21/11/2019 15:26 GMT+7

Trị thói côn đồ trong bệnh viện bằng cách nào?

PHẠM NGỌC TƠ
PHẠM NGỌC TƠ

TTO - Nữ điều dưỡng 51 tuổi bị cha của bệnh nhi tát sưng mặt khi bà đang làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Thêm một lần nữa dư luận bức xúc về các hành vi côn đồ trong bệnh viện.

Trị thói côn đồ trong bệnh viện bằng cách nào? - Ảnh 1.

Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) thăm khám bệnh nhi - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây không chỉ là chuyện người đánh người, cũng không dừng lại chỗ người bị đánh là người mặc áo blouse trắng, mà là chuyện an toàn, trật tự, văn minh ở nơi xưa nay mọi người luôn được yêu cầu "đi nhẹ nói khẽ".

Nhiều người đòi mọi dịch vụ phải như ý mình, không được vậy thì lớn tiếng ầm ĩ, làm náo loạn. Đó là sự lựa chọn ích kỷ, cách ứng xử mình là trên hết.

Ai đã đặt mình lên trên hết thảy?

Những thông tin hành vi côn đồ trong bệnh viện luôn được cộng đồng quan tâm với cảm giác bức xúc lớn và lo âu. 

Giữa bao hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo, đầy âu lo giữa sự sống và cái chết, những lời nói lớn, những tiếng cười ồn ào cũng thành vô duyên, kệch cỡm, huống chi chuyện ai đó vung tay đánh người, mà là đánh điều dưỡng đến phải nhập viện. Đây cũng không còn là chuyện mới ở các bệnh viện.

Từ những vụ giang hồ truy sát nhau tận giường bệnh gây náo loạn bệnh viện đến các kiểu ứng xử quá đáng, hành vi bạo lực của người nhà bệnh nhân với y bác sĩ và nhân viên bệnh viện cũng đang trở nên xấu dần. 

Và nhiều bệnh viện đã tổ chức câu lạc bộ võ thuật cho y bác sĩ, nhân viên; tăng cường các giải pháp báo động và kỹ năng phát hiện sớm và xử lý nhanh các hành vi bạo lực, phá phách trong khuôn viên bệnh viện. 

Những vụ tấn công y bác sĩ, các kiểu "đại náo" bệnh viện đã được thông tin thường diễn ra ở các bệnh viện lớn, tuyến trên, nơi quá tải vì bệnh nhân đông gấp bội so với các bệnh viện nhỏ, cường độ làm việc của y bác sĩ rất căng thẳng. Đó cũng là nơi được tin cậy và cũng yêu cầu chất lượng dịch vụ khám chữa cao hơn.

Và nhiều người đặt nhu cầu và quyền lợi của mình lên trên hết thảy. Người ta tìm mọi cách, mọi mối quan hệ để được ưu tiên khám chữa nhanh hơn người khác với những bác sĩ họ cho là giỏi hơn. 

Bệnh viện quá tải đến phòng dịch vụ cũng không đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều người đòi mọi dịch vụ phải như ý mình, không được vậy thì lớn tiếng ầm ĩ. Đó là sự lựa chọn ích kỷ, cách ứng xử mình là trên hết. 

Đó là cách gây tâm tư bức xúc cho những người phải hứng chịu phần thiệt thòi hơn kể cả gây hấn và tấn công người của bệnh viện nếu họ cư xử thẳng thắn, không nhân nhượng với các hành vi này.

Và quên tôn trọng người khác

Bệnh viện nào cũng có những cách ưu tiên trong khám chữa bệnh, nhưng ưu tiên đó tốt nhất dành cho người lớn tuổi, bệnh nhân nặng hơn. 

Mọi lời nói ồn ào, hành vi chen lấn hay bạo lực đều là cách gây rối, cản trở hoạt động khám chữa bệnh, gây phiền phức cho bệnh nhân và người khác. 

Bệnh viện nào cũng có thông báo nội quy nhưng nhiều người chẳng lưu tâm tự giác chấp hành. Những chuyện nhỏ như không hút thuốc, xếp hàng trật tự chờ đến lượt mình nhiều người cũng không làm!

Bệnh viện Nhi đồng 1 giao vụ việc mới đây cho cơ quan công an xử lý. Đó là việc cần thiết và càng cần xử lý mạnh mẽ đủ sức răn đe người khác, vì trật tự và an toàn ở các cơ sở khám chữa bệnh. 

Không chỉ là chuyện ai sẽ bị xử tội gì mà là chuyện y bác sĩ phải được an toàn trong giờ làm việc, từng bệnh nhân không bị làm phiền vì các hành vi kém văn hóa của người khác.

Nhiều ý kiến bàn về chuyện ứng xử của chính những y bác sĩ. Những nụ cười áo trắng có thể là thuốc tiên và giảm căng thẳng ở bệnh viện. 

Nhưng y đức và sự thân thiện không đủ để y bác sĩ tự bảo vệ mình trước những hành vi thô bạo, thói ích kỷ và hành xử quá đáng ngày càng nhiều ở bệnh viện. 

Hở chút thì điện thoại trong tay, ai cũng có thể alô vào đường dây nóng hoặc quay phim, chụp ảnh những gì mình không hài lòng, điều này cũng gây áp lực với y bác sĩ khi họ gặp phải những người "cá biệt". 

Đường dây nóng để góp ý xây dựng bệnh viện nếu bị lạm dụng thành áp lực với người lao động ở đơn vị đó.

Mong bất cứ ai đến bệnh viện đừng ảo tưởng về "quyền" của mình mà quên cách ứng xử tôn trọng cá nhân và quyền lợi của người khác. 

Cũng mong các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng nội quy nghiêm, quy trình khám chữa hợp lý (ưu tiên cho người cần ưu tiên), các quy định ứng xử để giảm căng thẳng, xung đột có thể thành bạo lực.

Nên tuân theo quy định của bệnh viện

Gần 200 phản hồi bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ bày tỏ bất bình trước hành vi đánh điều dưỡng và ủng hộ việc yêu cầu cơ quan công an xử lý vụ việc này.

Bạn đọc Đoàn Thế Hùng cho rằng: "Cần xử nghiêm đúng pháp luật đối với những trường hợp này nhằm răn đe những trường hợp tương tự".

Nhiều ý kiến cho rằng dù thế nào đi chăng nữa cũng không được phép đánh người ở bệnh viện.

"Bệnh viện họ quá tải nên ưu tiên cấp cứu các ca nặng hơn chứ không có kiểu ai đến trước làm trước! Người nhà bệnh nhân tư duy như vậy nên rất nhiều vụ va chạm kiểu này vì ai cũng có cái lý của họ.

Nản cái là không ai chịu xem lại quy định của bệnh viện hay theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Bạn có tin là có những người đánh người vậy xong vẫn cho là mình đúng và sẵn sàng chịu phạt không?..." - bạn đọc thanhtracuunan bày tỏ bất bình.

Bạn đọc Sáu Hộ cho rằng: "Bác sĩ, điều dưỡng... đang làm nhiệm vụ chữa bệnh cho người thân của mình và những người khác.

Thời gian giải quyết sự việc này đủ khám và chữa bệnh cho ít nhiều người khác khỏi bệnh. Đây là kiểu gây rối trật tự nơi công cộng, cần xử lý đúng luật để răn đe những người tưởng mình là "trời" ở nơi công cộng".

Một số bạn đọc từng đưa con vào bệnh viện chữa bệnh đã góp khá nhiều ý kiến trong lối hành xử của nhân viên y tế như đôi khi thiếu sự hướng dẫn cụ thể hoặc giải thích không rõ ràng.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng quy trình khám chữa và nội quy bệnh viện đều có nhưng nhiều người không làm theo. Y bác sĩ phải nhắc và giải thích hàng trăm, hàng nghìn lần cũng là nguyên nhân khiến họ không còn mềm mỏng cần thiết.

Đ.Q.

Trị thói côn đồ trong bệnh viện Trị thói côn đồ trong bệnh viện

TTO - Chưa lúc nào hành vi hành xử côn đồ lại uy hiếp bác sĩ, điều dưỡng; truy sát người bệnh trong bệnh viện lại nóng bỏng như hiện nay.

PHẠM NGỌC TƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên