Đường vành đai 3 kết nối với cầu Cát Lái sẽ là mắt xích quan trọng trong liên kết vùng của thành phố - Ảnh: T.TR.
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết 105 triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Theo đó, quyết nghị việc triển khai dự án đường vành đai 3 TP.HCM gồm 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM.
Trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư. Mỗi dự án thu hồi đất trên địa bàn mỗi tỉnh, không thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố.
Để triển khai dự án, nghị quyết nêu rõ chủ tịch UBND các tỉnh và thành phố trên thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần, với trình tự, thủ tục, thẩm quyền được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A.
Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo các dự án thành phần.
Ngoài ra, chủ tịch UBND các tỉnh, thành cũng có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong 2 năm, với trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chủ tịch các tỉnh, thành cũng được triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Bao gồm như lập phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, đảm bảo đủ cơ sở, thực hiện công việc liên quan tới bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư...
Nhiều thủ tục để triển khai thực hiện các công việc cũng được rút ngắn, như thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; điều chỉnh cục bộ các quy hoạch; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ…
Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đã nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu nhưng chưa được cấp giấy phép, nhà thầu thi công lập hồ sơ, đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí, thực hiện đăng ký để được cấp quyền.
Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng đã cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và bàn giao mỏ, đất đai để địa phương quản lý.
Với các mỏ đang hoạt động và còn thời hạn khai thác, sẽ được nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án, sẽ không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường…
Theo các chuyên gia, việc trao quyền cho lãnh đạo tỉnh thực hiện các thủ tục triển khai dự án sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc để triển khai khi phải lấy ý kiến, xin phê duyệt ở nhiều cấp. Tuy nhiên, nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu các bộ ngành liên quan phải giám sát và phối hợp các địa phương, giải quyết vướng mắc thực hiện dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận