Trích đoạn tiểu thuyết của Nữ tác gia vừa đoạt Nobel Văn chương 2018: Những cuộc tháo chạy

OLGA TOKARCZUK 21/10/2019 18:10 GMT+7

TTCT - Một trích đoạn tác phẩm Flights của nhà văn Olga Tokarczuk bao gồm 116 đoản văn và truyện, một số hư cấu, một số phi hư cấu, đoạn ngắn nhất chỉ dài hai câu, truyện dài nhất có thể tách thành một tiểu thuyết riêng. Chủ đề xuyên suốt của tác phẩm là sự dịch chuyển, tính chất hữu hạn của cơ thể và ý nghĩa của một nơi chốn thuộc về. Tựa đề gốc của tác phẩm là Bieguni, tên gọi một nhóm người Slavic hư cấu khước từ lối sống định cư và chọn cách sống liên tục di chuyển, rày đây mai đó.

Olga Tokarczuk
Olga Tokarczuk

Cô ngồi dậy trên giường, cảm giác nhồn nhột vì những giọt mồ hôi giữa ngực. Chiếc áo ngủ dính chặt vào người cô như lớp da sắp lột. Cô dỏng tai nghe ngóng trong bóng tối và bắt được tiếng thút thít khe khẽ vọng ra từ phòng của Petya. Cô quơ chân tìm dép một lúc, nhưng rồi bỏ cuộc. Cô sẽ chạy chân đất đến chỗ con trai. Kế bên, cô thấy đường nét tối mờ của một người đang cựa mình và thở dài.

“Sao?” - người đàn ông lẩm bẩm, ngái ngủ, nằm xuống gối trở lại.

“Không có gì, Petya”.

Cô bật một ngọn đèn nhỏ trong phòng con và lập tức nhìn thấy đôi mắt nó. Chúng mở to nhìn cô từ bên trong những hố sâu đen ngòm đau đớn mà ánh đèn khắc lên khuôn mặt thằng bé. Cô đặt tay lên trán nó, theo bản năng, như mọi lần. Trán nó không nóng nhưng đẫm mồ hôi, ướt rượt. Cô cẩn thận kéo con đặt ngồi lên rồi xoa lưng nó. Đầu con trai cô ngả lên vai cô; Annushka có thể ngửi thấy mùi mồ hôi, nhận ra cơn đau trong đó, một điều mà cô đã học được: Petya có mùi khác khi nó đang đau.

“Con cố đến sáng được không?” - cô thì thầm, dịu dàng, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra đó thật là một câu hỏi ngu ngốc. Tại sao thằng bé phải chịu đựng đến sáng? Cô với tay lấy vỉ thuốc để trên tủ đầu giường, bóc ra một viên, cho vào miệng con. Tiếp theo là một ly nước ấm. Đứa bé uống, sặc nước, vì vậy một lúc sau cô cho nó uống một ngụm nữa, lần này cẩn thận hơn. Thuốc sẽ sớm có tác dụng, cô đặt cơ thể mềm oặt của con nằm nghiêng sang phải, kéo đầu gối lên dưới bụng, nghĩ rằng con sẽ thoải mái nhất trong tư thế này. Cô nằm xuống cạnh con trên mép giường rồi tựa đầu lên tấm lưng giơ xương của con, lắng nghe không khí biến thành hơi thở khi đi vào phổi đứa bé và thải ra vào bóng đêm. Cô chờ đến khi tiến trình này trở nên nhịp nhàng, dễ dàng, tự động, rồi cô đứng dậy, thận trọng, rón rén quay về giường. Cô thà ngủ lại trong phòng của Petya ,như cô vẫn làm cho đến lúc chồng cô trở về. Như thế tốt hơn, tâm trí cô dễ chịu hơn,khi chìm vào giấc ngủ và thức dậy đối diện con. Không phải mở chiếc giường đôi đó ra mỗi đêm: cứ để trống nó. Nhưng chồng là chồng.

Anh trở về bốn tháng trước, sau hai năm đi xa. Anh trở về trong bộ thường phục, chính bộ quần áo anh đã mặc lúc đi, giờ đã lỗi mốt, dù bạn có thể thấy chúng hầu như không hề được mặc. Cô ngửi chúng, chúng chẳng có mùi giống thứ gì, có thể là mùi ẩm rất nhẹ, mùi của sự bất động, một nhà kho đóng kín.

Anh trở về rất khác - cô nhận ra ngay - và đến nay, anh vẫn khác. Đêm đầu tiên, cô xem xét cơ thể anh - nó cũng khác, cứng hơn, to hơn, nhiều cơ bắp hơn, nhưng yếu ớt một cách kỳ lạ.

Cô chạm vào vết sẹo trên vai và da đầu anh, tóc anh rõ ràng đã thưa và bạc hơn. Đôi tay đã trở nên thô hơn, các ngón tay dày hơn, như bởi lao động vất vả. Cô đặt chúng lên bộ ngực trần của mình, nhưng chúng vẫn ngập ngừng. Cô dùng tay mình để thuyết phục anh, nhưng anh vẫn nằm đó thật im lìm, hơi thở thật ngắn, đến nỗi nó khiến cô cảm thấy xấu hổ.

Ban đêm, anh thường thức giấc với một tiếng rên khàn đục, quằn quại, ngồi dậy trong bóng tối, rồi một lúc sau đứng dậy đi đến tủ rượu và rót một ly. Sau đó,hơi thở anh có mùi như hoa quả, như táo. Rồi anh nói, “Đặt tay em lên người anh đi, chạm vào anh đi”.

“Hãy kể cho em nghe ở đó như thế nào, anh sẽ thấy đỡ hơn, kể cho em nghe đi”, cô nói, thì thầm vào tai anh, kích thích anh với hơi thở nóng ran của mình.

Nhưng anh không kể gì với cô. 

"Văn học là phương cách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới" ( Olga Tokarczuk)

Trong lúc cô chăm sóc Petya, anh thường đi lại khắp căn hộ trong bộ đồ ngủ kẻ sọc, uống cà phê đen đậm, nhìn ra ngoài cửa sổ sang những tòa nhà chung cư. Sau đó, anh nhìn thằng bé, thỉnh thoảng cúi xuống cạnh nó, cố gắng tạo sự kết nối. Sau đó anh mở tivi và kéo tấm rèm màu vàng lại, biến ánh sáng ban ngày thành một thứ yếu ớt, đặc quánh và nóng hừng hực. Anh không thay quần áo cho đến khoảng trưa, khi y tá của Petya sắp đến, thậm chí không phải lúc nào anh cũng thay. Đôi khi anh chỉ đóng cửa. Âm thanh từ tivi yếu dần, trở thành một tiếng than van ai oán, một lời hiệu triệu đến một thế giới vô tri mới.

Tiền được chuyển đến đúng boong như đồng hồ điểm, hàng tháng. Mà thực ra nó vừa đủ - dư dả cho thuốc men của Petya, cho một chiếc xe lăn tốt hơn, hiếm khi dùng đến, và cho một y tá.

Hôm nay Annushka sẽ không phải chăm sóc thằng bé; hôm nay là ngày nghỉ của cô. Mẹ chồng cô sắp đến, dù bà không biết thực sự thì bà đến để trông chừng ai, con trai hay cháu nội, ai là người bà sẽ phải bận tâm nhiều nhất. Bà sẽ đặt cái túi nhựa kẻ carô cạnh cửa rồi lấy ra bộ đồ mặc ở nhà bằng vải tổng hợp và đôi dép - đồng phục ở nhà của bà. Bà sẽ nhìn vào phòng con trai, hỏi nó một câu, nó sẽ trả lời mà không rời mắt khỏi tivi: có hoặc không. Chỉ vậy, chẳng đáng chờ đợi, cho nên bà sẽ đi đến phòng cháu nội. Nó cần được tắm rửa và cho ăn; drap giường của nó - ướt sũng mồ hôi và nước tiểu, cần được thay; nó cần uống thuốc. Rồi quần áo bẩn cần được cho vào máy giặt, bữa trưa cần được nấu.

Sau đó, bà sẽ dành thời gian với đứa bé; nếu trời đẹp, thằng bé có thể được đưa ra bancông, ngoài đấy cũng chẳng có gì nhiều để ngắm - chỉ là những tòa nhà chung cư như những dải san hô xám xịt khổng lồ trong một đại dương khô cạn, chen chúc những sinh vật cần mẫn, đáy biển của họ chính là đường chân trời mù mịt của đô thị khổng lồ, Matxcơva. Nhưng thằng bé lúc nào cũng ngước lên trời, nhìn lơ lửng bụng những đám mây, dõi theo chúng một lúc, cho đến khi chúng trôi khỏi tầm mắt.

Minh họa: Yến Yến
Minh họa: Yến Yến

Annushka rất biết ơn mẹ chồng vì cho cô ngày này mỗi tuần. Khi tiến ra cửa, cô hôn phớt lên gò má mềm mượt của bà. Đó là toàn bộ thời gian họ dành cho nhau, lúc nào cũng tại cửa, rồi sau đó cô sẽ chạy thật nhanh xuống cầu thang, càng đi xuống xa càng cảm thấy nhẹ dần. Cô có cả một ngày trước mắt. Không hẳn là cô sẽ dành nó cho bản thân, tất nhiên. Cô có nhiều việc phải làm. Cô sẽ thanh toán các hóa đơn, đi chợ, lấy thuốc cho Petya, đi thăm mộ, và rồi cuối cùng cô sẽ đi đến tận đầu bên kia của thành phố vô hồn này để có thể ngồi trong bóng tối vây kín xung quanh và òa khóc. Mọi thứ kéo dài vô tận vì nơi nào cũng kẹt xe, bị ép chặt giữa dòng người, cô nhìn qua kính cửa sổ của xe buýt khi những chiếc xe khổng lồ có cửa sổ nhuộm màu lướt êm về trước, toát ra một sức mạnh đáng gờm, trong khi tất cả những người còn lại đứng yên bất động. Cô nhìn ra những quảng trường đông nghịt người trẻ, những quầy hàng lưu động bán những món hàng Trung Quốc rẻ tiền. Cô luôn đổi tàu ở ga Kievsky, nơi cô lướt qua đủ loại người khi họ chen nhau đi lên và ra khỏi đó từ các thềm ga dưới lòng đất. Nhưng không có ai thu hút sự chú ý của cô, không có ai làm cô khiếp sợ như nhân vật kỳ lạ đứng ở lối ra, trên phông nền những hàng rào dựng tạm để che móng hầm đang đào của một công trình xây dựng, những hàng rào được dán chằng chịt quảng cáo đến nỗi trông như chúng đang thét gào.

Quỹ đạo của người đàn bà đó là miếng đất trống giữa bức tường và vỉa hè tráng ximăng; cứ thế bà ta chứng kiến dòng chảy không ngừng nghỉ của con người, đón nhận cuộc diễu hành của những khách bộ hành mệt mỏi và hối hả mà bà hay chặn đứng ngay giữa hành trình của họ từ chỗ làm về nhà hoặc ngược lại - bây giờ họ sẽ chuyển phương tiện giao thông, đổi từ tàu điện ngầm sang xe buýt.

Bà ta ăn mặc khác với tất cả bọn họ - bà mặc một đống hổ lốn: quần, bên ngoài là vài cái váy, sắp xếp để cho cái này lộ ra dưới cái kia, thành nhiều lớp, phía trên cũng vậy - nhiều lớp áo, áo da cừu, áo ghilê. Trùm lên toàn bộ là một chiếc áo khoác chần bông màu xám, đỉnh cao của sự đơn giản tinh gọn, tiếng vọng của một tu viện phương đông xa xôi hoặc một trại lao động. Kết hợp lại, những lớp áo quần này tạo ra một cảm giác thẩm mỹ, và Annushka thậm chí khá thích nó; nó gây cho cô ấn tượng là màu sắc được lựa chọn cẩn thận, dù không rõ sự lựa chọn này mang tính con người hay là đỉnh cao thời thượng của sự hỗn mang - những sắc màu nhạt phai, sờn rách và phân rã.

Nhưng điều kỳ lạ nhất là đầu của người đàn bà này - quấn chặt trong một miếng vải, ép vào bằng một chiếc mũ ấm có vành tai - và khuôn mặt bịt kín mít của bà ta; tất cả những gì bạn thấy được là cái miệng của bà khi nó phát ra một tràng những tiếng chửi thề vô tận. Cảnh tượng này thật khó chịu đến nỗi Annushka chưa bao giờ cố gắng hiểu xem những tiếng chửi này có ý nghĩa gì. Và bây giờ cũng vậy, khi lướt qua bà ta, Annushka tăng tốc, sợ rằng người đàn bà này sẽ bám lấy cô. Sợ rằng trong hối hả những từ ngữ dữ dội ấy, Annushka có thể nghe ra tên của chính mình.

Tiết trời dễ chịu của tháng mười hai, vỉa hè khô ráo, sạch tuyết, đôi giày cô mang rất thoải mái. Annushka không lên xe buýt, thay vì vậy cô băng qua cây cầu rồi tản bộ dọc theo đường cao tốc nhiều làn xe, cảm thấy như mình đang đi bên bờ một con sông mênh mang không có chiếc cầu nào. Cô thích chuyến tản bộ này, sẽ không khóc cho đến khi cô đến được nhà thờ của mình, trong góc tối nơi cô luôn quỳ gối và giữ nguyên tư thế khó chịu đó cho đến khi không còn cảm nhận được đôi chân mình nữa, cho đến khi cô đạt đến trạng thái thường xuất hiện sau những cơn đau buốt và cứng đơ - trạng thái của tính không. Nhưng bây giờ thì cô quàng túi xách qua vai và nắm chặt cái túi nhựa đựng những bông hoa nhựa dành cho nghĩa trang. Cô cố gắng không nghĩ đến gì cả, ít nhất không phải nơi cô vừa đi ra. Cô đang tiến vào khu dân cư sang trọng nhất của thành phố, vì vậy có nhiều thứ để cô nhìn - ở đây có đầy cửa hàng, nơi những con manơcanh mảnh mai, mượt mà dửng dưng trưng bày những bộ quần áo đắt tiền nhất. Annushka dừng lại để ngắm một cái xắc tay đính một triệu hạt cườm, trang trí với voan và ren: một loại phép mầu. Cuối cùng, cô đến hiệu thuốc chuyên biệt, nơi cô sẽ phải chờ đợi. Nhưng cô sẽ nhận được những loại thuốc cần thiết. Những loại thuốc vô ích, gần như chẳng xoa dịu được các triệu chứng của con trai cô là bao.

Tại một sạp có mái che, cô mua một túi bánh pirozhki rồi ngồi ăn trên băng ghế trong quảng trường.

Trong nhà thờ nhỏ của mình, cô thấy có nhiều du khách. Vị linh mục trẻ thường lăng xăng trong chốn lánh đời này như một nhà buôn giữa mớ hàng hóa của mình lúc này đang bận kể với du khách về lịch sử tòa nhà và về thánh tượng môn. Với chất giọng du dương, ông ta cất lên những lời rao giảng, cái đầu trên thân người dong dỏng, mảnh mai của ông ta nhìn xuống đám đông nhỏ, bộ râu khá nhạt của ông ta như một vòng hào quang lạ lùng đã tuột ra khỏi đầu và trượt xuống ngực ông ta. Annushka lùi lại: Làm sao cô có thể cầu nguyện và khóc với sự có mặt của đám du khách này? Cô chờ đợi và chờ đợi, nhưng rồi nhóm tiếp theo tiến vào, thế là Annushka quyết định tìm một nơi khác để rơi nước mắt - cách xa đây một chút có một nhà thờ khác, nhỏ và cũ, hầu như lúc nào cũng đóng cửa. Cô từng vào đó nhưng không thích nó, cô thoái lui vì sự lạnh lẽo và mùi gỗ ẩm.

Nhưng bây giờ cô không kén chọn nữa, cô phải tìm một nơi để cuối cùng có thể khóc, một nơi biệt lập nhưng không vắng vẻ; nó phải có sự hiện diện cảm nhận được của một cái gì đó lớn hơn cô, của những cánh tay to lớn vươn ra, run run sự sống. Annushka cũng cần cảm nhận được ánh mắt của ai đó nhìn mình, để cảm thấy tiếng khóc của mình đang được ai đó chứng kiến, để cảm thấy nó không rơi vào thinh không. Đó có thể là đôi mắt vẽ lên gỗ, lúc nào cũng mở, đôi mắt không bao giờ mỏi mệt với bất kỳ điều gì, mãi mãi an tĩnh: hãy để đôi mắt ấy nhìn cô, không chớp.

Cô lấy ba cây nến và bỏ vài đồng xu vào hộp thiếc. Cây đầu tiên cho Petya, cây thứ hai cho người chồng trầm lặng của cô, và cây thứ ba cho mẹ chồng cô trong bộ đồ mặc ở nhà chưa ủi. Cô thắp nến từ một vài cây nến khác đang cháy ở đây, nhìn quanh và tìm thấy một điểm cho mình ở bên phải, trong một góc tối, để không làm phiền những bà già đang cầu nguyện. Cô làm dấu thánh qua loa, cứ thế bắt đầu nghi thức nước mắt của mình.

Nhưng khi cô ngước mắt lên để cầu nguyện, một khuôn mặt khác hiện lên từ bóng tối - khuôn mặt lớn lao của thánh tượng u sầu. Nó là một tấm ván hình vuông treo cao, nằm gần ngay dưới mái vòm nhà thờ, trên đó là hình ảnh đơn giản của Chúa Kitô, vẽ bằng tông màu nâu và xám. Khuôn mặt u tối, trên nền tối, không có vòng hào quang, không có mão gai; chỉ có đôi mắt ánh lên khi nhìn thẳng vào cô, hệt như cô muốn. Ấy vậy mà, đây không phải là kiểu ánh mắt mà Annushka đã nghĩ đến - cô mong đợi đôi mắt dịu dàng tràn đầy tình yêu thương. Ánh mắt này, như thôi miên, khiến cô tê liệt. Dưới nó, cơ thể Annushka co rụt lại. Ông chỉ ở đây một lúc, trôi xuống từ trần nhà trên cao, từ bóng tối sâu thẳm nhất - đó là nơi của Chúa, điểm ẩn nấp của ông. Ông không cần một thân người, chỉ có khuôn mặt mà giờ đây cô phải đối diện. Đó là một ánh nhìn soi mói, xoáy vào đầu cô đầy đau đớn, như một mũi khoan. Khoan một lỗ vào não cô. Đó có thể không phải là khuôn mặt của Đấng Cứu Rỗi, mà của một người bị chìm xuống nước mà không chết, thay vì vậy bảo vệ ông ta khỏi cái chết hiện diện khắp nơi ở dưới nước, mà giờ đây, do những dòng chảy bí ẩn, đã nổi lên mặt nước, tỉnh táo, ý thức cao độ, và nói: Nhìn đây, ta ở đây. Nhưng cô không muốn nhìn ông. Annushka hạ ánh mắt xuống. Cô không muốn biết rằng Chúa yếu đuối và đã lạc lối, rằng Người đã bị lưu đày và Người đang bò trườn trong những đống rác của thế gian, dưới đáy sâu hôi hám của nó. Khóc chẳng có ý nghĩa gì. Đây không phải là nơi dành cho nước mắt. Đức Chúa này sẽ không giúp đỡ hay ủng hộ, động viên, gột sạch, hoặc cứu rỗi được gì. Ánh mắt của kẻ chết chìm dán vào trán cô; cô nghe một tiếng lầm rầm, một tiếng sấm dưới lòng đất từ xa, một sự rung động dưới nền nhà thờ.

Hẳn là vì tối qua cô gần như không ngủ, vì cô hầu như chẳng ăn gì hôm nay - bây giờ cô cảm thấy kiệt sức. Nước mắt không chảy, dưới đáy khô cằn nơi chúng phải rơi xuống.

Cô đứng phắt dậy rồi đi ra. Cứng đờ, thẳng đến tàu điện ngầm.

Có cảm giác như cô vừa có một trải nghiệm, một cái gì đó đã nhập vào cô, làm cô căng cứng bên trong như dây đàn, khiến cô tạo ra một tiếng rất thanh, không một ai nghe thấy. Một âm thanh im lìm, chỉ dành riêng cho cơ thể cô - một buổi hòa nhạc ngắn ngủi trong một lớp cách âm dễ vỡ. Dù vậy, cô vẫn lắng nghe nó, toàn bộ sự chú ý của cô chuyển vào bên trong, nhưng trong tai cô chỉ có tiếng máu chảy rần rật.

Các bậc thang đi xuống, và cô có ấn tượng nó kéo dài mãi mãi, một số người đi xuống, một số khác đi lên. Thông thường ánh mắt cô sẽ trượt trên những khuôn mặt người khác, nhưng lúc này ánh mắt của Annushka, bị ấn tượng mạnh bởi cảnh tượng trong nhà thờ, không thể kiểm soát được nữa. Ánh mắt cô chiếu lên từng người lướt qua - và mỗi khuôn mặt như một cái tát, mạnh, nhức nhối. Cô sẽ không thể chịu đựng nổi nữa, cô sẽ phải bịt mắt lại như bà già điên đứng trước ga tàu đó, và cũng như bà ta, cô sẽ tuôn ra những tiếng chửi.

“Xin xót thương, xin xót thương”, cô thì thầm, bấu các ngón tay vào thanh vịn đang chuyển động nhanh hơn cả các bậc thang; nếu Annushka không buông ra, cô sẽ ngã.

Cô nhìn thấy đoàn người im lặng đi lên đi xuống, vai kề vai, lèn chặt. Họ trượt về điểm của mình như bị buộc dây lôi đi, tiến về nơi nào đó trong các vùng ngoại ô, đến một tầng mười, nơi họ có thể tháo lớp che trên đầu ra rồi rơi vào một giấc ngủ tạo thành từ những mảnh vụn của ngày và đêm. Mà trong thực tế thì đến sáng giấc ngủ không tan biến - những mảnh vụn đó tạo thành những hình ghép, những vệt loang lổ; một số có hình dạng đặc sắc, có thể nói là được định trước.

Cô thấy sự giòn rụm của những cánh tay, sự mong manh của những mi mắt, đường nét không ổn định của những đôi môi người, chuẩn bị vặn vẹo thành một sự nhăn nhó, cô thấy bàn tay họ thật yếu ớt, đôi chân họ thật yếu ớt - chúng sẽ không, không thể, đưa họ đến bất kỳ đích đến nào. Cô thấy trái tim họ đập đúng nhịp, một số nhanh hơn, một số chậm hơn, một chuyển động cơ học bình thường, những túi phổi như những bao nilông bẩn, có thể nghe thấy tiếng thở ra sột soạt. Quần áo của họ đã trở nên trong suốt, nên cô nhìn chúng kết hợp nhau loạn xạ. Cơ thể của chúng ta thật đáng thương, bẩn thỉu, nát vụn - không có ngoại lệ - cho cỗ máy nghiền.

Thang cuốn đưa những sinh vật này thẳng xuống lòng đất, vào trong vực thẳm; đây là những đôi mắt của con chó ba đầu Cerberus trong những buồng kính ở dưới cầu thang, đây là cẩm thạch giả và những cột nhà, những tượng điêu khắc ác quỷ khổng lồ - một số cầm lưỡi liềm, một số khác cầm những bó rơm. Những cái chân to như cột nhà, những đôi vai người khổng lồ. Những chiếc máy kéo - những cỗ máy địa ngục kéo những công cụ tra tấn có răng nhọn cày lên mặt đất những vết thương không bao giờ lành. Từ mọi phía, những nhóm người chen chúc nhau, tay họ giơ lên van xin trong hoảng loạn, miệng họ há to để kêu gào. Ngày Phán Xét Cuối Cùng xảy ra ở đây, dưới lòng sâu của trạm tàu điện ngầm, thắp sáng bằng những ngọn đèn chùm pha lê tỏa ra ánh sáng vàng chết chóc. Những phán quan không thấy đâu, đúng vậy, nhưng khắp nơi bạn có thể cảm nhận được sự hiện diện của họ. Annushka muốn rút lui, chạy ngược dòng người, nhưng thang cuốn không cho phép, cô phải tiếp tục đi xuống, cô sẽ không được tha mạng. Những miệng tàu sẽ há ra trước mặt cô với tiếng xì xì rồi nuốt chửng cô vào đường hầm tăm tối. Nhưng tất nhiên vực thẳm có ở khắp nơi, kể cả trên những tầng phía trên của thành phố, kể cả trên những tầng mười và mười sáu của những tòa nhà cao tầng, trên nóc những ngọn tháp, trên đỉnh những cột ăngten. Không thể thoát khỏi nó. Phải chăng đây chính là điều mà bà điên đang la hét, xen giữa những tiếng chửi thề?

Annushka loạng choạng, tựa vào một bức tường. Nó hằn những vệt trắng lên chiếc áo khoác len của cô, xức dầu thánh lên cô.

Cô phải xuống xe, trời tối rồi, cô xuống bừa vì không thể thấy gì ngoài cửa sổ xe buýt, sương giá đã khắc những cành cây khẳng khiu màu bạc lên kính, nhưng cô thuộc lòng tuyến đường này, cô đã đúng. Chỉ vài cái sân - cô đi đường tắt - là cô sẽ về đến tòa nhà của mình. Nhưng cô chậm lại, chân cô không muốn đưa cô đến đích; chúng chống cự, những bước chân của cô dần dần nhỏ lại. Annushka dừng lại. Cô ngước lên và thấy ánh đèn trong căn hộ của mình. Họ nhất định đang đợi cô - thế là cô lại đi tiếp, nhưng một giây sau cô lại dừng. Gió lạnh xuyên qua áo khoác của cô, thổi tung vạt áo, siết chặt đùi cô với những ngón tay lạnh giá. Cái chạm của nó như lưỡi dao cạo, như thủy tinh vỡ. Nước mắt rơi xuống má cô vì lạnh, làm cơn gió hả hê, cuối cùng đã cho nó một cách để châm chích mặt cô. Annushka lao nhanh về trước, đến chỗ cầu thang, nhưng khi lên đến cửa cô xoay người lại, dựng cổ áo lên, và thật nhanh cô quay trở lại nơi mình vừa đến.■

Thanh Trúc (dịch)

Tác phẩm Flights của nhà văn Olga Tokarczuk bao gồm 116 đoản văn và truyện, một số hư cấu, một số phi hư cấu, đoạn ngắn nhất chỉ dài hai câu, truyện dài nhất có thể tách thành một tiểu thuyết riêng. Chủ đề xuyên suốt của tác phẩm là sự dịch chuyển, tính chất hữu hạn của cơ thể và ý nghĩa của một nơi chốn thuộc về.

Tựa đề gốc của tác phẩm là Bieguni, tên gọi một nhóm người Slavic hư cấu khước từ lối sống định cư và chọn cách sống liên tục di chuyển, rày đây mai đó.

Đoạn trích mà TTCT giới thiệu cùng bạn trong số báo này kể về một trong những người lang thang đó. Một người phụ nữ tuyệt vọng sống trong một thành phố ở Nga gặp được một người đàn bà có vẻ điên khùng và độc thoại huyên thuyên về sự dịch chuyển. Người đàn bà bieguni này đã cho cô thấy có một lối thoát cho cuộc sống khổ sở của cô. “Bất kỳ kẻ nào dừng lại đều sẽ bị hóa đá, bất kỳ kẻ nào đứng im đều bị đóng đinh như một con côn trùng… Hãy di chuyển. Hãy lên đường. Phước cho kẻ nào bỏ đi”.

Olga Tokarczuk cho biết bà nhận được tin mình được trao Nobel văn chương khi đang trên đường đi quảng bá văn học tại Đức. Bà nói với phóng viên báo Bầu Cử Ba Lan: “Nhận được tin, tôi đã phải dừng xe ngay lập tức! Vì tôi chưa hề nhận được tin này. Tôi rất vui, khi cùng với tôi, Peter Handke, người tôi đánh giá rất cao, cũng được nhận giải. Thật tuyệt vời khi Viện hàn lâm Thụy Điển đã nhìn nhận văn học Trung Âu. Tôi mừng vì chúng ta vẫn vững bước”.

Olga Tokarczuk sinh năm 1962 tại Sulechow (Ba Lan). là nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà thơ và nhà tâm lý học. Bà là nhà văn theo trào lưu nữ quyền (feminism) và hiện thực huyền ảo (magical realism). Năm 1979, những truyện ngắn đầu tay của bà được đăng trên tạp chí Thanh Niên, năm 1989 những bài thơ đầu tay được in trong các tạp chí Radar Đời sống văn học. Bà thực sự nổi tiếng từ năm 1997, khi tác phẩm Thời xa xưa và những thời kỳ khác được tặng giải thưởng của Koscielski Foundation (giải thưởng văn học độc lập dành cho các nhà văn tài năng dưới 40 tuổi). Tác phẩm Nhà ngày, nhà đêm được bạn đọc Ba Lan bầu chọn là cuốn sách hay nhất năm 1999. Bieguni (tựa tiếng Anh là Flights) đoạt Man Booker International Prize năm 2018. Các tác phẩm E.E. (1995), Cái tủ (1997) cũng được bạn đọc rất mến mộ.

Hai lần (2002 và 2015) bà được tặng giải thưởng Nike, giải thưởng văn học hằng năm danh giá nhất Ba Lan, với số tiền mặt 100.000 zloty (khoảng 33.000 USD).

Như vậy, Ba Lan với khoảng 40 triệu dân, đã có tới năm nhà văn và nhà thơ đoạt Nobel văn chương: nhà văn Henryk Sienkiewicz (1905), nhà văn Stanislaw Reymont (1924), nhà thơ Czeslaw Milosz (1980), nữ nhà thơ Wislawa Szymborska (1996) và nữ nhà văn Olga Tokarczuk (2018).

Dịch giả Lê Bá Thự

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận