Đó là một trong rất nhiều đánh giá thẳng thắn của các trí thức tỉnh Khánh Hòa tại hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa", do Hội Trí thức tỉnh tổ chức ở TP Nha Trang ngày 31-10-2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã tham dự và cũng trao đổi thẳng thắn về thực tế nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa của tỉnh trong nhiều lĩnh vực mà các đại biểu trí thức đã nêu tại hội thảo trên.
Di tích, danh thắng Khánh Hòa phong phú, độc đáo, bảo tồn còn hạn chế, bất cập
Theo ông Phạm Văn Chi - nguyên chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa, việc tổ chức hội thảo về di sản văn hóa nêu trên là để có được những nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn, trung thực của giới trí thức tỉnh về thực trạng khai thác, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản của Khánh Hòa hiện nay.
Qua đó, các trí thức có thể đóng góp một cách giá trị, hữu ích cho lãnh đạo tỉnh trong việc quản lý, giữ gìn, khai thác hiệu quả các giá trị di sản vô giá của Khánh Hòa.
Theo thạc sĩ Lê Văn Hoa - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, hệ thống di sản văn hóa ở Khánh Hòa rất phong phú và đa dạng. Toàn tỉnh hiện có 16 di tích quốc gia, 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Trong đó, mỗi di tích ở Khánh Hòa có nét độc đáo riêng, tiêu biểu như Tháp Bà Ponagar. Còn di tích danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang được công nhận là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới.
Theo tiến sĩ Bùi Thị Hồng Tiến - ủy viên Ban Thường vụ Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa, trong những năm qua tỉnh Khánh Hòa đã làm được nhiều việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa để góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo TS Tiến, thạc sĩ Hoa và nhiều ý kiến tham luận của các trí thức khác tại hội thảo, việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa của Khánh Hòa vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Một số di tích bị lấn chiếm không gian, cảnh quan bị che chắn… Việc phát huy giá trị di tích còn chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết giữa khai thác du lịch, kinh tế và bảo tồn.
Xây dựng tràn lan, danh thắng, sinh thái biển xuống cấp "có nguyên nhân tàn phá của con người"
Theo tham luận của trí thức Nguyễn Văn Tình - công tác tại Học viện Hải quân, ở Nha Trang, phần lớn các danh thắng ở Khánh Hòa chưa được quan tâm bảo tồn, tu bổ đúng mức.
Hiện trạng môi trường nước, cảnh quan ven bờ của các danh thắng vịnh Nha Trang, bãi biển Đại Lãnh đang mất dần vẻ đẹp tự nhiên và hệ sinh thái. Đó là "do khai thác du lịch, xây dựng tràn lan, thiếu quy hoạch và tầm nhìn chiến lược".
Còn "việc quá chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khách sạn cao tầng, khu du lịch nghỉ dưỡng, coi nhẹ việc tu bổ, bảo tồn các danh thắng… khiến Khánh Hòa bắt đầu lâm vào tình trạng nghèo nàn, đơn điệu, nhàm chán; thừa khách sạn nhưng thiếu không gian hấp dẫn, nơi vui chơi độc đáo cho du khách".
Vẫn theo ông Tình, tình trạng xuống cấp của các danh thắng kể trên cũng như môi trường nước, hệ sinh thái biển, rạn san hô ở vịnh Nha Trang bị tàn phá đều có "nguyên nhân chính vẫn là sự tàn phá của con người".
Vì vậy, ông Tình và nhiều trí thức tỉnh Khánh Hòa đều cho rằng tỉnh Khánh Hòa cần sớm hoàn thiện, ban hành chiến lược phát triển lâu dài, bền vững cho các di sản văn hóa, danh thắng trên địa bàn trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận