tâm vào sống ra chết, đổi mạng để lấy một bức tranh. Khi hòa bình, họa sĩ Tâm có hàng trăm bức tranh về cuộc chiến đấu, những bức tranh được vẽ tại chiến trường", bà Phượng kể lại.
60 năm sau, bà Phượng có duyên gặp gỡ và đề nghị họa sĩ Đinh Quang Hải đi qua những vùng ác liệt, vẽ lại cuộc sống và người dân nơi đây.
Họa sĩ Hải cho hay anh sinh ra trong hòa bình, hưởng thành quả của cha ông và rất may mắn được chọn làm mảnh ghép hòa bình.
"Tiếng nói của hội họa góp phần mang tiếng nói về khát khao, hy vọng, mong ước xây dựng cuộc sống mới sau chiến tranh. Tôi dành nhiều thời gian sinh sống, làm việc ở Quảng Trị.
Những gì tôi yêu mến, cảm nhận từ hòa bình, đổi mới được gửi gắm qua các nét vẽ. Hy vọng mọi người có một buổi thưởng thức nghệ thuật vô cùng cảm xúc và nhiều hoài niệm", họa sĩ Hải nói.
Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 11-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận