20/10/2015 06:00 GMT+7

Trét son lên mặt trò, quan trọng nhất là xin lỗi trò

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - "Sau hành động gây tổn thương tinh thần cho trẻ, việc người lớn cần làm nhất không chỉ là xin lỗi phụ huynh hay kỷ luật cô giáo, mà chính là xin lỗi học trò".

Ở lớp, thầy cô là tấm gương của học trò

Đó là những dòng viết trên mạng xã hội, sau sự kiện cô giáo ở một trường quốc tế phạt trò nam không ngủ trưa bằng cách trét son lên mặt cho trò khác "lêu lêu". 

"Những em bị bôi son lên mặt tổn thương bao nhiêu thì ngay cả những em làm khán giả cảnh ấy cũng tổn thương bấy nhiêu. Những đứa trẻ bị đặt vào tình thế lêu lêu bạn của nó là bị nhào nặn tính ác, em nào thương cảm thì làm quen với bất lực. Con bò nó cho mình thực phẩm để ăn, mình còn biết ơn nó. Huống gì học trò cho nhà giáo một phần trường học để làm thầy. Sao có thể chửi cả học trò lẫn con bò?".

Bạn đọc đặt vấn đề và đề nghị nhà trường cần giải tỏa cảm xúc đó cho trẻ, chứ không chỉ kỷ luật cô giáo bạo hành và xin lỗi cha mẹ chúng.

"Vì người lớn có thể tự vệ, trẻ em thì không. Và trẻ em mới là nạn nhân chính của những vụ bạo hành này. Cô giáo, cô hiệu trưởng cần đi vào lớp của chúng, đứng ở đó và làm việc cần làm, với trẻ con, nếu còn muốn nói người học là trung tâm giáo dục", tác giả bài viết trên facebook nêu.

Hiếm khi thấy giáo viên xin lỗi học sinh

“Mẹ ơi, sao con sai thì cô bắt con khoanh tay xin lỗi nhưng cô phạt con sai thì cô không xin lỗi con? Tôi đành phải nói với bé là chắc cô có nói mà con không nghe”, một vị phụ huynh đã chia sẻ với TTO.

Bạn Trương Gia Linh, sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP. HCM cho biết mình ít thấy giáo viên xin lỗi học sinh vì thường mọi người cho rằng khoảng cách địa vị giữa học sinh và giáo viên là quá lớn.

“Chưa bao giờ mình thấy có giáo viên nào đi xin lỗi học sinh mà thường đổ lỗi cho học sinh nhiều hơn. Giáo viên của mình có lần dạy sai kiến thức, sau đó lại cho làm kiểm tra đúng phần kiến thức bị dạy sai đó nên cả lớp làm bài không được. Lớp mình có kiến nghị thì giáo viên lại đổ thừa do lớp nghe sai, nghe nhầm”, Linh kể.

Gia Linh cũng cho rằng nếu giáo viên là người có lỗi thì việc xin lỗi là rất cần thiết bởi vì nó thể hiện phép lịch sự, văn minh của người giáo viên.

Chị Võ Thị Phương Quỳnh (TP. HCM) nêu quan điểm cá nhân rằng trong xã hội Việt Nam hiện nay, người ở vị thế cao hơn như giáo viên thường đòi hỏi sự tôn trọng của người khác nhưng lại ít khi tôn trọng người có vai vế nhỏ hơn.

“Giáo viên cũng có khi sai, vậy nên việc xin lỗi học sinh là bình thường. Tuy vậy tôi thấy việc giáo viên xin lỗi học sinh không phổ biến. Nếu ngại nói trước cả lớp thì có thể xin lỗi riêng. Nếu giáo viên sai mà lại xin lỗi học sinh thì học sinh sẽ tôn trọng người giáo viên đó hơn chứ”, chị Quỳnh thẳng thắn.

Bạn Đăng Khoa (lớp 10 trường THPT Võ Thị Sáu) nói bản thân chưa bao giờ gặp trường hợp giáo viên xin lỗi học sinh, nhưng nếu người giáo viên làm thế thì bản thân Khoa sẽ rất ngưỡng mộ.

Giáo viên xin lỗi làm gương cho học sinh noi theo

Cô Kiều Nga, giáo viên dạy Văn trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) kể cô đã từng xin lỗi khi phạt sai hay cập nhật thông tin mới không nhanh nhạy như học trò.

“Giáo viên xin lỗi học trò - khi giáo viên có sai sót - là điều nên làm. Khi nhận được lời xin lỗi từ thầy cô của mình, học trò sẽ cảm thấy được tôn trọng và cảm nhận rằng người thầy, người cô này trung thực. Từ đó, học trò sẽ quý và phục mình hơn chứ không có kiểu đánh giá thấp thầy cô vì thầy cô nhận lỗi”, cô Kiều Nga chia sẻ.

Cô Lệ Hằng, giáo viên trường cấp 2 ở Long An cho biết mình không đồng tình với suy nghĩ thầy cô xin lỗi sẽ làm học trò “lờn mặt”.

“Ai cũng có lúc sai sót, nếu sai mà không nhận thì đôi khi sẽ ảnh hưởng đến học trò. Như vậy là ích kỷ”, cô Hằng nói.

Cô Kiều Nga cho biết mình từng ra đề nghị luận xã hội là “giá trị của lời cảm ơn và xin lỗi”, từ đó phân tích cho học trò thấy ngay cả những nguyên thủ quốc gia - khi làm sai - họ vẫn thẳng thắn xin lỗi người dân và không ai luôn luôn đúng 100% cả.

“Không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng nghiệp của tôi cũng sẵn sàng xin lỗi học trò khi họ có sai sót. Thầy xin lỗi rồi cả thầy và trò cùng cùng xòa vui vẻ, thân thiện”, cô Kiều Nga kể.

Một giảng viên khoa Đông Phương, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng việc giáo viên xin lỗi là một tấm gương để học sinh noi theo.

"Mình phải tạo ra một môi trường khi mà lời xin lỗi được coi trọng thì sau này khi học sinh, sinh viên sai thì mới biết xin lỗi”, giảng viên này cho hay.

Trong khi đó, một người thầy kỳ cựu với hơn 20 năm trong nghề đánh giá rằng với những thầy cô lớn tuổi, nhiều trải nghiệm, họ quan niệm xin lỗi học trò là chuyện rất bình thường nhưng “với những giáo viên trẻ, đôi khi cái tôi của họ còn lớn nên lại ngại nói xin lỗi khi làm sai”, giáo viên này chia sẻ.

Theo cô Hằng, nếu thầy cô sai mà cứ chống chế, không nhận lỗi của mình thì đôi khi lại khiến học trò không còn tôn trọng giáo viên nữa.

“Thay vào đó, mình nên nhận sai sót. Cách nhận sai uyển chuyển, pha trò một chút thì hai bên sẽ cảm thấy được tôn trọng. Khi thầy cô nhận lỗi, học trò cũng sẽ học được một bài học: Dù bạn là ai, có lỗi thì bạn phải nhận”, cô Hằng nói thêm.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam nhận định thầy cô giáo luôn mong muốn chứng tỏ sự hoàn thiện của mình và chính điều này đôi khi lại tạo nên sức ép tâm lý cho họ. Giá trị tích cực là thầy cô sẽ luôn cố gắng chuẩn mực nhưng cũng chính điều này làm họ dễ chủ quan trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, tâm lý người Việt thường nghĩ rằng việc dạy cách nói cảm ơn - xin lỗi thường chỉ áp dụng với người trẻ mà quên mất rằng người lớn cũng cần tập nói lời xin lỗi - cảm ơn.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, việc thầy cô nói lời xin lỗi học trò khi thầy cô sai sót có tác dụng rất đặc biệt về mặt tâm lý. Đó là sự xoa dịu và giúp các em hiểu rằng trong cuộc sống không ai là hoàn thiện.

“Khi thầy cô xin lỗi, học trò sẽ học được một bài học là: dù sau này mình có trở thành ai thì cũng phải luôn tôn trọng người khác và nói lời xin lỗi khi cần thiết. Sự cầu thị, nhận ra mình có lỗi và nói lời xin lỗi người khác là một thái độ sống có văn hóa”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn kết luận.

Đào tạo thế hệ biết chịu trách nhiệm hành vi của mình

PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Hướng nghiệp và Nghiên cứu ứng dụng tâm lý - ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng dù người mắc lỗi có ở vai trò nào, có quyền hành gì thì cũng phải xin lỗi.

Theo bà, nếu lỗi thuộc về người giáo viên nhưng họ lại không xin lỗi thì học sinh sẽ cảm thấy ấm ức và không còn tôn trọng. Bà Minh cho rằng đây là một vấn đề đáng quan ngại trong nền giáo dục hiện nay, cho thấy cách hành xử của giáo viên chưa ổn.

“Muốn dạy con trẻ biết cách nhận lỗi thì trước hết người giáo viên phải làm gương. Để đào tạo một thế hệ tương lai biết chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, không tìm cách che giấu tội lỗi thì người lớn phải biết giáo dục trẻ con trước hết bằng cách tự nhận lỗi khi mình mắc lỗi”, bà Minh nêu ý kiến. 

 Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài

>> Chị Võ Thị Phương Quỳnh

>> Bạn Trương Gia Linh

>> PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

 

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục