Hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc Tuổi Trẻ Online ủng hộ chỉ đạo khẩn của UBND TP.HCM về việc xử lý tiếng ồn trong khu dân cư vốn gây bức xúc cho người dân TP từ nhiều năm nay.
Theo chỉ đạo của UBND TP, thủ trưởng các sở ban ngành, các quận huyện và TP Thủ Đức tiếp tục xử lý nghiêm nhóm hành vi vi phạm liên quan đến tiếng ồn - phòng chống dịch - an ninh trật tự. Địa phương để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến phòng, chống dịch hoặc an ninh trật tự thì UBND TP.HCM sẽ xử lý người đứng đầu.
Mong TP "nói được, làm được"
Nhiều bạn đọc nhắc lại đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo TP chủ trương xử lý quyết liệt vấn nạn tiếng ồn trong khu dân cư. Tuy nhiên, theo bạn đọc, rất nhiều trường hợp sau các đợt cao điểm kiểm tra và xử lý thì tình trạng tiếng ồn tái diễn.
"Kính mong chính quyền thị sát cung đường ăn nhậu dọc đại lộ Phạm Văn Đồng, phường 1, quận Gò Vấp để hiểu rõ nỗi bức xúc và mệt mỏi của người dân chúng tôi. Tối nào các quán bia club ngoài trời cũng thi nhau mở nhạc sàn hết công suất. Dù người dân đã phản ánh suốt hơn 2 năm nay nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết dứt điểm. Kính mong chính quyền xử phạt và yêu cầu các quán này cách âm đúng quy định pháp luật" - bạn đọc tên An "chỉ điểm".
Tương tự, bạn đọc Bui Linh cho hay một cụm quán cà phê trên đường Văn Cao, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú là tụ điểm chuyên đem loa kéo công suất lớn phát nhạc và karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn bất kể thời gian, nhất là những ngày cuối tuần.
"Đặc biệt vào thời điểm Tết dương lịch và nghỉ lễ họ còn thu tiền cho người ngoài vào hát. Vị trí này cách trụ sở Công an phường Phú Thạnh chưa đến 100m, vậy mà tình trạng kéo dài mấy năm trời không hề được xử lý dứt điểm, dù người dân phản ảnh liên tục" - bạn đọc cho biết.
Nhiều bạn đọc có chung nhận định rằng dù TP có đường dây nóng để tiếp nhận phản ảnh của người dân nhưng việc xử lý thường không kịp thời và không triệt để. Nhiều trường hợp người dân gọi báo chính quyền, công an phường nhưng không được phản hồi.
"Cầu xin các nhà làm luật có cách xử lý triệt để vấn nạn này. Đám ma, đám cưới, sinh nhật, kinh doanh muốn tạo sự chú ý. Nhậu say là hát karaoke. Công nhân đi làm về và người già bệnh đau khổ sở lắm. Chính quyền loanh quanh bao nhiêu năm cũng không xử lý được giống như là phải nuông chiều những người kém ý thức" - bạn đọc Tưởng khẩn thiết.
Nên xử phạt 24/7
Rất nhiều bạn đọc phản ánh rằng khi bị "tra tấn" bởi tiếng ồn từ nhà hàng xóm, người dân gọi điện báo cơ quan chức năng thì được trả lời rằng chỉ có thể xử phạt sau 22h.
Một bạn đọc phản ánh: "Cứ lễ tết, ngày nghỉ là lại hè nhau hát, hát đến độ ngồi nhà mình xem tivi mà chỉ nhìn hình chứ không nghe được tiếng, loa to đến mức rung cả bàn thờ... Nói có, chửi có rồi cũng đâu vô đấy, gọi công an thì ì ạch không giải quyết, bảo sau 22h".
"Cần quy định thời gian cụ thể, cấm gây ồn từ 12h đến 2h, buổi tối sau 22h thì mới có hiệu quả chứ nói chung chung không ăn thua" - bạn đọc tên Đệ đề nghị. Tương tự, bạn đọc Thôn Trần đề xuất quy định cụ thể hơn về thời gian, nhất là từ 21h và khung giờ trưa từ 11h đến 14h. Có như vậy người dân dễ phản ánh và cơ quan chức năng dễ xử lý hơn.
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc khác cho rằng cái mốc 22h là rất vô lý vì trên thực tế người dân có thể phải chịu đựng tiếng ồn bất cứ giờ giấc nào trong ngày. Có thể đó là tiếng ồn từ hát karaoke, từ loa quảng cáo hàng hóa, tiếng loa rao hàng rong, tiếng ồn hoạt động sản xuất…
"Em tôi ở đường Nguyễn Sơn, quận Tân Phú bị công ty địa ốc tra tấn âm thanh để rao bán căn hộ bằng nhạc sàn từ sáng đến chiều. Mà lạ lắm, địa ốc mà rao như bán kẹo kéo!" - bạn đọc Đức Vân kể.
Bạn đọc Thanh cho rằng cán bộ chức năng trả lời chỉ xử phạt sau 22h là không phù hợp và đề nghị "đã làm phải làm ra ngô ra khoai". Bạn đọc Kien thì đề xuất dứt khoát: "Cấm gây ô nhiễm tiếng ồn 24/7 chứ không phải được phép xả láng từ 6h - 22h".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận