Sáng 17-5, Ban liên lạc học sinh miền Nam trung ương phối hợp Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Vĩnh Phúc tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 1975).
Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Genève và sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc, đồng thời chào mừng Ngày Quốc tế bảo tàng 18-5.
Tư liệu quý về học sinh miền Nam trên đất Bắc
Đông đảo khách mời, đặc biệt là các cô chú, anh chị là cán bộ miền Nam tập kết, là học sinh miền Nam các thế hệ trên đất Bắc tham dự triển lãm.
Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh, hiện vật về quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc từ năm 1954 đến 1975.
Đây là các thế hệ học sinh có cha mẹ đều tham gia hoạt động yêu nước, chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Trưng bày chuyên đề này nhắc nhớ về một cột mốc quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam - ký Hiệp định Genève ngày 20-7-1954.
Thi hành Hiệp định Genève, từ năm 1954 đến 1955 có hơn 200.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cùng con em miền Nam tập kết ra miền Bắc.
Ông Huỳnh Văn Thòn - phó trưởng ban thường trực Ban liên lạc học sinh miền Nam trung ương - cho biết học sinh miền Nam trên đất Bắc được nuôi dạy tận tâm, chu đáo trong hệ thống trường thuộc nhiều tỉnh, thành lúc bấy giờ như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Bắc, Hải Hưng, Bắc Thái, Quảng Ninh, Vĩnh Phú…; khu học xá Nam Ninh, Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
"Theo thống kê tháng 7-1973, từ năm học 1956 - 1957 đến năm học 1972 - 1973, số học sinh miền Nam vào các trường đại học trong và ngoài nước là 12.539 người, số học sinh vào các trường trung học trong và ngoài nước là 2.918 người.
Ngoài ra còn hàng ngàn người gia nhập lực lượng quân đội, công an nhân dân, trong đó nhiều người về miền Nam chiến đấu trước tháng 4-1975.
Theo quyết định của Chính phủ, các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc kết thúc hoạt động từ tháng 8-1975. Học sinh miền Nam ở miền Bắc cũng như ở Trung Quốc được đưa về Nam tiếp tục học tập" - ông Huỳnh Văn Thòn cho biết thêm.
Tự hào được tập kết ra Bắc
Nhiều cô chú là học sinh miền Nam trên đất Bắc không khỏi xúc động khi xem lại những hình ảnh, hiện vật quen thuộc từng gắn bó một thời.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan (quê Bến Tre) được tập kết ra Bắc năm 14 tuổi. Ngắm hai hiện vật của mình trưng bày tại triển lãm gồm sổ học bạ và chiếc khăn len, bà kể rằng bà cùng đoàn đi bộ vượt Trường Sơn, mất 2,5 tháng để đến Hà Nội.
"Trong thời gian sơ tán, chúng tôi được phân vào nhà dân. Dù người dân địa phương khó khăn không có chăn màn nhưng học sinh miền Nam được phát đủ.
Người dân rất thương, giúp đỡ, chúng tôi rất quý. Sau này, chúng tôi quay lại thăm các gia đình đã từng nuôi" - bà Xuân Lan nói với Tuổi Trẻ Online về kỷ niệm đáng nhớ.
Ông Trần Ngọc Thành (quê Đồng Tháp, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Cao su Việt Nam) chia sẻ với Tuổi Trẻ Online:
"Tôi cảm động, biết ơn Nhà nước, đồng bào miền Bắc dành tình cảm, chăm lo cho cán bộ, học sinh miền Nam. Tôi tự hào được tập kết ra Bắc, được nuôi dạy, được trưởng thành, cống hiến cho đất nước".
Thông qua triển lãm, ban tổ chức mong muốn những ký ức đẹp của học sinh miền Nam trên đất Bắc được lưu giữ một cách trân trọng, góp phần truyền cảm hứng lịch sử đến thế hệ trẻ ngày nay.
Một số hiện vật tại trưng bày chuyên đề
Dịp này, Bảo tàng TP.HCM tiếp nhận 63 hiện vật, 126 bức ảnh tư liệu của 11 cô chú là cựu học sinh miền Nam gửi tặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận