Tác giả Nguyễn Sỹ Nam (Hà Nội) trình bày nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị dạy học môn toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
13 công trình, sáng kiến lọt vào vòng chung khảo chương trình 'Tri thức trẻ vì giáo dục' năm 2019 vừa trải qua phần thuyết trình cùng ban giám khảo ngày 8-11 để chọn ra những công trình, sáng kiến xuất sắc nhất.
Điều khá ấn tượng là các học sinh, sinh viên ngồi trên ghế nhà trường say mê nghiên cứu, mong muốn từ ý tưởng nhỏ biến thành sản phẩm, ứng dụng lớn trong xã hội và xuất sắc lọt vào vòng chung khảo.
PGS.TS Phạm Kim Chung, phó chủ nhiệm khoa công nghệ giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng đây là điều đáng mừng, chứng tỏ sự sáng tạo của học sinh, sinh viên, đồng thời cho thấy ý nghĩa của việc học và vận dụng vào thực tiễn.
"Ý tưởng nhỏ" gặp nhau thành công trình lớn
Trong buổi chấm chung khảo, các bạn học sinh, sinh viên đều khiêm tốn mong muốn những nhận xét của ban giám khảo chỉ ra được công trình đang ở mức độ nào, sai - đúng ở đâu, góp ý những bước đi tiếp theo sẽ giúp các bạn hoàn thiện sản phẩm.
Là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Minh Đức cho biết tình cờ gặp các thành viên trong nhóm tại một buổi cà phê, có bạn gặp trên mạng và cùng chung say mê nghiên cứu, họ cùng nhau lên ý tưởng nghiên cứu găng tay hỗ trợ người khiếm thanh.
"Hình thành ý tưởng rồi, chúng tôi nghĩ cần phát triển, hoàn thiện thêm sản phẩm nên đăng ký tham gia chương trình này. Là sinh viên, chúng tôi cần nỗ lực hơn trong học tập, nghiên cứu, biết đâu từ ý tưởng nhỏ nhắn biến thành ý tưởng lớn hơn" - Đức bày tỏ.
Với hai bạn Nguyễn Duy Phước Hải (Quảng Trị) và Thân Đoàn Thuận (TP.HCM), ban giám khảo bất ngờ khi một anh chàng ở miền Trung, một cậu sinh viên ở miền Nam. Phước Hải từng là thí sinh lọt vào vòng chung khảo của chương trình năm 2018, gặp Thuận có chung niềm say mê nghiên cứu khoa học, họ kết thân đăng ký liền cuộc thi năm nay.
"Có những hôm hai đứa ở hai miền vẫn thâu đêm suốt sáng bàn tính cùng nhau để hoàn thiện lập trình, hào hứng tham gia cuộc thi với mong muốn phổ biến rộng rãi ý tưởng của mình" - Hải chia sẻ.
Trong số 13 công trình, sáng kiến lọt vào chung khảo năm nay có sự tham gia của ba học sinh Trường THCS Mạo Khê 2, Quảng Ninh với sáng kiến "Phương pháp ứng phó với các tình huống nguy hiểm". Các học sinh nhỏ tuổi tạo ra phần mềm với mong muốn giúp các em học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau tìm hiểu về hiểm họa có thể xảy đến với mình.
Nhóm học sinh 3 học sinh Trường THCS Mạo Khê 2 đang trình bày sáng kiến “Phương pháp ứng phó với các tình huống nguy hiểm” - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
"Phần mềm với công cụ lập trình đơn giản, thiết kế sinh động trên điện thoại, hệ thống hóa các kiến thức về nguy hiểm giúp các bạn nắm chắc những mẹo đơn giản trong cuộc sống. Hiện phần mềm được thử nghiệm rộng rãi trong trường, nhiều bạn nhỏ tỏ ra thích thú với hiệu ứng, hình ảnh sinh động như thiết kế các nhân vật hoạt hình vui nhộn" - Phạm Nguyễn Thu Huyền, học sinh lớp 9, đại diện nhóm, chia sẻ.
Hướng đến ứng dụng công nghệ "thời thượng"
Gắn bó với cuộc thi suốt 4 năm liền, TS Nguyễn Quân, nguyên bộ trưởng Bộ KH-CN, đánh giá cuộc thi năm nay tăng cả về số lượng và chất lượng công trình, sáng kiến tham gia, bám sát nhu cầu cuộc sống như phục vụ trẻ em khuyết tật, nâng cao trình độ giáo viên, nâng cao trình độ đa dạng cho các trường nghề.
"Theo dõi cuộc thi suốt 4 năm, tôi thấy điểm mạnh là "theo nếp" ứng dụng CNTT. Song tôi mong muốn những năm tiếp theo có thêm nhiều công nghệ khác được ứng dụng để tạo ra sản phẩm tốt cho giáo dục như ứng dụng công nghệ sinh học, tự động hóa hay công nghệ "thời thượng" như trí tuệ nhân tạo, IoT, công nghệ blockchain" - TS Quân chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Văn Biên, phó chủ nhiệm khoa vật lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét chính sự phát triển của CNTT tất yếu tạo ra các sản phẩm mới. "Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có thêm các giải pháp công nghệ khác nhau đáp ứng thực tiễn giáo dục như công nghệ về thiết bị, công nghệ sinh học hay có thêm nhiều nghiên cứu có kết quả mới về giáo dục" -
PGS.TS Nguyễn Văn Biên nêu quan điểm. Ông cũng đánh giá các công trình, sáng kiến năm nay bám sát thực tiễn giáo dục nước nhà, tập trung giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, từ việc bồi dưỡng giáo viên, giáo dục nghề đến nâng cao hoạt động cho các em khuyết tật có tính nhân văn rất cao. Bên cạnh đó, chất lượng các công trình đảm bảo tiêu chí cuộc thi đặt ra.
Lần đầu tiên tham gia với tư cách thành viên ban giám khảo, PGS.TS Phạm Kim Chung nhận xét cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" là sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên đam mê, sáng tạo khoa học thay vì chỉ ngồi học sách vở.
"Chương trình có cả những công trình quan tâm đến đối tượng yếu thế trong xã hội như trẻ khuyết tật. Điều này thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của thế hệ trẻ hiện nay" - PGS.TS Phạm Kim Chung nhận xét.
Ông Chung cũng góp ý để các sản phẩm được triển khai thực tế, hữu ích trong thực tiễn cần có sự đầu tư, gia công nhiều hơn nữa. Đồng thời mong muốn ban tổ chức truyền thông rộng rãi hơn, nhất là "mở cửa" vòng chung khảo để nhiều học sinh, sinh viên đến tham dự, lắng nghe những ý tưởng sáng tạo của đội ngũ trí thức trẻ nhằm khơi nguồn ý tưởng mới.
Tối nay công bố các giải xuất sắc nhất
Chiều nay 9-11, lãnh đạo Bộ GD-ĐT gặp mặt các tác giả, nhóm tác giả của 13 công trình, sáng kiến lọt vào vòng chung khảo tại trụ sở của bộ. Buổi tối cùng ngày sẽ công bố và trao giải cho những ý tưởng, công trình xuất sắc nhất tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (Chùa Láng, Hà Nội).
Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019 là chương trình lần thứ 4 được Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận