Thông tư đã được ký, bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2013, nên bây giờ không còn là lúc bàn xem nên hay không nên thu phí sử dụng đường bộ, mà chuyện cần bàn là xem Nhà nước thu như thế nào, đặc biệt đối với xe máy.
Với hơn 30 triệu chủ phương tiện dân dã này, việc tổ chức thu phí trở thành một vấn đề rất lớn. Nếu tính toán không kỹ, tổ chức bộ máy hành chính để thu phí cồng kềnh, chi phí tổ chức thu phí trở nên tốn kém, không tương xứng với số tiền thu về cho ngân sách nhà nước.
Để hành thu, Bộ Tài chính chủ trương sử dụng toàn bộ lực lượng từ tự quản thôn xóm, tổ dân phố tới chính quyền xã phường. Một cuộc tự kê khai trên phạm vi toàn quốc sẽ được tổ chức, chính quyền địa phương trở thành một hệ thống tựa như đại lý nhận ủy quyền thu phí. Theo quy định, chi phí cho bộ máy này có thể chiếm tới 20% mức phí thu được.
Chưa hết, để tăng chế tài nhằm hạn chế thất thu do người dân không tự giác kê khai, nộp phí hoặc vì những lý do khó khăn khách quan khác, rất có thể lực lượng cảnh sát giao thông lại có thêm quyền kiểm tra biên lai thu phí sử dụng đường bộ. Như vậy, từ một khoản phí về bản chất là không quá cao có thể trở thành những nỗi phiền toái cho từng người dân khi họ không kịp kê khai và nộp phí đúng hạn. Từ một nguồn thu được dự kiến góp thêm cho ngân sách, phí sử dụng đường bộ có thể tạo thêm nguy cơ cho nhũng nhiễu cản trở cuộc mưu sinh của người dân.
Có lẽ đã tới lúc chính quyền cần tri ân người nộp thuế bằng một chế độ thuế và lệ phí đơn giản, minh bạch, thuận tiện cho việc thu nộp! Phí đường bộ, nếu thu gộp cùng giá xăng dầu như từng làm, có thể là một giải pháp công bằng và tiện lợi hơn. Vì những lẽ ấy, chính sách, nhất là chính sách thu thuế và lệ phí áp dụng cho phần lớn dân chúng, càng cần được thảo luận rộng rãi để thiết kế cẩn trọng. Không vì bức bách bởi sức ép tăng nguồn thu mà biện luận cho các quyết định vội vàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận