Vì sao những "Đắp mộ cuộc tình" rền rĩ kéo dài hết năm này qua năm khác, bủa vây cuộc sống người dân vẫn không có liều thuốc đặc trị hữu hiệu?
Việc xử lý có khó không? Lãnh đạo UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nói khó nhưng không phải không làm được.
Và cách làm của phường là lập tổ phản ứng nhanh xử lý karaoke ồn ào do chủ tịch hoặc phó chủ tịch phường thay nhau "cầm quân". Thành viên có công an, ban chỉ huy quân sự phường, Đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, phụ nữ...
Nhưng làm sao xử lý để người vi phạm "tâm phục khẩu phục"? Phường này đã phối hợp với một đơn vị chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng. Đơn vị này cử cán bộ cùng thiết bị đo tiếng ồn chuyên dụng làm căn cứ lập biên bản, xử lý.
Phường triển khai tuyên truyền rộng rãi đến chủ các cơ sở kinh doanh và người dân. Mời tất cả các cơ sở cho thuê loa di động, dàn nhạc đến ký cam kết.
Bước tiếp theo là kiểm tra, đo tiếng ồn tại các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình sử dụng loa di động công suất lớn. Với kết quả đo bằng máy móc chuyên dụng, nếu vượt quá mức cho phép sẽ bị "giam loa", xử phạt.
Chỉ trong vài tháng, tổ phản ứng nhanh đã "tuýt còi" hàng chục trường hợp karaoke ồn ào và xử phạt với mức từ 1 - 5 triệu đồng và 5 - 20 triệu đồng, theo nghị định 45.
Tình trạng karaoke ồn ào của phường Nại Hiên Đông vì vậy đã giảm hẳn. Một số cơ sở kinh doanh cho thuê loa di động cũng e dè khi đến địa bàn phường này...
Người dân địa phương tấm tắc khen cách làm trên. Và cách trị karaoke của phường này đã được nhân rộng ra các phường khác của quận Sơn Trà.
Không chỉ có lực lượng của tổ phản ứng nhanh phường Nại Hiên Đông tuần tra trên khắp các khu dân cư, phường này cũng công bố số điện thoại đường dây nóng, lập fanpage tiếp nhận ý kiến người dân.
Từ khi có nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ 25-8-2022) với chế tài mạnh hơn, vi phạm về tiếng ồn có thể bị phạt mức tột khung lên đến 160 - 320 triệu đồng (cá nhân, tổ chức) và nhờ đó, các địa phương cũng dễ vận dụng hơn.
Đã từng có nhà hàng ở Đà Nẵng bị xử phạt với mức 140 triệu đồng vì gây ô nhiễm tiếng ồn và bị đình chỉ việc mở nhạc gây ô nhiễm tiếng ồn tại cơ sở ăn uống trong thời gian 4 tháng 15 ngày.
"Hành lang pháp lý" đã có, chế tài cũng khá "rắn" nhưng liệu việc trị karaoke ồn ào có dứt điểm được không?
E là vẫn chưa đủ. Bởi tổ phản ứng nhanh không thể hoạt động 24/24 ở khắp các ngõ, hẻm để phát hiện, xử lý. Trong khi địa bàn quá rộng, lực lượng lại mỏng...
Vấn đề cốt yếu có lẽ vẫn là ý thức và trách nhiệm. Ý thức của người hát, không làm phiền đến xóm giềng. Ý thức của cơ sở cho thuê loa di động, không tiếp tay cho ô nhiễm tiếng ồn. Ý thức của cộng đồng khi phát hiện, báo ngay cho cơ quan chức năng.
Và nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương - khi nhận phản ảnh của dân phải "xắn tay áo" vào cuộc ngay, làm thật rốt ráo.
Có vậy mới mong chặn được "hung thần" karaoke!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận