30/07/2018 15:17 GMT+7

Trị tận gốc 'căn bệnh' đội vốn đầu tư công

ĐẶNG TUÂN
ĐẶNG TUÂN

TTO - Có 5 nguyên nhân dẫn đến đội vốn dự án đầu tư công, nhưng không thể bỏ qua tình trạng địa phương đang lờn luật khi chế tài xử lý không nghiêm.

Trị tận gốc căn bệnh đội vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Các công trình đội vốn "nghỉn tỉ" mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh

TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng tình trạng đội vốn dự án đầu tư ở các địa phương hiện khá phổ biến, các dự án đội vốn thường có vốn từ ngân sách và có nguồn gốc từ ngân sách.

* Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng đội vốn đầu tư tại các địa phương thời gian qua.

Thứ nhất, do khâu lập dự án tiền khả thi, dự án khả thi (lập dự án đầu tư). Thường các địa phương để tổng vốn đầu tư khá thấp nhằm được tự quyết định đầu tư. 

Trị tận gốc căn bệnh đội vốn đầu tư công - Ảnh 2.

TS Vũ Đình Ánh

Bởi vì theo quy định về phân cấp đầu tư hiện nay thì dự án từ 5.000 tỉ đồng trở lên thường do Chính phủ quản lý, chỉ dự án nhỏ mới thuộc thẩm quyền của các địa phương. 

Thứ hai, do các dự án chậm tiến độ buộc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Nguyên nhân thứ ba liên quan đến vấn đề tài chính. Từ khi có chỉ thị 1792 của Thủ tướng (năm 2012) về tăng cường quản lý đầu tư công, các dự án phải bố trí được nguồn vốn khi quyết định đầu tư. 

Vì vậy, nếu ghi vốn dự án quá lớn địa phương không thể thu xếp đủ vốn và không được triển khai dự án, nên phải "lách" bằng cách thiết kế dự án với quy mô vốn vừa phải, rồi trong quá trình làm sẽ bổ sung vốn mà không phải phê duyệt thêm dự án mới. 

Thứ tư, do suất đầu tư hiện nay chưa sát thực tế, trong quá trình triển khai dự án chi phí phát sinh rất lớn vượt ra ngoài định mức đầu tư, buộc phải bổ sung vốn.

Trị tận gốc căn bệnh đội vốn đầu tư công - Ảnh 3.

Các công trình đội vốn "nghỉn tỉ" mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh

Cuối cùng là do nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích đầu tư dự án, chẳng hạn dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) tăng vốn từ 72 tỉ lên 2.595 tỉ đồng là do chủ đầu tư chuyển đổi mục đích đầu tư từ nạo vét làm thủy lợi, sau đó thêm mục đích làm du lịch, xây dựng cầu, đường giao thông. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tăng tổng mức đầu tư dự án.

Ngoài ra còn một yếu tố không kém phần quan trọng là do tình trạng lờn luật của các địa phương. 

Trước đây, chủ đầu tư không dám để đội vốn hoặc đội vốn ít, còn gần đây hàng loạt dự án đội vốn nhiều lần nhưng chỉ bị xử phạt lấy lệ hoặc cho qua, dẫn đến các chủ đầu tư lờn luật.

TS Vũ Đình Ánh

Trước đây, chủ đầu tư không dám để đội vốn hoặc đội vốn ít, còn gần đây hàng loạt dự án đội vốn nhiều lần nhưng chỉ bị xử phạt lấy lệ hoặc cho qua, dẫn đến các chủ đầu tư lờn luật. 

Do vậy, hiện rất khó trị tận gốc căn bệnh đội vốn đầu tư công, nhưng khó không có nghĩa là không trị được, càng khó càng phải trị tận gốc.

Trị tận gốc căn bệnh đội vốn đầu tư công - Ảnh 5.

Các công trình đội vốn "nghỉn tỉ" mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh

* Theo ông, có nên tăng mức chế tài xử phạt với những dự án chậm tiến độ, đội vốn?

- Tăng xử phạt cũng tốt nhưng vấn đề là phạt ai? Bởi đây là những dự án thuộc phạm vi đầu tư công, chủ dự án là cơ quan nhà nước, người hưởng lợi là xã hội nên rất khó chế tài chủ đầu tư. 

Luật đầu tư công có quy định chế tài, thưởng phạt nhưng Nhà nước không thể tự phạt cơ quan nhà nước và nguồn nộp phạt rất khó xác định. Chỉ có trường hợp chủ đầu tư đã cung cấp đủ điều kiện mà nhà thầu vẫn chậm tiến độ thì có thể xử phạt nhà thầu hoặc thay nhà thầu khác.

* Phải chăng Luật đầu tư công quá lỏng lẻo?

- Các quy định trong Luật đầu tư công không hẳn quá lỏng lẻo, nhưng một số địa phương đang tìm cách lách luật. 

Việc các địa phương lách luật mà không bị phạt nghiêm đã tạo ra tiền lệ xấu. Thời gian tới, nếu không xử lý nghiêm các dự án đội vốn thì có nguy cơ số dự án đội vốn sẽ ngày càng nhiều hơn.

Trị tận gốc căn bệnh đội vốn đầu tư công - Ảnh 6.

Các công trình đội vốn "nghỉn tỉ" mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh

* Vậy cần làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Rõ ràng quy trình quản lý vốn đầu tư hiện nay rất có vấn đề nên phải xem lại quy trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư để tránh tình trạng địa phương khai vốn đầu tư ban đầu rất thấp, sau đó tăng lên nhiều lần. 

Cần có quy định cụ thể dự án đội vốn bao nhiêu phần trăm phải chịu xử lý và tăng vốn mức nào phải lập dự án đầu tư mới.

Ngoài ra, không nên cho chuyển đổi mục đích đầu tư dự án đã thực hiện. Trường hợp có khối lượng phát sinh, cần bổ sung lớn thì coi đó là một dự án mới, chứ để dự án chồng lấn lên nhau sẽ không kiểm soát nổi.

TS Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam):

Có trường hợp "tát nước theo mưa"


thien

Đội vốn dự án đầu tư đã trở thành "bệnh" khi hợp đồng thi công các dự án không theo một cam kết chắc chắn về thời hạn hoàn thành và khoản chi phí ấn định cứng.

Cái lý của chủ đầu tư khi điều chỉnh tăng vốn là do giá cả, lạm phát tăng nên không kiểm soát được chi phí đầu tư, dẫn đến đội vốn.

Có thể có trường hợp "tát nước theo mưa" muốn kiếm thêm.

Muốn kiểm soát chi phí đầu tư dự án, Nhà nước trước hết phải ổn định được giá cả, vì vậy nhiều nước họ cố giữ lạm phát từ 1-2%/năm, trong khi ở ta lạm phát thường trôi lên 5-7%, thậm chí trên 10%/năm.

Thứ hai, hợp đồng phải cam kết khi bảo đảm ổn định vĩ mô thì các điều kiện khác cũng phải cam kết rõ ràng như giải phóng mặt bằng, các điều kiện cung ứng.

Thứ ba, phải cam kết rõ ràng về mặt giá cả, để chi phí đầu tư không thể trồi lên tụt xuống được.

TS Ngô Trí Long (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả):

"Quy trách nhiệm người phê duyệt dự án đầu tư"


long

Để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định Luật đầu tư công từ khâu lập dự toán, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.

Tình trạng đội vốn không phải do năng lực địa phương yếu kém, phê duyệt không sát tổng mức đầu tư mà nhiều khi họ cố tình làm thế để xin thêm vốn.

Vì vậy, trách nhiệm lớn nhất khi dự án đội vốn thuộc về người phê duyệt dự án.

Cho nên cần quy trách nhiệm, chế tài xử phạt đối với người phê duyệt dự án tại địa phương, như vậy mới khắc phục được lỗ hổng này.

Đáng tiếc, Luật đầu tư công chưa quy định quy trách nhiệm người phê duyệt dự án đầu tư nên tình trạng đội vốn vẫn tràn lan.

TS Huỳnh Thế Du (giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):

Còn xin - cho, còn đội vốn


du

Những trục trặc trong đầu tư công xảy ra ở tất cả các nơi trên thế giới chứ không phải đặc thù của VN.

Kiểm soát chi phí đầu tư công phụ thuộc rất lớn vào quy trình phê duyệt và quyết định đầu tư, triển khai dự án.

Nhưng khâu giám sát đầu tư công hiện rất lỏng lẻo nên đội vốn đầu tư công xảy ra ở nhiều nơi.

Một trong các cách để hạn chế là đưa những nhóm, đối tượng có lợi ích dài hạn từ dự án tham gia giám sát dự án, qua đó hạn chế được tình trạng đội vốn.

Mặt khác, trong đầu tư công phải tạo cơ chế tự chủ cho địa phương, để họ biết chỉ có một số tiền cố định, không thể xin thêm thì sẽ giảm được tình trạng đội vốn.

Ngày nào cơ chế ngân sách mềm còn lớn, địa phương còn xin thêm được vốn, còn chạy được vốn thì sẽ xảy ra trục trặc trong đầu tư công.

Nên khoán cho địa phương những khoản ngân sách cứng để họ thực hiện các mục tiêu chính sách, xã hội và phát triển, địa phương phải chi tiêu cẩn thận.

TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính):

Cần giám sát độc lập ở 2 khâu


nguyen tri hieu

Các dự án công đội vốn đang là một hiện tượng xảy ra từ nhiều năm nay.

Phần lớn những dự án này sử dụng tiền ngân sách hoặc được các tổ chức tài chính công như ADB hoặc World Bank... tài trợ.

Chủ đích là để lấy tiền, chiếm dụng vốn bằng cách đội vốn lên.

Để tránh dự án bị đội vốn vô lý thì trước khi thực hiện dự án, phải có cơ quan độc lập của Chính phủ kiểm tra tất cả những chi phí trong các báo cáo tiền khả thi và khả thi. Sau khi dự án đi vào thực hiện thì có những giai đoạn giải ngân.

Khi nhà thầu nói rằng chi phí của dự án đội lên và yêu cầu các cơ quan tài trợ phải tăng tài trợ thì những lần giải ngân tiếp theo phải có sự giám sát để bảo đảm rằng chi phí đó phải là chi phí phù hợp với dự án.

Theo tôi, cơ quan giám sát độc lập có thể là Thanh tra Chính phủ hoặc một công ty tư nhân. Trong trường hợp cần thiết, đối với các dự án lớn Nhà nước có thể thuê công ty giám sát quốc tế.

BẢO NGỌC - D.N.HÀ

Chậm tiến độ, đội vốn

TTO - Hầu hết các địa phương có công trình đội vốn đều nêu ra những nguyên nhân gần giống nhau như: do điều chỉnh quy mô dự án, do chậm triển khai, tăng bồi hoàn giải tỏa, tăng các loại chi phí, trượt giá hoặc do nhà thầu phá sản...

ĐẶNG TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên