TTCT - Vườn dừa ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) với gần 1.200ha nhiều năm liền mất mùa vì bọ cánh cứng. Gần đây, đề xuất của tiến sĩ Nhật Nakamura Satoshi thả loài ong ký sinh mới để diệt bọ dừa mang lại hi vọng cho người dân ở đây. Phóng to Tiến sĩ Nakamura Satoshi (trái) nghiên cứu bọ cánh cứng hại dừa ở thị xã Sông Cầu - Ảnh: M.H.N. “Vườn dừa ở Sông Cầu có từ rất lâu đời, là nơi có diện tích dừa lớn nhất tỉnh Phú Yên. Người dân ở 14 xã, phường, thị trấn sinh sống dưới tán dừa rợp bóng. Thị xã (TX) Sông Cầu xác định dừa là một trong những cây trồng chiến lược” - ông Lương Công Tuấn, phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết. Mót từng trái dừa “đẹt” Năm 2000, bọ cánh cứng hại dừa tấn công dữ dội, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Phú Yên đã tổ chức phòng chống bằng nhiều biện pháp như phun thuốc và sử dụng các chế phẩm sinh học. Ông Nguyễn Văn Cảm, ở xã Xuân Bình (TX Sông Cầu), nhớ lại: “Bọ cánh cứng tàn phá vườn dừa, thấy nóng mặt tôi mang bình phun thuốc leo lên trên đọt dừa xịt. Vườn dừa rộng lớn, hơn nữa lại ở cạnh nhà nên khi xịt thuốc bay vèo vèo trên mái nhà vương vãi khắp xóm hôi nồng nặc. Biết vậy mà vẫn phải làm vì dừa không ra trái chẳng khác nào “úp” nồi cơm gia đình”. Ông Nguyễn Tấn Thi, trưởng Trạm BVTV TX Sông Cầu, nói: “Có những diện tích dừa bị bọ cánh cứng tấn công nguy hại cấp 3, cấp 4 (trên 50% diện tích lá trên cây bị hại), thậm chí nhiều diện tích dừa xơ xác tàu lá”. Theo nhiều người dân ở đây, trung bình mỗi hecta dừa có 180 cây, nếu không có bọ dừa tấn công thì mỗi cây cho 80 quả/năm. Với giá bán dao động hiện nay 15.000-17.000 đồng/quả, mỗi hecta dừa hằng năm thu trên 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Tâm ở phường Xuân Đài tâm sự: “Khi bị bọ cánh cứng tấn công, nhiều năm liền dừa mất mùa. Khi trái còn non hầu hết bị rơi rụng, trái nào còn sót lại “đẹt” lét. Mót bán một năm không đủ đi vài phiên chợ”. Năm 2004, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP.HCM bắt đầu áp dụng biện pháp sinh học dùng ong ký sinh asecodes hispinarum để diệt trừ bọ cánh cứng. Tuy nhiên, biện pháp này không đạt hiệu quả. “Chúng tôi phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu và đặt ra nhiều câu hỏi là tại sao ong asecodes không phòng trừ triệt để bọ dừa ở Phú Yên? Do phương pháp nuôi ong ký sinh hay phương pháp thả ong ký sinh chưa phù hợp? Hay do điều kiện thời tiết không thuận tiện cho ong ký sinh asecodes phát triển?” - ông Đặng Văn Mạnh, chi cục phó Chi cục BVTV Phú Yên, phân tích. Tiếp sau đó, năm 2007 chi cục đưa mô hình nghiên cứu mới nhất: nhân nuôi ong ký sinh tại chỗ. Bước đầu chọn ba điểm nuôi gồm các xã Xuân Bình, Xuân Thọ 2 và tại phường Xuân Yên. Ba điểm nuôi này đã đặt trong tự nhiên 10.000 mummies (xác nhộng), mỗi xác nhộng nở ra 90-100 ong ký sinh. Sau một thời gian, dừa vẫn bị bọ cánh cứng tấn công dữ dội, không chừa cây thấp lẫn cây cao. Đứng trước nguy cơ vườn dừa Sông Cầu không chỉ bị lão hóa mà còn biệt dạng màu xanh, UBND TX Sông Cầu phát động phong trào trồng dừa phân tán để gầy lại màu xanh. Nhưng người dân thấy dừa trồng bị bệnh không chịu được bọ cánh cứng nên nản lòng. Bà Trần Thị Tuyết, xã Xuân Thọ 2, giải thích: “Dừa bị bọ tấn công thì cả tháng không màng nhìn lên đọt dừa thăm chừng, vì cứ mỗi sáng ra thấy dừa non bằng cổ tay rụng đầy sân vườn lòng buồn rũ rượi”. Phóng to Ong ký sinh tetrastichus brontispae ký sinh trên nhộng bọ dừa (chụp qua kính hiển vi) - Ảnh: M.H.N. Xác định ong ký sinh mới Năm 2008, tiến sĩ Nakamura Satoshi thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học, nông nghiệp quốc tế Nhật Bản (JIRCAS) bắt đầu điều tra bọ dừa ở Phú Yên. Ông nhận thấy sau khi được thả ong ký sinh, vùng dừa ở ĐBSCL cũng như Thái Lan cơ bản bọ dừa đã được khống chế, dừa đã hồi phục, ong ký sinh asecodes đã thiết lập được quần thể ổn định ở đó. Riêng ở Phú Yên bọ dừa thuộc loại “cứng đầu”. “Loài ong ký sinh tetrastichus brontispae lần đầu tiên được JIRCAS đề xuất nhập vào Việt Nam nhân nuôi tại Đại học Nông lâm Huế và Chi cục BVTV Phú Yên, trước đó được thử nghiệm đạt hiệu quả cao với bọ dừa ở Thái Lan, Đài Loan… Đây là chương trình trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Chi cục BVTV Phú Yên và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Nhật Bản” - ông Nguyễn Hữu Doãn, chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Yên, cho biết. Qua chuyến đi thực tế tại huyện Tuy An và TX Sông Cầu nghiên cứu tình hình bọ cánh cứng hại dừa, tiến sĩ Nakamura Satoshi nhận xét: “So với lần đầu chúng tôi đến đây, tình trạng bọ dừa gây hại có giảm. Song so với khu vực ĐBSCL và Thái Lan thì ở Phú Yên bọ dừa vẫn còn gây hại nặng. Kết quả số liệu ghi nhận được do Phú Yên có nhiệt độ quá cao và điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ong ký sinh trong các tháng mùa hè. Biện pháp đưa ra là tiếp tục thả bổ sung ong ký sinh trong những tháng này để duy trì quần thể ong ký sinh ngoài đồng. Song có một bất lợi là chúng ta phải tốn nhiều công để nhân thả ong ký sinh này hằng tháng”. Một phát hiện nữa của tiến sĩ Nakamura Satoshi là khi thu thập mẫu bọ dừa tại Phú Yên để gửi định danh tại Đại học Kyushu (Nhật), kết quả phân tích gen cho thấy loài bọ dừa hiện có ở Phú Yên có cấu trúc bộ gen thuộc nhóm Asian (Asian type) chứ không phải thuộc nhóm Pacific (Pacific type) như các thông tin trước đây. Theo ông, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi bọ dừa nhóm Asian không phải là ký chủ chính của ong asecodes, mà là của ong tetrastichus brontispae (loài mới được nhập). Từ đó có thể giải thích tại sao thời gian qua ong ký sinh asecodes không có hiệu quả cao ở Phú Yên. Chính từ lý do này tiến sĩ Nakamura Satoshi đề xuất du nhập ong ký sinh tetrastichus brontispae, loài ký sinh chính của bọ dừa nhóm Asian ở Việt Nam. Đây là loài sinh vật mới chưa có ở Việt Nam và lần đầu tiên được du nhập. Tiến sĩ Nakamura Satoshi thường xuyên sang Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật để giúp Chi cục BVTV Phú Yên và Đại học Nông lâm Huế đánh giá các đặc tính sinh học và phổ ký chủ của ong ký sinh tetrastichus brontispae. Sau một năm khảo nghiệm trong phòng, loài ong ký sinh này được thả ngoài đồng và trên diện rộng. “Hiện nay chương trình hợp tác đã hết hạn, nhưng tôi vẫn đến Phú Yên nghiên cứu đến khi nào việc phòng trừ bọ dừa đạt hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân mới thôi” - ông nhấn mạnh. Đã đi khắp thế giới từ Thái Lan, Đài Loan, Tây Ban Nha, Hà Lan... nghiên cứu bọ dừa, tiến sĩ Nakamura Satoshi cho biết ở các nơi đó việc phòng trừ bọ dừa đã thành công. Riêng tại Việt Nam, chỉ còn ở Phú Yên bọ dừa chưa được khống chế. Vì thế sau khi thả ong ký sinh mới, ông sẽ quay lại Phú Yên tiếp tục theo đuổi nghiên cứu. Tags: Môi trườngBó đũaSông CầuOng ký sinhNakamura Satoshi
Tiền đạo Văn Quyết đi vào lịch sử V-League HOÀNG TÙNG 09/11/2024 Tiền đạo Nguyễn Văn Quyết có bàn thắng thứ 117 và chính thức trở thành cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử V-League.
Qatar rút làm trung gian ngừng bắn vì Hamas và Israel thiếu thiện chí NGHI VŨ 09/11/2024 Trong bối cảnh vòng đàm phán mới đây không đạt được kết quả, Qatar tuyên bố rút khỏi nỗ lực trung gian cho lệnh ngừng bắn tại Gaza, đồng thời cho ngừng văn phòng đại diện của Hamas tại Doha.
Khán giả quẩy cực sung tại đêm nhạc Ngày hội Việt Nam Xanh HỒ LAM 09/11/2024 Khán giả tham dự đêm nhạc Ngày hội Việt Nam Xanh 2024 đa phần là người trẻ. Họ đến chương trình với tâm thế vừa để giải trí, gặp gỡ thần tượng vừa góp phần thực hiện các hoạt động cộng đồng giúp ích cho môi trường.
Điều kỳ lạ xảy ra 15 phút trước khi núi lửa phun gây sóng thần khắp Thái Bình Dương BÌNH MINH 09/11/2024 Trước khi núi lửa Tonga phun trào dữ dội làm rung chuyển Thái Bình Dương, không có hoạt động bề mặt nào được ghi nhận, nhưng máy đo địa chấn đã phát hiện điều kỳ lạ.