
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân - Ảnh: THANH HUYỀN
Ngày 20-4, tại UBND xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã diễn ra chương trình về nguồn gồm hoạt động khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 500 người dân; trao 2 căn nhà đại đoàn kết, trong đó 1 căn được trao cho gia đình bà Bùi Thị Ngàn - người con xã Tân Bằng, từng góp công sức cho Đài tiếng nói Nam Bộ kháng chiến.
Bên cạnh đó, có 30 phần quà, mỗi phần 1 triệu đồng được trao cho những gia đình từng đóng góp cho Đài Nam Bộ kháng chiến, gia đình chính sách tại địa phương; 50 xuất học bổng, mỗi xuất 1 triệu đồng trao đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra còn có 100 phần quà, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng được trao cho các hộ nghèo, khó khăn của huyện Thới Bình.
Phát biểu tại buổi lễ trao quà, ông Phạm Mạnh Hùng - phó tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam khẳng định những đóng góp của Đài Nam Bộ kháng chiến, của Đài phát thanh Giải phóng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
"Chúng tôi cũng rất xúc động vì để tồn tại trong sự bao vây, truy lùng của địch để dập tắt tiếng nói cuộc cách mạng thì Đài tiếng nói Nam Bộ kháng chiến cũng như Đài tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng luôn nhận được sự đùm bọc thương yêu, bảo vệ, che chở của đồng bào, đồng chí, của cán bộ, các lực lượng để có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của mình", ông Hùng nói.

Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Cà Mau tặng nhà cho người dân gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn - Ảnh: THANH HUYỀN
Ông Trần Minh Nhân - phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tài trợ cho chương trình, cảm ơn sự quan tâm của cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Người dân vùng căn cứ cách mạng xã Tân Bằng đến nhận quà, khám bệnh và được cấp phát thuốc miễn phí rất xúc động bởi hoạt động ý nghĩa, thể hiện tinh thần nhân ái "lá lành đùm lá rách" của cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp các đơn vị thực hiện. Bên cạnh vật chất, bà con còn được động viên về mặt tinh thần để vượt qua khó khăn, bệnh tật, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Đài tiếng nói Nam Bộ kháng chiến ra đời vào 1-12-1947 giữa vùng Tháp Mười (nay thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Quá trình hoạt động, thời gian dài Đài tiếng nói Nam Bộ kháng chiến hoạt động ở tỉnh Cà Mau.
Trong 7 năm hoạt động ở tỉnh Cà Mau, Đài tiếng nói Nam Bộ kháng chiến 16 lần phải di chuyển, 5 lần bị địch tập kích. Trước mưa bom, bão đạn, cán bộ, nhân viên của đài không hề run sợ mà luôn cống hiến hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đài hoàn thành xứ mệnh là "tiếng nói cách mạng của nhân dân Nam Bộ" vào tháng 12-1954 và đã được nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận