Phóng to |
HS Lưu Công Nhân trong phòng tranh trước giờ khai mạc |
Buổi khai mạc phòng tranh không có nhân vật chính: "Mấy ngày nay, bố tôi rất yếu nên không thể có mặt" - HS Lưu Anh Tuấn nói. "Nhưng trước giờ khai mạc, ông sẽ đến để kiểm tra phòng tranh lần cuối cùng". Cuối cùng, ông đã cố đến.
"Mấy năm rồi, mình bị căn bệnh Parkinson hành hạ" - HS nói. Cũng đã từng ấy năm, HS Lưu Công Nhân đánh vật với căn bệnh để tranh thủ vẽ. Ông chỉ có vẽ và vẽ suốt cả cuộc đời; và cả những năm tháng gần đây khi tuổi đã xế chiều về sống với Đà Lạt (để gọi là tĩnh dưỡng), ông vẫn cứ vẽ như chạy đua với thời gian. Thỉnh thoảng, HS họ Lưu dừng lại khá lâu trước những bức tranh thiếu nữ: "Bức này, mình vẽ ở một vùng thôn quê Vĩnh Phúc những năm 60". Rồi lại hướng cây gậy trúc về phía một bức hoạ khác: "Cái này là thiếu nữ Tày vùng Tây Bắc những năm đầu 70"...
Chỉ với một phòng tranh 39 tác phẩm, nhưng dọc dài đất nước đều in dấu chân Lưu Công Nhân là đặc điểm trước tiên của lần triển lãm đầu tiên tại Đà Lạt này. Theo xác nhận của HS Lưu Anh Tuấn thì cả 39 tác phẩm này đều là lần đầu được công khai. Ông nói: "Tôi chưa bao giờ đặt ra mục đích vẽ tranh để triển lãm, đặc biệt là vẽ để bán!". Giọng người HS già trở nên khôi hài và xen lẫn chua chát: "Thật buồn cười cho kiểu "báo cáo": Ngay trong ngày khai mạc triển lãm, HS đã bán được... bao nhiêu bức!". HS Lưu Anh Tuấn cho biết thêm: "Có nhiều người hỏi mua lắm chứ, nhưng bố tôi nhất mực giữ lại".
Cuối buổi trò chuyện, sắp đến giờ khai mạc phòng tranh, trước khi ra về (nhà ông ở cuối một con dốc trên đường 3-4), HS họ Lưu ý nhị nhắc người con trai mang khỏi phòng tranh một "bức tranh" đặc biệt: Giấy chứng nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2002.
"Thời gian không dừng lại. Và tôi đang "chạy đua" với nó, đúng không?" - trước lúc chia tay, HS Lưu Công Nhân còn "hỏi vui" một câu như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận