Làng Tân An được nhiều người biết đến với tên gọi khác là xóm Mù U, nhưng tên gọi "Cây số 52" thì rất ít người biết. Kết thúc chiến tranh, cả xóm có 52 gia đình thì đến 50 gia đình liệt sĩ, hai gia đình có công cách mạng, 18 Mẹ Việt Nam anh hùng, 60 liệt sĩ cùng nhiều thương binh, bị đày đi Côn Đảo.
Xóm biển có tên "Cây số 52"
"Sẽ rất tiếc cho thế hệ sau nếu cái tên "Cây số 52" không được lưu nhớ như một phần hào hùng của xóm Tân An" - ông Nguyễn Vụ (86 tuổi), nguyên phó bí thư Huyện ủy Mộ Đức, trải lòng. Ông là một trong những người cuối cùng nhớ rõ mật danh "Cây số 52".
Ngược ký ức, ông tự hào kể: "Ngày đó, xóm Tân An có tổng cộng 52 nóc nhà, gia đình nào cũng kiên trung với Tổ quốc".
Tái hiện xóm có tên "Cây số 52", ông Vụ kể về bao trận pháo kích, đạn bom trút xuống để xóa sổ xóm ấy. Ngày 26-6-1966, máy bay Mỹ ném bom phía trong trảng cát, rồi tàu chiến từ biển trút loạt đạn thẳng vào xóm. Buổi sáng hôm ấy, 125 người dân trong xóm và các xóm lân cận đã ngã xuống.
Nhưng những người ngã xuống giúp những người còn sống tiếp tục đứng lên, kiên cường hơn. Xóm nhỏ với mật danh "Cây số 52" vẫn vững vàng, giữ sứ mệnh là căn cứ cách mạng, là nơi nuôi giấu cán bộ và dĩ nhiên họ cũng là chốt chặn đầu tiên nếu quân thù từ phía biển tràn vào.
"Trong chiến tranh, từ đứa trẻ đến cụ già ở "Cây số 52" thật sự đều là anh hùng. Họ không khuất phục, không lùi bước. Tân An là xóm anh hùng", ông Vụ trải lòng.
52 nóc nhà là những anh hùng
Chiến tranh kết thúc gần nửa thế kỷ, hòa bình lập lại cho non sông. Dằng dặc thời gian, căn cứ địa Tân An hùng tráng luôn nhận sự ghi nhận và quan tâm của Đảng, Nhà nước. Nhưng thời gian vẫn không thể nguôi nỗi đau trong tâm trí người ở lại.
Ông Nguyễn Đến (63 tuổi) nằm đu đưa trên chiếc võng nơi góc hè. Vợ vào Nam mưu sinh, các con đã có gia đình riêng, ông hiu quạnh trong nhà. Khi hỏi về gia đình mình, ông tự hào nhìn vào gian thờ. Năm 1973, khi ông Đến mới 13 tuổi thì cha ông - liệt sĩ Nguyễn Nhất - hy sinh ở chiến trường miền tây Quảng Ngãi.
"Nhiều lần tìm kiếm, gia đình vẫn không biết ba nằm lại ở đâu. Ba năm trước, mẹ tôi mất vẫn day dứt điều ấy. Sắp đến, mấy anh em tính viết thư ra trung ương tìm kiếm đồng đội của ba. Biết đâu đồng đội biết ba ở đâu, tôi sẽ thay mẹ tìm ba", ông Đến nói.
Nhớ mẹ, ông Đến kể từ khi còn nhỏ cha đã "nhảy núi" theo cách mạng. Mẹ ông - bà Phan Thị Định - một mình ở làng tần tảo nuôi con. Khi hay chồng hy sinh, bà gạt nước mắt mạnh mẽ che chở các con trước bom đạn kẻ thù. Dòng họ ông Đến hy sinh nhiều cho hòa bình, bà nội và bà ngoại ông đều là Mẹ Việt Nam anh hùng.
Xóm Mù U anh hùng, khúc hùng tráng một thời được lớp lớp người dân nơi này viết lên. Cách nhà ông Đến không xa, ông Đỗ Văn Dây (61 tuổi) cũng chưa tìm ra mộ cha. Cha ông - liệt sĩ Đỗ Văn Đây - hy sinh ở chiến trường giáp ranh huyện Mộ Đức và Nghĩa Hành năm 1968.
"Hồi cha hy sinh tôi mới 6 tuổi. Năm 1971, lúc tôi 9 tuổi, mẹ tôi cũng bị bắn chết khi đang làm trong vườn nhà. Không còn cha mẹ, thằng Tư (em trai) phải gửi cho người họ hàng nuôi giúp, tôi đơn độc trong nhà", ông Dây nhớ lại.
Thẫn thờ một lúc, ông Dây nói tiếp: "Ước gì tôi biết cha nằm ở đâu để đưa về nằm cạnh mẹ". Rồi ông tự trấn an: "Mà biết đâu hài cốt cha đã được quy tập về nghĩa trang nào đó. Và trong những phần mộ vô danh kia có mộ phần của cha".
Một ngôi làng nhỏ bé trong thời chiến chỉ có 52 nóc nhà mà có đến 18 Mẹ Việt Nam anh hùng, 60 liệt sĩ và nhiều thương binh... đủ nói lên sự kiên trung của "Cây số 52".
Trong cuốn "Địa chí Mộ Đức" có viết: "Từ thời kháng chiến chống Pháp, người Tân An đắp lũy cao 5m, rộng 4m dọc theo bờ biển ngăn không cho quân Pháp đổ bộ. Họ dùng vũ khí thô sơ chống lại đội quân đầy ắp súng đạn. Nhờ lũy Tân An và tinh thần dũng cảm, nhân dân Tân An đã ngăn chặn sự đột nhập, đánh phá của địch, giữ vững vùng tự do".
Qua cuộc chiến chống Mỹ, Tân An tiếp tục là lũy thép, nơi an toàn cho bộ đội và đầy cạm bẫy cho kẻ thù. Dẫu bao hy sinh nhưng đứa trẻ nào lớn lên cũng rời vòng tay mẹ cầm súng chiến đấu.
Bây giờ, xóm "Cây số 52" đã đông dân hơn, bình yên tìm về từng nóc nhà. Người dân Tân An vượt qua nỗi đau, lo phát triển kinh tế. Dẫu nhận nhiều quan tâm nhưng Tân An vẫn còn khó khăn, xóm ngoài đường chính được bê tông hóa, những đường phụ vẫn là đường đất, nhiều người rời xóm vào Nam mưu sinh.
Thương binh Nguyễn Ngọc Độ (67 tuổi) bảo rằng nhà có 6 anh em thì 1 người hy sinh, 5 người là thương binh. Ông Độ tham gia du kích từ năm 16 tuổi, từng bị thương ở đầu, mắt mờ dần, đến nay thì mù hẳn. Dẫu vậy, ông vẫn thành thục mở cửa nhà tưởng niệm, thắp hương cho những người xóm Mù U ngã xuống.
Ông Độ trải lòng mong ước của mình: "Việc đền ơn đáp nghĩa được Nhà nước rất quan tâm, bà con cũng không vì sự hy sinh của cha anh mà đòi hỏi chuyện này chuyện kia.
Mong ước lớn nhất của tôi là bê tông hóa đường làng, xây dựng nhà tưởng niệm rộng và khang trang hơn để con cháu tới lui sinh hoạt và tưởng nhớ cha ông mình...".
"Thời đó, người dân gọi là xóm Mù U bởi quanh xóm có bảy cây mù u cổ thụ to đến vài người ôm. Bây giờ, những người thế hệ tôi vẫn gọi Tân An là xóm Mù U. Còn tên "Cây số 52" đã không còn được gọi sau khi chiến tranh kết thúc", ông Nguyễn Vụ tâm tình.
Lá thư và chuyến thăm của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu
Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần gửi thư thăm hỏi người dân xóm "Cây số 52". Trong tất cả lá thư, ông luôn dùng tên "xóm Mù U" thay vì tên hành chính Tân An.
Ngày 26-3-1999, người dân "Cây số 52" bất ngờ nhận thư thăm hỏi của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khiến họ tự hào, xúc động.
Trong lá thư "Kính gửi các cụ lão thành, các bác, toàn thể bà con, các đồng chí đảng viên, đoàn viên xóm Mù U, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi", cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu viết: "Tấm lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần kiên cường, bất khuất, nghĩa đồng bào, tình đồng chí, sự đùm bọc nuôi dưỡng của nhân dân Quảng Ngãi đối với lực lượng vũ trang là một tấm gương sáng cả nước đều biết... Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là một pháo đài...".
Năm 2002, ông Lê Khả Phiêu trực tiếp về xóm Mù U thăm người dân. Đến năm 2003, hay tin người dân xóm này được vay vốn ưu đãi đóng tàu vươn khơi, ông lại tiếp tục gửi thư chung vui với bà con.
Gạc Ma ở gần lắm
Những ngày này, ai đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) cũng thấy Gạc Ma thật gần gũi vì công việc thầm lặng của những lớp hậu thế tại khu tưởng niệm này.
Trong tà áo dài màu hồng nhạt cùng chất giọng Huế ngọt ngào, chị Lý Thị Ngọc Mai (hiện đang là chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cam Lâm) kể, từ khi công trình đi vào hoạt động năm 2017, chị đã bắt đầu làm công việc thuyết minh tại đây, sau này còn có thêm hai cô giáo trong huyện cùng làm hướng dẫn viên.
"Từ khi Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hoàn thành, tôi đã đăng ký đến đây để thuyết minh. Để thuyết minh tốt, tôi phải tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma, các khu vực của công trình cũng như từng kỷ vật... Nhưng quan trọng nhất phải có sự đồng cảm và biết ơn các liệt sĩ mới có thể thuyết minh cảm xúc" - chị Mai nói.
Chị Mai từng may mắn được dẫn đoàn những cựu binh từng trực tiếp tham gia sự kiện Gạc Ma năm 1988. Qua đó, chị được nghe thêm một cách chân thực nhất, đầy đủ nhất sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ. Chính vì thế, những lời thuyết minh sau đó càng dễ dàng lan tỏa cảm xúc tri ân.
"Cứ mỗi lần thuyết minh về các anh, không hiểu sao nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi nhớ những lần đọc lá thư của các chiến sĩ, trong đó có nhiều nội dung điềm báo như lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương có đoạn: Mẹ đừng viết thư cho con nữa, con không nhận được đâu, có lẽ đây là lần cuối cùng con viết thư về cho gia đình vì bưu điện ở rất là xa xôi...". Chị Mai nói rằng ai đến viếng khu tưởng niệm và nghe những dòng thư này đều rất xúc động.
Chị Nguyễn Thị Trà My - thường trực ban quản lý khu tưởng niệm - cho biết khách đến đây chủ yếu là mong muốn tìm về những năm tháng anh dũng của các anh; đã có rất nhiều buổi ngoại khóa, kết nạp đảng viên, đoàn viên tại đây.
Chị My kể thêm rằng trong công tác bảo quản hiện vật, kỷ vật, khu tưởng niệm sẽ tiếp nhận từ gia đình các chiến sĩ, mỗi món đồ như thế đều có biên bản bàn giao đầy đủ. Ban quản lý khu tưởng niệm bảo quản kỹ lưỡng những kỷ vật của các chiến sĩ còn để lại trước lúc hy sinh.
Từ khi làm công tác quản lý tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, chị My cho rằng điều khiến mình luôn muốn gắn bó với nơi đây chính là cảm giác thiêng liêng, ấm cúng, gần gũi.
"Nơi đây luôn nhắc nhớ cho tôi rằng điều mình làm hôm nay chính là điều tốt đẹp cho mai sau. Tôi mong rằng với những nơi như Gạc Ma, khách đến thăm sẽ có thể có cho mình một khoảng trống trong tâm hồn, nơi chứa đựng niềm tự hào, sự ghi ơn sâu sắc đối với những chiến sĩ đã ngã xuống cho đất nước có được như hôm nay" - chị My nói.
Lưu giữ hạnh phúc tại Khu tưởng niệm Gạc Ma
Từng là người gắn bó với khu tưởng niệm, bà Nguyễn Thị Anh - nguyên phó giám đốc ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - kể lại đã có nhiều cặp đôi đến đây để chụp ảnh cưới. Địa điểm mà các đôi trẻ yêu thích là quảng trường Hòa Bình với hình ảnh đôi chim câu tung cánh bay về hướng biển, đồi cỏ hay "Vòng tròn bất tử"...
"Tôi cũng khá bất ngờ khi các cặp đôi lại chọn khu tưởng niệm làm địa điểm chụp ảnh cưới khiến nơi đây không chỉ là nơi thăm viếng, tìm hiểu lịch sử mà còn là nơi chứng kiến cho hạnh phúc lứa đôi.
Các đôi bạn trẻ trong bộ đồ cưới dạo bước quanh khuôn viên đầy hạnh phúc, bình yên... như chính những khát vọng mà công trình hướng đến" - bà Anh nói.
Anh Trần Bảo Long, một chủ studio ảnh cưới tại Nha Trang, cho hay anh từng thực hiện một số bộ ảnh cưới tại khu tưởng niệm.
"Trước hoặc sau khi chụp, khách thường đi bộ tại đây, xem những kỷ vật của các liệt sĩ. Đây luôn là điểm chụp ảnh cưới đẹp đối với tôi ở khu vực bán đảo Cam Ranh. Ảnh cưới tượng trưng cho một sự hạnh phúc ở tương lai, chụp ngay nơi tưởng niệm những người đã ngã xuống trong quá khứ, tôi thấy ý nghĩa và thiêng liêng lắm" - anh Long tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận