TTCT - Trí tuệ nhân tạo (AI) thay mặt họa sĩ truyện tranh vừa khuất núi vẽ tiếp bộ truyện còn dang dở, hay phục chế các tác phẩm hư hỏng hoặc thất lạc, tưởng là ý tưởng hay, nhưng giới nghệ thuật vẫn không chấp nhận điều này. Tác phẩm của Mimic AI.Phần lớn các chỉ trích quanh việc AI vẽ truyện tranh đến từ lòng trung thành với tác phẩm gốc trong cộng đồng manga và anime (truyện tranh và hoạt hình Nhật), còn chuyện máy tính tái tạo tác phẩm của danh họa thì bị ném đá vì nét vẽ vô hồn.Tôn vinh hay bất kính?Ngày 3-10, họa sĩ manhwa (truyện tranh Hàn Quốc) lừng danh Kim Jung Gi - người được biết đến với phong cách vẽ truyện tranh bằng bút lông cùng khả năng ứng tác từ trí nhớ mà không cần vẽ phác thảo - qua đời ở tuổi 47. Giới họa sĩ và nghệ sĩ đồ họa trên khắp thế giới thương tiếc và đồng thời tôn vinh ông như một nguồn cảm hứng sáng tác lớn trong cộng đồng.Chỉ vài ngày sau, một nhà thiết kế game người Pháp đã sử dụng các tác phẩm của Jung Gi làm đầu vào cho một mô hình AI. Anh nhanh chóng chia sẻ toàn bộ công trình của mình qua tài khoản Twitter @5you, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể sử dụng AI này biến các ý tưởng của họ thành tác phẩm có nét vẽ giống hệt Jung Gi chỉ qua vài cú click.Cộng đồng yêu tranh Jung Gi nhanh chóng phản ứng. "Kim Jung Gi qua đời chưa được bao lâu mà đã có người sao chép phong cách của ông và đòi được ghi nhận" - họa sĩ truyện tranh Dave Scheidt viết trên Twitter.Còn nhà làm phim hoạt hình Kori Michele Handwerker tuyên bố trong một phản hồi khác: "Một nghệ sĩ không đơn giản chỉ là một phong cách. Họ cũng là một con người có cuộc sống, có trải nghiệm". Một số phản ứng khác coi mô hình AI là một cách "ăn cắp" di sản của Jung Gi - trong đó có kèm đôi lời miệt thị và dọa giết, 5you nói với tạp chí Rest of World.Tranh theo phong cách Kim Jung Gi do AI vẽ. Ảnh: Twitter @5youNguồn cơn của sự việc có thể truy về Stable Diffusion, đối thủ chính của Dall-E (AI nhận gợi ý và vẽ thành hình đình đám trong thời gian qua). Khác với Dall-E, với công nghệ được công ty sở hữu là OpenAI bảo mật chặt chẽ, Stable Diffusion là một sản phẩm mã nguồn mở, cho phép người dùng tự do "dạy" AI và tạo ảnh theo ý muốn mà không phải trả chi phí đăng ký. 5you đã cho Stable Diffusion học tranh ảnh của Jung Gi trên Google Images (mà không cần xin phép nghệ sĩ hoặc chủ sở hữu tác quyền) để tạo ra AI gây tranh cãi của mình.Họa sĩ Kim Jung Gi và tác phẩm của ông. Ảnh: XfinityCác vụ lùm xùm trong việc dùng AI để sáng tác truyện tranh ngày một nhiều. Tháng 8 vừa qua, Mimic, một trang web sáng tạo hình ảnh hướng đến phong cách truyện tranh Nhật Bản, đã phải tạm đóng ngay sau ngày ra mắt, sau khi cộng đồng anime phát hiện nhiều cá nhân đang dùng nó để tạo tranh mới mang tên mình từ tác phẩm của người khác. NovelAI, một trang web tạo ảnh tương tự Mimic, cũng gặp phải vô số vấn đề, trong đó có tấn công mạng và chỉ trích bản quyền, sau khi ra mắt đầu tháng 10."Theo tôi thấy, phần lớn người Nhật coi anime là một dạng sản phẩm xuất khẩu. Khả năng sáng tạo của NovelAI, cũng như các cải tiến của Stable Diffusion và Dall-E - có thể sẽ rất đáng sợ với họ" - Virginia Hilton, quản lý cộng đồng tại NovelAI, nói với Rest of World.Tranh theo phong cách Kim Jung Gi do 5you dùng AI vẽ.Phục chế hay bôi bác?Các tranh cãi về AI và nghệ thuật không chỉ xoay quanh vấn đề bản quyền hay kinh tế. Nhiều chuyên gia nghệ thuật cho rằng các tác phẩm này chỉ đơn giản là sẽ không được tác giả gốc coi là "của mình", nếu họ còn sống đến giờ.Một ví dụ cụ thể là các tác phẩm của Gustav Klimt, họa sĩ người Áo lừng danh theo trường phái tượng trưng, đã mất năm 1918. Faculty Paintings, một bộ ba tác phẩm của ông, đã ra tro trong một vụ hỏa hoạn vào cuối Thế chiến II; tất cả những gì còn lại là một vài bức ảnh đen trắng, cùng các dòng mô tả tác phẩm của báo chí đương thời. Một bức ảnh trắng đen chụp 2 trong số 3 bức tranh bị mất của Klimt - Medicine (trái) và Philosophy - tại một cuộc triển lãm ở Vienna năm 1903. Ảnh: Bảo tàng quốc gia ÁoVới chừng ấy manh mối, Emil Wallner (chuyên gia AI nghệ thuật từ Google) và giáo sư Franz Smola (chuyên gia về Klimt tại Bảo tàng Belvedere) đã hợp tác sử dụng AI để phục chế màu cho bộ ba bức tranh.Nhóm đã sử dụng các dòng mô tả về 3 bức tranh nói trên, cùng 80 ảnh chụp tác phẩm của Klimt và 100.000 tác phẩm của các họa sĩ khác, để có thể "dạy" AI biết cách phân biệt đồ vật và kỹ thuật dùng màu. Qua nhiều lần thử nghiệm không thành công, nhóm đã phải mất nhiều tháng để cho ra thành phẩm cuối cùng - bản phục chế màu mà Smola cho là "tương ứng" với phong cách của Klimt.Dù vậy, phục chế màu luôn là đề tài gây tranh cãi trong giới nghệ thuật, và lần này cũng không phải ngoại lệ. Jane Kallir, chuyên gia về nghệ thuật Đức - Áo, cho biết sản phẩm của AI này giống như phiên bản hoạt hình của tranh Klimt, đồng thời thiếu hẳn kỹ thuật chuyển tông màu tinh tế đã tạo nên danh tiếng cho họa sĩ."Tôi không biết nhiều hơn Google về các bức tranh này, nhưng tôi có thể chắc chắn là chúng không trông như vậy" - Kallir khẳng định. Bản thân Smola cũng thừa nhận sắc xanh trong bức Philosophy phục chế chưa bao giờ được Klimt dùng trong lịch sử, nhưng cô tin rằng "trong thời điểm vẽ [Philosophy], ông đã dùng chúng, bởi đó là một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời ông".3 bức ảnh đã được AI "tô màu".Vẫn lo "mất nồi cơm"Nhìn vào tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ AI, các nhà lập pháp và các chủ doanh nghiệp đang phải chật vật để bắt kịp với tình huống mới. Tại Mỹ, đơn vị bản quyền đang từ chối mọi đơn xin cấp quyền tác giả cho các tác phẩm AI, bởi chúng "thiếu yếu tố sáng tác con người cần thiết để chứng minh quyền tác giả". Cuối tháng 9, trang bán ảnh Getty Images đã loại bỏ mọi tranh ảnh AI ra khỏi hệ thống của mình, đồng thời không chấp nhận mọi thể loại ảnh AI mới.Tại Nhật Bản, luật bản quyền rất gắt gao, nhưng riêng doujinshi (tên gọi các tác phẩm phái sinh từ manga và anime) được coi là hợp pháp. Loại hình này thậm chí còn được các nhà phát hành khuyến khích để gia tăng độ nhận diện cho tác phẩm gốc. Tác phẩm của Mimic AI.Doujinshi do AI tạo ra chỉ bị đánh bản quyền nếu chúng quá giống với một tác phẩm khác được coi là "đầu vào" cho máy học. Năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã sửa luật bản quyền, cho phép các nền tảng học máy "hút" dữ liệu có bản quyền từ Internet mà không cần xin phép, dù mục đích có phi thương mại hay không.Tuy vậy, yếu tố thương mại vẫn được coi là sống còn với giới nghệ sĩ. Hôm nay AI vẽ thay họa sĩ đã mất, ai dám chắc ngày mai nó sẽ không sáng tác luôn phần người còn sống? "Có nhiều lo lắng rằng nhu cầu sản phẩm đồ họa sẽ giảm, lượng công việc sẽ biến mất dần" - Haruka Fukui, một họa sĩ anime và manga sống tại Tokyo, nói với Rest of World.Fukui cho biết cô cũng có kế hoạch sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ, nhưng sẽ phải cân nhắc nếu có người muốn dùng tranh của cô để tạo sản phẩm AI. "Nếu nghệ sĩ không đồng ý, mọi sử dụng đều phải dừng lại".Nhưng với trường hợp của Kim Jung Gi, việc hỏi ý kiến nghệ sĩ là không thể nữa rồi. ■Không chỉ có các tác phẩm sáng tạo - nghệ sĩ cũng có thể mất quyền định đoạt hình ảnh gương mặt hoặc giọng nói của mình vào tay người khác qua sự hỗ trợ của AI. Tháng 10 vừa rồi, hình ảnh một nhân vật y hệt Elon Musk đã xuất hiện xuyên suốt một đoạn quảng cáo bất động sản của Công ty reAlpha Tech Corp, ngôi sao hành động Bruce Willis cũng xuất hiện với giọng Nga kỳ lạ trong một đoạn quảng cáo của Hãng viễn thông Megafon. Vấn đề là không ai trong số họ dành thời gian quay, thậm chí không hề biết đến hợp đồng quảng cáo nào với các hãng trên. Các đoạn quảng cáo trên chỉ sử dụng hình ảnh có sẵn của các tài tử và dựng "như thật" qua công nghệ deepfake.Bruce Willis không tham gia quảng cáo này. Người ta đã dùng deepfake để cho ông "vào vai".Cứ tưởng công nghệ này sẽ mở ra thời diễn viên vẫn có thể xuất hiện trên màn ảnh khi tuổi già sức yếu nhờ có "thế thân" AI, song nhiều chuyên gia lo ngại rằng xu hướng này sẽ tạo ra một vùng xám pháp lý, khuyến khích việc sử dụng hình ảnh mà không được chính chủ cho phép, đồng thời gây ảnh hưởng đến danh tiếng và thương hiệu của nghệ sĩ."Chúng tôi đang thấy nhiều hợp đồng quảng cáo thêm điều khoản "quyền mô phỏng" hình ảnh, giọng nói của nghệ sĩ, người biểu diễn và diễn viên lồng tiếng" - Danielle S. Van Lier, cố vấn pháp lý tại Nghiệp đoàn diễn viên màn ảnh Hoa Kỳ, cho biết."Nếu một công ty có thể huấn luyện AI bắt chước dáng điệu, ngắt nghỉ, tông giọng của một diễn viên, họ có thể tự do làm các cảnh quay có diễn viên đó [mà không cần thuê diễn viên] - điều này tiềm ẩn rất nhiều vấn đề". Nói cách khác, diễn viên - hoặc bất kỳ người bình thường nào - cũng cần học cách bảo vệ quyền trong không gian số của mình, nếu không muốn bị "ép" vào một vai diễn mà mình không hề hay biết. Tags: Trí tuệ nhân tạoHọa sĩ truyện tranhAIHọa sĩNghệ thuậtGustav KlimtAnimeMangaTruyện tranh
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Doanh thu Bia Sài Gòn tăng cuối năm, có gần 23.000 tỉ gửi ngân hàng BÌNH KHÁNH 25/01/2025 Doanh thu bán bia của Bia Sài Gòn trong quý 4-2024 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.