18/06/2014 05:33 GMT+7

Tri ân những đồng nghiệp đặc biệt

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Chiều 17-6, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức lễ trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ năm 2014”. Từ 47 bạn đọc đoạt giải thưởng hằng tháng, ban biên tập đã chọn được chín bạn đọc để trao giải năm nay.

30Px6w9m.jpgPhóng to
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải trao giải thưởng đến bạn đọc Tòng Thị Minh (bìa trái) - Ảnh: Quang Định

Tham dự buổi lễ là những bạn đọc thân thiết của Tuổi Trẻ. Người tham dự đã thật sự xúc động, ấn tượng khi xem những đoạn phim không được quay từ những chiếc máy chuyên nghiệp, trò chuyện giao lưu với những tác giả, những thông tín viên làm đủ nghề: tiểu thương, thợ điện, thợ sửa đồng hồ, chạy xe ôm... - những người do đặc thù công việc mà có lẽ trong đời rất ít lần cầm bút nhưng lại nặng lòng với báo chí.

Tin yêu Tuổi Trẻ vì sự mạnh dạn dấn thân

Trân trọng nhận bó hoa và giải thưởng từ ban biên tập báo Tuổi Trẻ, bạn đọc L., người cung cấp thông tin về việc học viên nhận thuốc cai nghiện ma túy methanol xong tuồn ra ngoài bán tại đường Âu Dương Lân, quận 8, TP.HCM, ngại ngùng nói: “Tui chỉ là người bình thường, thấy chuyện bậy thì báo tin cho tờ báo chứ đâu nghĩ được họp mặt, tặng thưởng như vầy”.

Ông L. chia sẻ ấn tượng nhất là cách làm việc rất chặt chẽ và chuyên nghiệp của Tuổi Trẻ. Sau khi báo đăng, nghe đâu có nhiều người đến tận tòa soạn để truy tìm người báo tin nhưng Tuổi Trẻ đã đảm bảo bí mật. “Khi phát hiện sự việc, tui biết là đụng vô sẽ phiền phức. Nhưng cũng vì tin tưởng ở sự mạnh dạn và dấn thân của Tuổi Trẻ mà cả tôi và mẹ tôi đều sẵn lòng hợp tác với báo” - bạn đọc L. cho biết.

Còn cô giáo Tòng Thị Minh, tác giả của video clip “Chui vào túi nilông để qua suối”, bộc bạch: “Cái clip đó tôi quay đã khá lâu rồi. Lúc quay chỉ nghĩ là để làm kỷ niệm những năm đầu khởi nghiệp ở một vùng hiểm trở. Cũng có phóng viên báo, đài khác đến tận bản tìm gặp tôi xin clip nhưng tôi chưa đồng ý. Nhưng khi gặp các anh ở báo Tuổi Trẻ, tôi đã không ngần ngại trao đoạn phim cho các anh, có lẽ là do sự gần gũi, trách nhiệm, tác phong chuyên nghiệp của những người làm báo ở Tuổi Trẻ đã cho tôi sự mạnh dạn và niềm tin”.

“Nếu ban biên tập báo Tuổi Trẻ không suy nghĩ, trăn trở để có những ý tưởng tốt thì làm sao có những phóng viên ra biển đảo, lên núi rừng? Cảm ơn ban biên tập đã đào tạo phóng viên Tuổi Trẻ trở thành những chiến sĩ, cảm ơn tất cả những chiến sĩ phóng viên dũng cảm” - bác Nguyễn Phú Cường, một bạn đọc cao tuổi gắn bó lâu năm với báo, nói. Những ngày qua, bác Cường cho biết rất quý Tuổi Trẻ vì tờ báo có những phóng viên biết dấn thân nơi đầu sóng ngọn gió ở biển Đông để bạn đọc hiểu được tình hình đất nước, để có được niềm tin sắt đá rằng đất nước vẫn còn những lớp trẻ sẵn sàng vững tay súng để bảo vệ biên cương, bờ cõi của đất nước.

Hãy tương tác nhiều hơn với cuộc sống

Không chỉ có hoa, có quà và những lời chúc tụng, nhiều bạn đọc đến với lễ trao giải đã chân tình vạch ra những cái dở, những mặt chưa làm được của Tuổi Trẻ. Bạn đọc Đỗ Quang Đán phân tích: “Nếu cứ bám vào hội nghị hội thảo thì báo nào cũng có thể viết như báo nào. Hãy để cho những nông dân, những doanh nghiệp nói lên tiếng nói của họ trên mặt báo. Quan chức, chuyên gia nói ít thôi, thay vào đó báo Tuổi Trẻ hãy tương tác nhiều hơn với cuộc sống”. Ông Đán đặt hàng: Tuổi Trẻ hãy cứ len lỏi vào cuộc sống, lắng nghe nông dân, ngư dân, đi vào nỗi lòng của những người trồng cao su, trồng cà phê sẽ có những bài báo rất lay động.

“Tôi từng là nhân vật trong bài viết của Tuổi Trẻ, có nhiều câu trong bài tôi thấy còn cao siêu quá, không phải ngôn ngữ của mình. Các phóng viên hãy sử dụng ngôn ngữ của cuộc sống để người đọc cảm nhận được chân thực hơi thở cuộc sống trong từng bài viết. Bởi vì báo không chỉ viết cho những người thuộc tầng lớp cao mà còn hướng tới những người lao động nghèo khổ” - bạn đọc Phạm Văn Thanh góp ý. Bạn đọc Duy Thị Lan Hương khẳng định: “Sự vinh danh lớn nhất với bạn đọc là sự giữ vững phong độ, giữ vững chất lượng của tờ báo. Chúng tôi mong Tuổi Trẻ hãy tiếp tục có những bài viết khơi gợi sự tự hào dân tộc trong nhân dân để tạo thành sự tự tin cho người Việt Nam”.

Trân trọng lắng nghe tất cả lời động viên cũng như những góp ý phê bình của bạn đọc, ông Phạm Đức Hải, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nói: “Chúng tôi tự nhận Tuổi Trẻ, vẫn còn những trang báo chưa hay. Bạn đọc còn chê tờ báo là chúng tôi nhận thấy phải nỗ lực nhiều hơn nữa để trang báo hay hơn, hoàn thiện hơn từng ngày”. Ông Hải khẳng định phương châm của Tuổi Trẻ là giữ được sự chính xác, tính chiến đấu và làm sao cho tờ báo có tính dự báo. Ông Hải cũng mong muốn trong thời gian tới nhận được nhiều hơn nữa sự tin yêu, cộng tác của bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước. “Trong hơn 800 cơ quan báo chí trong cả nước, hàng chục đài phát thanh, truyền hình, các cô bác đã chọn Tuổi Trẻ để gửi gắm thông tin - cũng là gửi gắm niềm tin. Niềm tin của bạn đọc cho chúng tôi động lực” - tổng biên tập Phạm Đức Hải bày tỏ.

9 bạn đọc nhận giải thưởng năm 2014

1. Ông Mai Văn Huyên báo tin về vụ (TP.HCM) vào tháng 8-2013.

2. Một bạn đọc cung cấp thông tin cho bài viết trên Tuổi Trẻ ngày 17-12-2013, đồng thời hỗ trợ PV Tuổi Trẻ quay clip về việc hành hạ trẻ em này.

3. Một bạn đọc cung cấp thông tin cho bài viết ra ngoài trên Tuổi Trẻ ngày 17-2-2014.

4. Cô giáo Tòng Thị Minh (Điện Biên) tác giả của clip “” trên Tuổi Trẻ 17-3-2014.

5. Bạn đọc Huỳnh Trần Bảo Duy (TP.HCM), tác giả phóng sự ảnh về vụ , đăng trên Tuổi Trẻ ngày 10-9-2013.

6. Bạn đọc Phạm Thị Phương Thanh (Đồng Nai), tác giả clip “” gây rúng động dư luận những ngày cuối năm 2013.

7. Bạn đọc Phạm Quang Nhật, một chuyên gia đang công tác tại Lào, đã chứng kiến cảnh máy bay rơi tại Lào ngày 16-10-2013 và gửi về Tuổi Trẻ hai bài viết kèm những hình ảnh trực tiếp từ hiện trường.

8. Bạn đọc Duy Thị Lan Hương (TP.HCM) với tác phẩm ” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 7).

9. Ông , gửi nhiều tấm hình về hiện trường vụ cháy tàu cánh ngầm xảy ra tháng 1-2014 trên sông Sài Gòn (TP.HCM).

ĐỖ QUYÊN

Chuyện của người thuyền trưởng cứu ngư dân

Tại lễ trao giải, bạn đọc đã được giao lưu với ông Nguyễn Đình Sinh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90508. Ông Sinh là người chứng kiến vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Hoa và cứu được .

Ông Sinh kể lại: “Lúc thấy hai chiếc tàu Trung Quốc chạy tới, chúng tôi nổ máy chạy tránh. Nó chạy theo. Tôi lựa thế tăng tốc rồi đột ngột hạ tốc độ lùi lại phía sau. Chiếc tàu Trung Quốc sẵn trớn đâm luôn vào tàu cá ĐNa 90152 làm chiếc tàu này chìm xuống. Người ở trên tàu Trung Quốc ác quá, họ thấy ngư dân mình chìm đó mà không cứu vớt, lại còn quay phim, chụp ảnh nữa. Lúc đó tui không còn sợ gì nữa, dấn lên cứu lấy anh em”. Nói đến đây ông Sinh ứa nước mắt.

M.H.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên