13/05/2017 12:27 GMT+7

Triển khai đổi mới giáo dục theo hình thức cuốn chiếu

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: "Nếu sang năm học 2017-2018 mà triển khai kiểu “đồng khởi” là rất khó khăn, nên chúng tôi dự định năm học tới chỉ tập trung đổi mới ở lớp 1 và làm thử nghiệm ở lớp 6, lớp 10."

Một cử tri là cán bộ quản lý giáo dục ở tỉnh Bình Định chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: DUY THANH
Một cử tri là cán bộ quản lý giáo dục ở tỉnh Bình Định chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: DUY THANH

Không thể nào tỉnh có điều kiện xây dựng để các trường tiểu học đủ tiêu chí 1 phòng học/lớp được. Bộ nên điều chỉnh để giáo viên hai môn tin học và ngoại ngữ nằm trong biên chế, vì hai môn này theo chương trình mới là môn chính thức ở bậc tiểu học chứ không còn là môn tự chọn nữa.

Bà HỒ THỊ PHI YẾN

Nếu thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông theo dự thảo của Bộ GD-ĐT đang được lấy ý kiến sẽ dẫn đến “phình” biên chế giáo viên, gây biến động khó lường khi học sinh học môn tự chọn...

Đó là những vấn đề được đặt ra tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý GD-ĐT ở tỉnh Bình Định với ông Phùng Xuân Nhạ - bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tổ chức tại Sở GD-ĐT Bình Định chiều 12-5.

Nhiều lo lắng, lúng túng

Ông Võ Ngọc Sỹ, trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT Bình Định, cho rằng xây dựng mới chương trình giáo khoa phổ thông là đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên sẽ dẫn đến nhiều khó khăn vướng mắc trong việc bố trí giáo viên.

Theo cử tri này, để có giáo viên dạy các môn mới dự kiến thực hiện hai hướng, nhưng hướng nào cũng khó.

“Nếu tuyển mới đúng vị trí việc làm thì khó khăn vì làm “phình” bộ máy biên chế, nhưng lại có nguy cơ không tuyển được vì hiện các trường sư phạm chưa đào tạo các chuyên ngành có môn học mới này.

Còn nếu đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên hiện có kiêm nhiệm thì hiện bộ chưa có chương trình bồi dưỡng mới, chưa biết cơ sở nào được đào tạo, bồi dưỡng và chế độ cho giáo viên thế nào” - ông Sỹ đặt vấn đề.

Ngoài ra, ông Sỹ cũng nói theo đổi mới chương trình thì bậc THPT học sinh được tự chọn học ba môn và một chuyên đề với tối thiểu là 330 tiết, điều này có thể gây biến động lớn nếu mỗi năm nhu cầu tự chọn một khác, trường không thể bố trí được giáo viên...

Cùng nỗi băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Lý Chiêu Hòa - phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn - bày tỏ: “Dự thảo có quy định chậm nhất đến năm học 2022-2023 các trường tiểu học phải tổ chức dạy học hai buổi/ngày là rất bất khả thi.

Tôi ví dụ ở Quy Nhơn hiện có 666 lớp tiểu học, nếu giữ nguyên số lượng lớp này thì trong sáu năm tới cần xây thêm đến hơn 230 phòng học mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là điều không thể, đó là chưa nói đến khó khăn trong bố trí giáo viên.

Ngoài ra, nhiều giáo viên lớn tuổi không thể đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn khi tiến hành đổi mới, có nguyện vọng được nghỉ sớm thì bộ cần quan tâm xây dựng chính sách chế độ cho họ”.

Bà Hồ Thị Phi Yến - trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Bình Định - cho rằng tiêu chí của bộ về cơ sở vật chất trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là một phòng học/lớp, ít nhất 50% học sinh học hai buổi/ngày có thể khiến mục tiêu đạt 85% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia bị phá vỡ.

Không làm “đồng khởi”, mà là “cuốn chiếu”

Trả lời cử tri, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới là đổi mới căn bản, toàn diện, chuyển hướng để phát triển năng lực phẩm chất, thay đổi toàn bộ từ triết lý đến nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá và điều kiện thực hiện.

“Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT khẩn trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, bắt đầu thực hiện từ năm 2018, phải nói là áp lực cực lớn” - ông Nhạ nói.

Theo ông Nhạ, chương trình cũ dạy đơn môn với các tiết rất rời rạc, còn chương trình mới là tổng hợp kiến thức, tăng cường năng lực, có một số môn tích hợp nên đòi hỏi giáo viên phải được bồi dưỡng, đào tạo lại cho phù hợp: “Ban dự án của bộ đang rà soát, xây dựng các chuẩn giáo viên theo khung mới và chuẩn quản lý nhà giáo mới.

Trước mắt rà soát xem 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay đang ở đâu so với các bậc chuẩn, từ đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn tối thiểu, đáp ứng yêu cầu chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng”.

Cũng theo ông Nhạ, kế hoạch của bộ là sắp tới sẽ có 7-9 trường ĐH sư phạm làm nòng cốt, hơn 100 trường CĐ, trung cấp sư phạm sẽ làm vệ tinh cho việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên ở các địa phương.

Từ tháng 9-2017 tiến hành đào tạo giáo viên cốt cán, sau đó sẽ mở rộng ra toàn đội ngũ giáo viên. Bộ cũng yêu cầu các trường sư phạm tự thay đổi, chủ động đào tạo giáo viên các môn học mới.

“Nếu sang năm học 2017-2018 mà triển khai kiểu “đồng khởi” là rất khó khăn, nên chúng tôi dự định năm học tới chỉ tập trung đổi mới ở lớp 1 và làm thử nghiệm ở lớp 6, lớp 10.

Sang năm học 2018-2019 sẽ làm đại trà lớp 2, lớp 6, lớp 10; cứ thế “cuốn chiếu” dần để về mặt chuyên môn là chuẩn chỉnh lại chương trình, về điều kiện thực hiện là có thời gian chuẩn bị giáo viên và cơ sở vật chất, đến năm 2023 hoàn thành đổi mới” - ông Nhạ phân tích.

Về dự thảo các môn tự chọn bậc THPT, ông Nhạ nói băn khoăn của cử tri là đúng và bộ chưa “chốt” vấn đề này.

Riêng về cơ sở vật chất mỗi lớp/phòng học ở bậc tiểu học để đảm bảo dạy hai buổi/ngày, ông Nhạ nói trước mắt thiết kế chương trình theo hướng linh hoạt, trường có đủ cơ sở hai buổi thì dạy học thế nào, trường một buổi thì thế nào để từng bước phải tiến tới các lớp tiểu học học hai buổi/ngày.

“Chúng tôi đang tính cái khả thi, mức độ linh hoạt, từng địa phương để điều chỉnh” - ông nói. Ông cũng cho biết sẽ làm việc với Bộ Nội vụ để sửa định biên đối với giáo viên dạy hai môn ngoại ngữ, tin học bậc tiểu học.

Chủ động đào tạo giáo viên kiêm nhiệm

Trước băn khoăn việc tăng biên chế là rất khó khăn, ông Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị các địa phương chủ động trong việc đào tạo giáo viên kiêm nhiệm, bộ sẽ kiến nghị các bộ ngành và Chính phủ xem xét có chế độ phù hợp, kể cả chính sách và chế độ cho những giáo viên lớn tuổi có nhu cầu nghỉ sớm vì không thể đáp ứng yêu cầu nâng chuẩn.

“Tăng thời gian, hiệu quả thì phải tăng chế độ. Bây giờ giáo viên là định biên nhưng hướng tới sẽ thí điểm không có viên chức, công chức trong giáo viên nữa mà theo chế độ hợp đồng, có vào có ra, tránh “bêtông hóa” biên chế khiến người làm việc không hiệu quả mà vẫn không ra được” - ông Nhạ nói.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên