06/05/2020 10:44 GMT+7

Trí thức trẻ: mê thể thao, say học hỏi - Kỳ 2: Thầy phó hiệu trưởng 8X mê tập gym

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Luôn tràn đầy năng lượng sống, trở thành lãnh đạo của một trường đại học kiêm chủ tịch Hội Nghiên cứu - giảng dạy tiếng Anh TP.HCM ở tuổi 35, nhưng tự nhận bản thân có quá khứ “trung bình về mọi mặt”…

Trí thức trẻ: mê thể thao, say học hỏi  - Kỳ 2: Thầy phó hiệu trưởng 8X mê tập gym - Ảnh 1.

Thầy Đỗ Hữu Nguyên Lộc luyện tập thể thao - một hoạt động thường ngày - Ảnh: GIA HOÀNG

Đó là câu chuyện của tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM.

Trước mỗi nấc thang, tôi buộc bản thân phải tự trau dồi các nhóm kỹ năng và tư duy khác nhau để phù hợp với những thử thách mới.

TS ĐỖ HỮU NGUYÊN LỘC

Tham vọng tạo nên sự khác biệt

Từ thời niên thiếu, Nguyên Lộc đã nhận ra bản thân là một thiếu niên trung bình về mọi mặt, từ hoàn cảnh gia đình, học lực đến thành tích ngoại khóa, thể thao… 

"Xuyên suốt thời phổ thông, tôi đều học ở các trường thường, có vị trí khiêm tốn trong lớp. Đậu vào Đại học Sư phạm TP.HCM, trở thành trưởng khoa rồi phó hiệu trưởng một trường đại học, chủ tịch này nọ… là điều tôi chưa từng mơ tới", anh nhớ lại.

Nếu có một điều gì đó gọi là khác so với bạn bè thì Nguyên Lộc cho rằng đó là tham vọng, dám nghĩ dám làm của mình.

Anh có xu hướng luôn đặt những mục tiêu cao hơn so với năng lực bản thân và nỗ lực tối đa để hướng đến. Đến hiện tại, Nguyên Lộc vẫn nghĩ bản thân có quá nhiều thứ phải học hỏi mỗi ngày.

"Đôi khi những điều tưởng chừng rất đời thường lại dẫn đến sự khát khao, thay đổi mạnh mẽ. Chẳng hạn thời phổ thông, do học không giỏi nên tôi được gia đình thuê gia sư kèm. 

Lúc đó, gia sư là một thần tượng thật sự vì họ có thể giải được những bài tập mà tôi không cách nào giải được. Tôi khát khao trở thành họ", Nguyên Lộc hồi tưởng.

Mơ ước đó lớn đến mức ngay khi biết tin trúng tuyển vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM, việc đầu tiên anh làm không phải là báo tin cho gia đình, mà là chạy ngay đến một trung tâm luyện thi để... đăng ký trở thành gia sư!

Các nấc thang ước mơ và khao khát cứ thế được "nâng cấp", để anh dần từ một học sinh trung bình thành sinh viên sư phạm, rồi trở thành gia sư, giảng viên, đến vị trí lãnh đạo khoa, trường…

Chia sẻ chi tiết về một trong những thử thách đồng thời trải nghiệm thất bại nhưng ý nghĩa nhất, Nguyên Lộc nói: "Đó là thời điểm tôi tốt nghiệp thạc sĩ từ Mỹ về. 

Do kết quả học tập tốt và có một số thành tích đáng kể hoạt động ngoại khóa, tôi được mời làm lãnh đạo khoa tại một trường cao đẳng ở TP.HCM. Thật lòng nhìn lại, tôi thấy kinh nghiệm điều hành và quản trị lúc đó gần như zero".

Dẫu vậy, tuổi 26 với sự chủ quan về lượng kiến thức học được từ Mỹ, anh tự tin vận hành khoa với đội ngũ thầy cô phần lớn có tuổi và nhiều thâm niên hơn hẳn mình, các nhà điều hành khách sạn - nhà hàng chuyên nghiệp… để rồi nhanh chóng nhận ra bản thân như một cậu bé non nớt, hiếu chiến trước mọi thứ. Anh nhanh chóng ra đi trong ê chề và hoài nghi nhiều thứ.

"Lúc đó tôi xác định có hai lựa chọn: tiếp tục nghi ngờ hoặc chấp nhận mình đã thất bại để học lại từ đầu", Nguyên Lộc bộc bạch.

Dành nhiều thời gian suy nghĩ, anh nhận ra bản thân còn quá nhiều điều cần phải học, giữa kiến thức hàn lâm và kinh nghiệm thực tiễn là một khoảng cách không nhỏ. 

Một điều quan trọng nữa là không thể phủ nhận yếu tố "nhập gia tùy tục" và văn hóa công sở tại mỗi quốc gia là khác nhau. Và anh tích cóp kinh nghiệm, học thêm kỹ năng… rồi đứng dậy, đi tiếp.

15 năm tập luyện thể thao

Dẫu là lãnh đạo của một trường đại học, trang Facebook của Nguyên Lộc lại rất trẻ trung với hình ảnh thường thấy là quần jean, áo thun hoặc những khoảnh khắc anh đang tập thể dục. Mỗi dòng tâm trạng của anh là hàng trăm lượt like (thích), phần lớn của sinh viên.

"Hình ảnh giảng viên, giới nghiên cứu luôn được mọi người gắn với những "mọt sách" nhạt nhẽo trong giao tiếp lẫn bề ngoài. Từ khi còn là sinh viên trường sư phạm, tôi đã rất băn khoăn về điều này và dành thời gian tìm hiểu nhiều về tác động của ngoại hình lên thành công nghề nghiệp", anh chia sẻ.

Theo Nguyên Lộc, nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự chỉn chu trong trang phục, hấp dẫn trong hình thể có tác động tích cực lên sự nghiệp của mọi người. 

Chẳng hạn nghiên cứu của Đại học Texas at Austin (Hoa Kỳ) năm 2009, đã chỉ ra những ứng viên có cùng năng lực nhưng ngoại hình tốt thường có thu nhập cao hơn, và trong một số môi trường nhất định sẽ dễ thăng tiến hơn.

Không chỉ giúp cân đối vóc dáng, giúp tự tin trong giao tiếp, thể thao còn giúp rèn luyện sức mạnh và sức bền, giúp anh bền bỉ hơn trong công việc cả thể chất lẫn tinh thần.

"Một nghiên cứu khác của Đại học Oxford (Anh) năm 2020 kết luận, việc luyện tập thể thao thường xuyên mang lại cảm giác hạnh phúc tương tự như được tăng lương hằng năm.

Cá nhân tôi thấy việc tập thể dục thường xuyên cũng giúp tâm trạng luôn ở trạng thái cân bằng, tích cực. Vậy tại sao chúng ta không dành được 30-60 phút mỗi ngày cho những điều có quá nhiều lợi ích như vậy?", Nguyên Lộc chia sẻ góc nhìn.

Và đó là lý do anh duy trì thói quen tập luyện thể thao suốt 15 năm qua, từ lúc còn ngồi ghế giảng đường. "Do công việc hiện rất nhiều nên cường độ và thời gian tập gym có giảm, nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì thói quen này mỗi ngày để đi được đường dài", anh cho biết.

Trí thức trẻ: mê thể thao, say học hỏi - Kỳ 1: Khỏe để thực hiện ước mơ Trí thức trẻ: mê thể thao, say học hỏi - Kỳ 1: Khỏe để thực hiện ước mơ

TTO - Là những gương mặt cựu du học sinh có thành tích nhất định trong học tập lẫn sự nghiệp, các bạn trẻ trong tuyến bài là những điển hình cho việc không ngừng trau dồi tri thức lẫn rèn luyện sức khỏe để hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên