Bên đòi bỏ thi lập luận là: hai kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học quá cận kề nhau, gây tốn kém cho xã hội, căng thẳng cho học sinh lớp 12; thi làm chi khi chưa thi đã biết 100 người đi thi thì 98-99 người đậu; cứ dựa vào quá trình học mà xét công nhận tốt nghiệp có khi tỉ lệ còn thấp hơn. Còn chất lượng học sinh thì hãy để kỳ thi đại học đánh giá. Hơn nữa, bằng tốt nghiệp THPT giờ có biết dùng vào việc gì đâu. Song lý do chủ yếu đòi bỏ thi là vì kết quả kỳ thi tốt nghiệp rất tốn kém này là không đáng tin cậy. Đồ thị biểu diễn kết quả thi tốt nghiệp trước “hai không”, trong lúc “hai không” diễn ra quyết liệt và hậu “hai không” đã minh chứng hùng hồn điều này, đó là hình chữ V mà điểm thấp nhất là khi diễn ra “hai không”.
Bên đòi giữ kỳ thi thì e rằng bỏ thi thì học trò không học hoặc học chiếu lệ những môn được khỏi thi, chất lượng đào tạo sẽ giảm sút. Cho dù sau này được công nhận tốt nghiệp (công nhận không qua thi cử mà qua đánh giá cả quá trình 12 năm) thì chất lượng tuyển vào đại học sẽ giảm vì nhiều trường đại học quá cần sinh viên để nuôi trường nên cứ phải vơ vét. Lúc đó xã hội sẽ trả giá khi lứa sinh viên này ra trường.
Giả sử chúng ta bỏ thi tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp bằng cách xét quá trình 12 năm học. Xét dựa vào đâu? Vào học bạ do giáo viên lập. Vậy thì giáo viên chạy theo thành tích sẽ “thương” học trò, làm cho học bạ học trò mình toàn điểm “đẹp” và nhận xét tốt để được công nhận tốt nghiệp 100%; giáo viên tận tâm nghiêm khắc thì cứ đúng thực chất mà đánh giá nên có không ít học sinh không chịu học sẽ không được công nhận tốt nghiệp. Các giáo viên nghiêm khắc, các trường nghiêm khắc sẽ nhận lãnh “phần thiệt thòi” trong... thi đua, trong con mắt của học sinh và cha mẹ học sinh. Điều này là bất công cho những giáo viên làm việc tận tâm vì sau đó không thể lấy tỉ lệ học sinh đậu vào đại học mà xét lại thi đua được khi mỗi đại học lấy theo điểm chuẩn cao thấp khác nhau, lại có thể tự ra đề. Rồi sẽ có tình trạng chạy để học trường “dễ”, thầy cô “dễ”. Học sinh chúng ta lâu nay “học để thi, thi gì học nấy”, giáo viên THCS, THPT cũng “dạy để thi, thi gì dạy nấy”. Nay khỏi thi tốt nghiệp thì không biết học sinh sẽ lơ là đến đâu với các môn không thi đại học. Thực tế ngành giáo dục sau khi bỏ thi tốt nghiệp THCS đã chứng minh là học sinh lên lớp 10 học yếu hơn. Bài học này tưởng đã quá đủ rồi.
Vậy là không có lối ra cho bài toán bỏ thi tốt nghiệp đầy tốn kém mà thiếu tin cậy? Có nhưng phải với điều kiện chừng nào thói làm ăn gian dối, chạy theo thành tích trong và ngoài ngành giáo dục không còn phổ biến như hiện nay nữa. Qua các kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, bộ trưởng (và chắc cấp cao hơn nữa) đã phát hiện có nhiều tỉnh thành tổ chức thi và chấm thi “nương tay” nhưng chỉ mới đe chứ chưa hề dám trị ai, thậm chí cũng không dám nêu tên. Sắp tới nếu bỏ thi mà xét công nhận tốt nghiệp thì tình trạng “nương tay” sẽ tràn lan như bệnh dịch, không thể kiểm soát nổi. Vàng thau sẽ càng lẫn lộn. Trong học sinh sẽ hình thành nếp nghĩ khỏi học chăm chỉ cũng cứ tốt nghiệp và nếp nghĩ ấy sẽ nguy hại hơn khi lứa học sinh này thành công dân có thói quen là... không làm nhưng muốn hưởng. Xã hội VN sẽ về đâu với não trạng này?
Tóm lại có thể bỏ thi tốt nghiệp để chuyển qua đánh giá cả quá trình học của học sinh khi mà tình trạng gian dối bị trị tới nơi tới chốn, trị không chỉ trong ngành giáo dục mà cả ở ngoài đời, không chỉ trị học sinh hay giáo viên mà trị cả dân thường lẫn quan chức, bất kể cấp nào. Chứ hiện nay dân gian vẫn kêu ca “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”. Chừng nào xóa được nghịch lý này đây? Một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện riêng cho giáo dục liệu có đủ công hiệu?
___________
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận