15/11/2017 11:18 GMT+7

Tri ơn thầy, người em chưa từng gặp mặt!

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

TTO - Chưa từng được học hay dự giờ một tiết dạy nào của thầy, song tôi - một cô giáo dạy Văn, ngưỡng mộ lòng yêu nghề, nhiệt huyết và phương pháp đứng lớp của thầy.

Tri ơn thầy, người em chưa từng gặp mặt! - Ảnh 1.

Thầy Vũ Đăng Diệp (ngồi phía ngoài) đã về lại quê nhà khi về hưu

Tôi hiện đang là một cô giáo dạy Văn. 

Thầy là thầy Vũ Đăng Diệp - thầy giáo của bạn tôi.

Bạn tôi là người đàn ông đang ở tuổi "tri thiên mệnh", xa thầy, xa trường đã 30 năm. 30 năm, người học trò cũ vẫn một lòng nhớ thầy. Tôi muốn biết, điều gì đã khiến người thầy đó sống mãi trong tâm thức của học trò?

Bắt đầu câu chuyện về thầy Diệp, bạn tôi kể về trường lớp ở Tuy Hòa những năm 90. Ngôi trường anh được học với thầy là Trường phổ thông cấp 2 Hoà Vinh, Tuy Hòa, Phú Yên. 

Anh kể, ngày đó, không chỉ lũ học trò con nhà "gốc rạ" mới phải ăn đói mặc rách mà thầy cô, những người làm "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý" cũng lâm vào tình cảnh thiếu thốn. 

Có tận mắt chứng kiến bữa cơm của thầy cô lúc ấy mới hình dung hết khó khăn của nghề giáo thời "bĩ cực". 

Cơm trưa của thầy cô ở nội trú được cấp dưỡng dọn ra. Từng phần riêng biệt. Mỗi phần chỉ vẻn vẹn một cái tô… nhỡ đựng cơm, túm rau muống luộc và con cá lép khô độ hai ngón tay, gầy đét. 

Chỗ cơm ấy, thằng nhóc 13 tuổi như anh ăn còn chưa no nói chi là thầy cô, những người ngày ngày đứng trên bục giảng hít… bụi phấn. Chi tiết này làm tôi cảm động cực kì. Hơn ai hết, tôi hiểu nỗi cực của người cầm phấn nên ngồi nghe anh kể mà mủi lòng chực khóc.

Thầy Diệp dạy Toán kiêm Vật lý. Anh bảo thầy dạy môn nào cũng hay. Vấn đề dù rắc rối đến mấy nhưng qua cách giảng của thầy thì gần như học sinh nào cũng thấy rõ ràng, dễ hiểu. 

Bạn còn kể, ngày ấy chuyện "dạy chay - học chay" ở các cấp giáo dục phổ thông là không lạ. Hầu như tất tật mọi vấn đề tri thức - từ trừu tượng đến cụ thể - thầy cứ thao thao mô tả; trò thì tha hồ dùng… đầu mà hình dung. 

Môn Toán "dạy chay" còn khả dĩ, nhưng đến môn Vật lý mà phải "dạy chay" thì đúng là… khổ nạn. Nhưng thầy Diệp không chịu thua cuộc. Trường không có đồ dùng dạy học thì thầy tự chế. 

Khéo tay và chịu khó, thầy Diệp đi sưu tầm vật liệu, tranh thủ giờ rảnh ngồi hì hục đục đẽo, vẽ khắc, lắp ghép thành đủ thứ từ cân đĩa, con lăn đến lực kế…

Thứ nào không tự chế được, thầy tranh thủ đạp xe lên Phòng Giáo dục hỏi mượn. Dạy xong, lại phải gò lưng đạp xe hơn mười cây số đem trả. 

Có giáo cụ trực quan, có thí nghiệm thực hành, những giờ học Vật lý trở nên sinh động, lôi cuốn. Vào tiết, cả lớp không đứa nào được thụ động "ngoài cuộc" với thầy. 

Thầy còn yêu cầu học sinh tự chế các giáo cụ đơn giản theo hướng dẫn của thầy. Thầy bảo: Làm được giáo cụ tức các em đã nắm vững, nắm sâu được kiến thức cần học.

Đó là môn Vật lý, còn Toán? Toán thì hơi "khô", tư duy trừu tượng nhiều, thật khó để tạo "không khí" cho tiết dạy - là cô giáo dạy Văn tôi nghĩ vậy. Không sao, thầy Diệp vẫn có cách để tạo "không khí". Cách nào? 

Thầy thường vào bài mới bằng cách kể chuyện - những câu chuyện thơ. Ví dụ như vở kịch thơ của kịch tác gia vĩ đại người Anh William Shakespeare - vở Othello. Thầy bắt đầu câu chuyện:

Othello vừa đô vừa khỏe

Desdemona vừa trẻ vừa xinh…

Không phải kể hết một lần. Cứ nhẩn nha, từ tốn, diễn cảm từng đoạn một. Tiết học Toán nào thầy cũng bắt đầu bằng một đoạn Othello để "lên dây cót tinh thần" cho học sinh trước khi bước vào "đánh vật" cùng những công thức, phương trình, định đề...

Qua lời kể của bạn, tôi vẽ được chân dung của một người thầy dạy Toán yêu… Văn. Yêu đến mức có thể "truyền lửa" văn chương đến cho học sinh bằng cái giọng kể lúc ấm áp, diễn cảm trầm trầm của người dẫn chuyện, lúc thống thiết bi thương hoặc phẫn nộ thét gào như một diễn viên tài ba đang cháy hết mình trong vai diễn, trào tuôn theo cảm xúc của từng nhân vật hóa thân. 

Giờ Toán của thầy Diệp được học sinh gọi là "giờ Othello" và cứ từ từ từng chút một, những kiến thức Toán học được tẩm ướp món mật đường Othello của thầy đã giúp học sinh tiếp nhận hiệu quả hơn bởi không còn thấy nó quá khô khan. 

Rồi thầy Diệp, hiện đã 65 tuổi, khiến tôi cảm động ứa nước mắt khi một lần đọc báo, thầy nhận ra học trò mình bèn gọi điện đến tòa soạn xin số điện thoại của học trò cũ là tác giả bài báo. Thầy trò gặp nhau, dù chỉ là qua điện thoại, rưng rưng… 

Kể về thầy của mình, anh Nguyễn Văn Danh, cậu học trò 30 năm trước của thầy, đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên đến sững sờ thán phục. Tôi quý trọng và ngưỡng mộ cách thầy tận tụy với nghề, hết lòng với học sinh. 

Xin được nhờ Tuổi Trẻ Online gửi đến thầy, người tôi chưa từng gặp mặt, tình cảm của một hậu bối: Là một cô giáo, em xin nguyện được làm "truyền nhân" để tiếp tục công việc mà thầy đã dồn tâm sức. Nếu có cơ hội được gặp thầy, em sẽ nói: "Cảm ơn thầy đã "truyền lửa" cho em, cô giáo dạy Văn".

Những ngày tháng 11 này, bao thế hệ học trò không khỏi bồi hồi khi nhớ về những người thầy, người cô đã từng thầm lặng nâng bước mình vào đời.

Thay lời tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, mời bạn đọc chia sẻ bài viết về những người thầy, người cô yêu quý của mình với Tuổi Trẻ Online qua email [email protected]. Cảm ơn bạn!

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên