Ảnh: MEDIUM
Khi bàn về tiến bộ thực tế (chứ không phải trên màn ảnh rộng) của trí tuệ nhân tạo (AI), người ta hay nhắc đến phim Her (2013) của Hãng Warner Bros, với câu chuyện nam chính Theodore Twombly yêu Samantha, một... cô trợ lý ảo trên máy tính thậm chí còn không có hình hài người cụ thể.
Gần 7 năm sau Her, cần nói ngay AI vẫn chưa thể giàu tình cảm khiến con người có thể yêu như chuyện phim.
Trên con đường tạo ra một thuật toán như vậy, giới công nghệ đang tập trung giải quyết một rào cản quan trọng hơn: xây dựng niềm tin của con người dành cho AI, mà mục tiêu xa hơn là giúp con người sống, làm việc và giao tiếp thoải mái hơn với một môi trường mà sự xuất hiện của AI sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Vì sao AI cần đáng tin?
Có thể xem chatbot - AI trả lời tin nhắn tự động - là phiên bản thực, dù còn sơ khai của Samantha. Nhiều cửa hàng, thương hiệu hay cơ quan báo chí tại Việt Nam đã dùng chatbot để tương tác với khách hàng, bạn đọc qua Facebook Messenger.
Tuy nhiên, chỉ sau một hai câu trò chuyện với chatbot, người dùng dễ dàng nhận ra mình đang nói chuyện với một cỗ máy trả lời tự động và đa phần là cảm thấy không tin tưởng, đồng thời ngừng cuộc nói chuyện ngay lập tức.
Nó khác một trời một vực với một AI rất tâm lý, hiểu ý người khác, biết chia sẻ, biết thể hiện sự quan tâm chu đáo cộng với giọng nói như vuốt ve, đầy tình cảm và giàu cảm xúc của Samantha.
Dông dài kể chuyện phim và đời để đi vào vấn đề chính: những thành tựu trong AI vẫn còn phải đi một đoạn đường rất xa nữa để có thể đạt được mức độ nhận thức, tư duy và biểu đạt như kiểu Samantha, để giúp xây dựng nên sự tin cậy của con người dành cho AI.
Chính sự tin cậy này là điều tiên quyết để hình thành các mối quan hệ hợp tác, chia sẻ giữa con người và AI, giúp AI ngày càng xuất hiện sâu rộng trong xã hội và hỗ trợ đắc lực trong việc cải thiện cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của con người.
Điều đáng mừng là trong cuộc sống hằng ngày hiện nay chúng ta vẫn đã, đang và sẽ tin tưởng vào AI theo những cách khác nhau mà chúng ta không nhận ra, mặc dù mức độ "thông minh" của chúng vẫn còn nhiều hạn chế.
Xe tự lái “cười” với khách bộ hành sẽ khiến con người tin tưởng máy móc hơn - Ảnh: SEMCON
Tạo niềm tin từ những điều rất nhỏ
Trước khi hỏi điều gì đã, đang và có thể sẽ làm ta tin vào AI, thử trả lời câu hỏi này trước: Điều gì giúp ta tin một người? Ta có thể dựa vào nguồn tham khảo (ta sẽ tin người đó khi nghe được càng nhiều nhận xét tốt về họ từ nguồn đáng tin cậy), hay cảm nhận của chính ta thông qua tiếp xúc (trực tiếp hay gián tiếp) với người đó.
Lẽ thường, khi nói chuyện với một người mà người đó thể hiện sự chú ý lắng nghe tới câu chuyện mà ta đang kể, ta sẽ có xu hướng tin tưởng và kể nhiều chuyện hơn với người đó so với những người không thể hiện sự lắng nghe. Và nếu người lắng nghe mà có thể lặp lại những gì ta đã kể cho họ, chúng ta lại càng tin tưởng hơn rằng chúng ta đã được lắng nghe thấu đáo.
Giới kỹ sư công nghệ hiểu rõ điều này và đã áp dụng nó vào việc phát triển để nhiều ứng dụng AI, chẳng hạn trợ lý ảo như Siri hay Google Assistant, có cách "giao tiếp" khá tinh tế và xây dựng niềm tin của người dùng rất tự nhiên.
Khi bắt đầu nói chuyện với Siri, người dùng sẽ thấy trên giao diện ứng dụng có các hình ảnh chuyển động mô phỏng sóng âm thanh phát ra từ giọng nói của chính họ. Hình ảnh đó không hiển thị cho vui mà được cố tình thiết kế để người dùng hiểu rằng Siri đang hoạt động và đang lắng nghe họ.
Ngoài ra khi người dùng nói xong, Siri cũng sẽ hiển thị nội dung người dùng vừa nói trước khi đưa ra câu trả lời. Điều này giúp cho người dùng cảm thấy tin tưởng hơn rằng Siri có hiểu nội dung câu hỏi của họ chính xác không.
Tương tự, Google Assistant cũng hiển thị những đốm chấm chuyển động lặp đi lặp lại, tuy đơn giản hơn sóng âm của Siri nhưng cũng đủ cho người dùng hiểu rằng Google Assistant đang "lắng nghe" họ. Và tất nhiên, Google Assistant cũng "xác nhận" lại những gì mà người dùng muốn hỏi bằng cách hiển thị những điều người dùng nói qua dạng văn bản trước khi đưa ra câu trả lời.
Chính nhờ cơ chế "giao tiếp" này nên dù các ứng dụng này nhận dạng sai nội dung nói của người dùng khá thường xuyên, nhưng người dùng dễ cảm thấy thông cảm cho qua, bởi dù có những từ nhận dạng sai nhưng vẫn luôn có những từ đúng.
Việc được đối tượng giao tiếp lặp lại lời mình, dù có sai có đúng, giúp người dùng ít nhiều cảm thấy an ủi vì thấy rằng "đối phương" thực sự lắng nghe mình, dù không hoàn hảo. Chính điều này làm người dùng cảm thấy tin tưởng và vẫn tiếp tục sử dụng các ứng dụng này.
Cũng liên quan đến vấn đề niềm tin của con người trong tương tác với AI, người viết nhớ đến một câu chuyện cá nhân liên quan đến xe tự hành (AV) hồi năm 2016, khi đang làm nghiên cứu sinh ngành tương tác người - máy tính (Human Computer Interaction) ở một thành phố nổi tiếng về sản xuất xe hơi của Thụy Điển.
Nhắc đến AV, mọi người thường tập trung vào sử dụng các công nghệ nhận diện để tự động hóa ngày càng nhiều tác vụ trên xe, giúp cho người tài xế có nhiều tự do về mặt không gian và thời gian càng nhiều càng tốt.
Nói nôm na, tầm nhìn hướng đến của AV là người ngồi trên xe (kể cả người lái xe) có thể thoải mái ngồi trên xe ăn, ngủ, thư giãn hay làm việc mà không cần tập trung vào việc điều khiển xe, vì đơn giản là việc đó đã được đảm bảo bởi hệ thống AI của xe.
Tuy nhiên, một công ty chuyên tư vấn và cung cấp các giải pháp thiết kế điện tử thông minh dành cho xe hơi mà người viết có dịp làm việc khi đó lại nhìn AV ở một góc độ khá khác biệt: thay vì xoay quanh người trong xe thì họ tập trung vào những gì bên ngoài xe.
Họ đặt ra câu hỏi: Liệu khi thấy một chiếc xe chạy trên đường mà ở vị trí trước vôlăng không có ai điều khiển hoặc là một tài xế đang ngủ, ăn hay làm những việc khác nhưng không phải là tập trung lái xe, thì những người tham gia lưu thông chung trên đường sẽ thấy thế nào?
Họ tiến hành một số thí nghiệm nhỏ bằng việc cho một xe tự hành chạy trên đường phố với người lái xe đóng giả đang ngủ.
Họ quan sát từ xa cũng như thông qua các băng ghi hình hiện trường và nhận ra rằng những người lưu thông chung tỏ ra rất dè chừng với chiếc xe này: những người lái xe trên đường thì phải liên tục quan sát người tài xế đang ngủ và chiếc xe tự hành này trước khi quyết định vượt lên hay dừng đèn đỏ phía trước chiếc xe.
Đặc biệt hơn, những người đi bộ, nhất là những người già, khi nhìn thấy một người đang ngủ trên một chiếc xe đang di chuyển, họ rụt rè và thậm chí không dám băng ngang qua đường phía trước xe.
Như vậy, AV rất thông minh, hiện đại, song lại mang đến cảm giác dè chừng với những người "tham gia giao thông" còn lại. Công ty thiết kế nói trên đề xuất một giải pháp tưởng chừng đơn giản nhưng lại giải quyết được vấn đề một cách tinh tế: ở phía trước mũi xe, họ đặt một màn hình LED hiển thị một khuôn miệng.
Khi xe đang chạy, khuôn miệng này ở trạng thái trung tính không cảm xúc. Nhưng khi xe tiến gần đèn đỏ hay vạch qua đường, khuôn miệng này lại nhoẻn cười. Một điều thú vị là người đi đường có phản ứng tích cực với thiết kế này, khi họ cảm thấy an toàn và tự tin hơn khi băng qua đường trước mặt xe.
Một chi tiết thú vị nhưng nếu ta ánh xạ nó với ngữ cảnh hằng ngày trong giao thông giữa người với người chúng ta, ta sẽ thấy nó hoàn toàn hợp lý.
Khi chúng ta lưu thông, dù là xin vượt đường hay băng qua đường trước mặt xe khác, nếu người trên xe nhoẻn một nụ cười hay khẽ gật đầu là chúng ta chắc chắn sẽ thấy tự tin và thoải mái hơn nhiều để thực hiện điều mà chúng ta muốn làm.
Vĩ thanh
Phát triển AI là trao cho các thuật toán quyền ra những quyết định không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân ta mà còn những người xung quanh. Vậy sẽ tuyệt vời hơn nếu ta đồng thời trao cho AI khả năng truyền tải, diễn đạt những quyết định đó theo cái cách mà con người trong tình huống tương tự sẽ làm để tất cả đều cảm thấy vui và hạnh phúc.
Mà những cái đó đâu phải điều gì xa xôi, chỉ cần nhìn lại cách con người giao tiếp với nhau hằng ngày là đủ để có những thay đổi nhỏ nhưng tinh tế cho AI, mà cũng không cần công nghệ viễn tưởng mà hoàn toàn dựa trên những công nghệ sẵn có, đã phổ biến trong đời sống chúng ta.
Ví dụ, chatbot sẽ sử dụng ngôn ngữ linh hoạt hơn, "người hơn", thậm chí biết sử dụng các biểu tượng cảm xúc hợp lý, hay các trợ lý ảo có thể trò chuyện với chúng ta với ngữ điệu, biểu cảm và chất giọng làm chúng ta cảm thấy thích thú và muốn lắng nghe nhất.
Trên đây là mấy câu chuyện rút từ công việc hằng ngày của người viết - nghiên cứu tương tác giữa người và máy tính, phát triển những giao diện và giải pháp tương tác mới nhằm giúp con người tương tác dễ dàng, hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện trải nghiệm người dùng khi làm việc với các hệ thống robot và tự động hóa.
Vượt lên tất cả, người viết tin rằng điều đã, đang và sẽ làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái vui vẻ trong một môi trường tràn ngập AI đó là việc AI được xây dựng xoay quanh con người chúng ta, được gợi cảm hứng và xuất phát từ chính những điều làm ta thấy hạnh phúc mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận