Một xu hướng đang diễn ra ở nhiều tờ báo nước ngoài, mà từ đó có thể chiêm nghiệm nhiều chuyện cho chúng ta. Đó là khoảng ba năm gần đây, nhiều trang web tin tức đã quyết định giảm dần rồi đóng phần bình luận (comment) tin tức dưới mỗi tin bài của họ.
Trong một thời buổi mà tương tác mật thiết với độc giả ngày càng có tính chất quyết định đối với sự thành bại của mỗi tờ báo, quyết định này có phải là một hành động tự sát?
Không. Đơn giản vì sau tám năm thử nghiệm với các ý kiến bình luận cho các bài viết trên trang web NPR của mình, Scott Montgomery, một biên tập viên trang tin tức công nghệ, nhận ra nó không hề cung cấp “trải nghiệm hữu ích cho đại đa số người dùng”. Chỗ của họ là các trang mạng xã hội. Với các tờ báo, đó là các fanpage.
Carl Franzen, giám đốc mảng trực tuyến tại Popular Science, đã nhận thấy một sự chia tách rõ ràng giữa các trang web và các trang truyền thông xã hội.
“Website là nơi để đọc và chia sẻ. Còn các cuộc hội thoại diễn ra trên những kênh truyền thông xã hội của chúng tôi - ông nói và dẫn chứng - Facebook là một mạng xã hội có thiết kế và các chính sách thúc đẩy đối thoại tốt hơn, giúp Popular Science cũng như các tác giả của tờ báo tương tác tốt hơn với bạn đọc của mình”.
Đó là bởi những người làm báo lão luyện không khi nào quên được tầm quan trọng về tính tức thời của tin tức. Chúng cần được đọc và lan tỏa ngay, và nếu độc giả hào hứng, quan tâm, họ sẽ giúp dòng chảy của thông tin trở nên mạnh mẽ bội phần thông qua chia sẻ, bình luận.
Đó cũng là nơi có thể gặp được những nhóm bạn đọc vô cùng đa dạng với những ý kiến vô cùng phong phú, cho thấy rất nhiều góc nhìn và ý tưởng.
Chính quyền cũng được hưởng lợi rất lớn từ nguồn thông tin khổng lồ và thẳng thắn này. Ai mà chẳng muốn biết người dân của mình nghĩ gì, muốn gì, nói thẳng điều họ mong muốn bằng ngôn ngữ giản dị nhất của họ.
Dĩ nhiên cũng có mặt trái của những đối thoại trên nền truyền thông xã hội, ví dụ không hiếm những người hành xử vô trách nhiệm, bình luận mà không nghĩ gì đến hậu quả thông điệp của mình (mà ở ta hay gọi là “anh hùng bàn phím”).
Nhưng cũng như mọi vấn đề khác phát sinh từ lợi ích của công nghệ, luôn có những giải pháp cho vấn đề này.
Tranh luận nếu được dẫn dắt bằng một cộng đồng tương tác có quản lý, chẳng hạn như cách mà Dagbladet - một tờ báo Na Uy - làm, thuê luôn một nhóm quản lý nội bộ, với một nhân vật “cứng cựa” được xem là “nhà lãnh đạo cuộc tranh luận” cùng sự góp sức của một số nhà báo có kinh nghiệm để cùng theo dõi các ý kiến và tương tác với độc giả.
Những tờ báo khác, như News24, còn tập trung vào việc khuyến khích bạn đọc viết mẩu ý kiến, các ý kiến bình luận sẽ được dẫn hướng sang đúng nơi đúng chỗ (trang ý kiến) và theo những chủ đề nhất định được chọn lọc. News24 thấy mọi việc diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp hơn rất nhiều.
Trò chuyện và đối thoại luôn hết sức cần thiết trong một xã hội dân chủ và văn minh. Ngay cả khi nó chưa diễn ra theo cách chúng ta mong đợi, những tập tành tranh luận cũng là một phần cực kỳ quan trọng cần có để rốt cuộc mới đi tới sự trưởng thành trong cách bày tỏ ý kiến đúng mực và văn minh.
Từ đây tạo ra một ý thức cộng đồng. Nó khích lệ người đọc suy nghĩ và viết những bình luận sâu sắc, đóng góp về mặt thông tin cũng như chia sẻ ý tưởng.
Chỉ có như vậy, ta mới có một xã hội có không gian trò chuyện sống động, rộng lớn, đa dạng và cởi mở, nơi các ý kiến đúng đắn và có ích sẽ bật lên, nơi trí tuệ đám đông sẽ giúp lật tẩy và loại bỏ những ý kiến cực đoan, những luồng thông tin sai trái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận