08/11/2021 10:01 GMT+7

'Trèo cao' để được nhìn ngắm thế giới

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Trong căn nhà Đại đoàn kết của hai mẹ con Ngọc Giàu ở Tây Ninh những ngày này đầy ắp niềm vui từ kết quả thi đại học của cô con gái nhỏ. Sự học là hành trình dài phía trước, và Giàu đã bước được những bước đầu tiên.

Video: BÌNH MINH - H.VY - VIỆT KHOA - MỸ TUYỀN

"Mình từng đọc được trong một quyển sách rằng ‘Tôi trèo cao không phải để được thế giới nhìn ngắm mà là để nhìn ngắm thế giới’. Câu nói đó đã trở thành triết lý sống của mình suốt nhiều năm qua" - Lê Nguyễn Ngọc Giàu, cô tân sinh viên ngành ngữ văn Trung Quốc (ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), trải lòng.

Mình nhận ra có nhiều cơ hội để phát triển nếu mình biết nhìn ra cơ hội thay vì cứ mãi lo lắng về thất bại.

Lê Nguyễn Ngọc Giàu

"Con gái thì cần gì phải học?"

Khi Ngọc Giàu được 2 tháng tuổi, cha cô bỏ đi. Người mẹ bị khuyết tật ở chân từ năm lên 4 tuổi, giờ ôm đứa con trong vô vọng. Lúc đó, nghe tin ở viện mồ côi có một đứa trẻ được nuôi nấng, lo ăn uống đầy đủ, rồi vừa được đi nước ngoài, người mẹ muốn con mình cũng có cuộc sống tốt đành mang con gửi vào đó.

"Ngày đầu tiên ở trại mồ côi, mẹ thấy mình bị mấy đứa lớn hơn ăn hiếp rồi cũng không hòa nhập được. Mẹ xót, ôm mình về. Mẹ nói dù sao cũng sẽ cố gắng lo cho mình bằng mọi giá vì đó là con của mẹ, gửi mình đi mẹ không đành lòng", Giàu kể lại câu chuyện cô được nghe từ mẹ.

Năm Giàu vào lớp 1, hai mẹ con vẫn còn sống chung với bà ngoại. Chỉ những người con trai trong nhà được đi học, còn con gái thì không.

"Ngoại nói cho mình ở nhà lo gia đình, phụ mẹ, chứ con gái mà học làm gì, học để làm ông làm cha chắc? Nhưng bản thân mẹ từng cố gắng học may, kiếm tiền từ nghề may rồi còn dạy lại cho học trò. Mẹ không được học hành đầy đủ, thiệt thòi rất nhiều nên quyết tâm bằng bất cứ giá nào cũng phải cho mình đi học", cô nói.

Từ miếng đất được bà ngoại chia, người mẹ bán lấy tiền, dành dụm mua được một căn nhà, cho Giàu đi học. Thời gian trôi đi, thấm thoát cô bé lên lớp 6. Lúc này gia đình thiếu nợ lớn, căn nhà của Giàu cũng bị xiết nợ. Hai mẹ con ôm đồ đi ở ké nhà người khác, rồi được một quán cơm chay nhận làm việc cho ở nhờ.

"Giai đoạn đó mình và mẹ cùng làm việc, chỉ sống qua ngày, mong có cơm ăn. Mình chạy xe đạp đi học, trưa về phụ bán, có khi vừa ăn vừa phụ chạy bàn, còn mẹ xắt rau củ nấu. Hai mẹ con không có tiền công, mà lúc đó cũng chỉ mong có chỗ ăn chỗ ở, không mong cầu gì hơn", Ngọc Giàu kể.

Làm được hai tháng, người mẹ quyết định về ngoại, xin được ở tại miếng đất dùng để chôn cất của gia tộc. Một nhóm từ thiện đến cất căn nhà tạm trên mảnh đất đó. Căn nhà được xây xong chỉ trong hai tiếng, có mái tôn, cửa bằng cây gỗ, hai bên vách làm bằng vách bồ và lá cây, cũng chưa có nền nhà hay điện đóm. 

Giàu và mẹ xin được cái giường từ nhà ngoại để nằm ngủ. Buổi tối họ đi kiếm lá dừa, củi, cây xung quanh để đốt lửa. Những ngày trời mưa, sình lầy chảy tràn vào nhà. Người mẹ thức suốt đêm để thắp lửa, canh cho con ngủ.

Ở được bốn năm, hai mẹ con Ngọc Giàu may mắn được tặng một căn nhà Đại đoàn kết. Do khuyết tật ở chân từ bé, mẹ Giàu gặp nhiều hạn chế trong quá trình tìm việc làm. Bà nỗ lực chạy chiếc xe ba bánh đi bỏ mối dầu phộng cho các quán ăn, mỗi tháng kiếm từ 2-4 triệu đồng.

Cố gắng lên chút nữa!

Trèo cao để được nhìn ngắm thế giới - Ảnh 3.

Lê Nguyễn Ngọc Giàu bên mẹ, bà Nguyễn Thị Kim Sang - Ảnh do nhân vật cung cấp

"Đối với mình, mẹ là người rất kiên cường, dù hoàn cảnh thế nào mẹ cũng cố gắng vượt qua. Mẹ chính là động lực, là minh chứng sống cho mình về sự nỗ lực", Ngọc Giàu nói. Giàu cũng học tấm gương từ mẹ. Trong cuộc sống, mọi việc cô đều dốc hết sức để thực hiện. 12 năm, Giàu là học sinh giỏi, bất chấp những khó khăn bủa vây. 

Những ngày ôn thi đại học, 7h sáng Giàu ngồi vào bàn bắt đầu học. Mỗi khi giải xong một bài luyện thi, cô dặn mình "cố gắng thêm chút nữa". Cứ thế, khi kim đồng hồ chỉ quá nửa đêm, Giàu mới chịu đi ngủ.

"Mỗi lần nói với bản thân câu đó, mình cứ làm thêm một chút nữa mà không biết mệt", cô tân sinh viên cười.

Năm nay Ngọc Giàu thi vào ngành ngôn ngữ Trung Quốc, bởi cô muốn viết tiếp ước mơ mà mẹ đã bỏ dở. Hè năm lớp 9, Giàu tình cờ tìm thấy vở ghi chép và những quyển sách cũ của mẹ.

"Mình thấy mẹ cố gắng học tiếng Trung nhưng không thành công vì thiếu điều kiện. Mình bắt đầu tự tìm hiểu tiếng Trung, tự học viết, phát âm, từ vựng, nghe nhạc...", cô kể. Thấm thoát 4 năm trôi qua, Giàu quyết định chọn thi đại học khối D4. Cô tự ôn thi bằng cách in đề những năm trước, giải rồi sửa theo đáp án, tra từ vựng, tham gia các nhóm luyện thi khối D4. Ngoài ra, cô còn tìm các bài thi thử miễn phí để ôn luyện.

Ngọc Giàu yêu thích thể thao nên cô chơi mọi trò từ bóng chuyền, đá banh đến đá cầu. Trong đó, bóng chuyền trở thành một trong những đam mê của Giàu, là động lực để cô nâng đỡ tinh thần sau những giờ học căng thẳng. Năm lớp 11 và 12, Giàu cùng bạn mang dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, lần lượt đoạt giải ba và sau đó là giải nhất.

Mùa dịch, giá dầu phộng tăng cao, kinh tế khó khăn, số tiền mà mẹ Giàu kiếm được chỉ còn khoảng 1-2 triệu, có khi không có. Hai mẹ con sống nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương qua các chính sách dành cho hộ khó khăn. Giữa ngần ấy gian truân, họ cứ chắt chiu từng hạnh phúc nhỏ của đời thường. Mẹ là người dạy Giàu mọi thứ từ nhỏ đến lớn. Giàu nói cô thường ôm mẹ từ phía sau mỗi khi được mẹ chở đi trên đường. Buổi tối, cô kể cho mẹ nghe về những gì mình học được trong ngày.

Ngoài thời gian học, Ngọc Giàu cũng thường đọc sách. Sách đưa cô đến những chân trời mới, gieo vào tâm trí Giàu ước mơ một ngày nào đó, chính cô cũng được đặt chân đến những nơi này. Câu nói mà Giàu nhặt nhạnh từ sách, biến thành triết lý sống của bản thân, cũng chính là câu trả lời của Giàu cho câu hỏi: "Con gái thì cần gì phải học?".

"Thế giới rộng lớn, còn mình thì quá nhỏ bé. Một ngày nào đó mình sẽ tự trải nghiệm những nơi được nhắc đến trong sách. Mình sẽ học để tìm được một công việc tốt lo cho kinh tế gia đình, cho mẹ mình", cô nói.

Lo cho bản thân và xã hội

Bà Nguyễn Thị Kim Sang, mẹ của Ngọc Giàu, cho biết bản thân không được tiếp cận giáo dục nên thiệt thòi rất nhiều. Vì vậy, bà luôn khích lệ con nỗ lực học để có tri thức, sau này tự lo được cho bản thân và còn có thể giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Lớn lên từ một môi trường không tạo điều kiện để con gái được học, bà Sang ấn tượng với những người phụ nữ giữ vai trò chủ tịch hội, nhóm ở tỉnh Tây Ninh.

"Có lần một cô từng khuyên tôi con trai học được thì con gái cũng học được, nam nữ bình đẳng. Vậy nên tôi ráng noi gương họ, phải cho con biết chữ, phải vươn lên", bà Sang nói.

Từ ngày người cha bỏ đi, Giàu không còn giữ liên lạc. Năm Giàu lên lớp 1, có thời gian cha đưa cô đi học. "Bữa đó tôi có việc nhờ cha cháu đón, nhưng nhìn thái độ ông ấy không khích lệ tinh thần cho con đi học, từ đó về sau tôi cũng không nhờ cậy gì thêm", mẹ Ngọc Giàu kể.

"Tôi khuyết tật, phải chống gậy nhưng cũng ráng nấu cơm, làm việc, lên xe ba bánh chạy đi bỏ dầu. Nay sức khỏe kém nhiều phần, nhưng tôi mong mình khỏe để thấy ngày con gái được thành tài", bà chia sẻ.

Trèo cao để được nhìn ngắm thế giới - Ảnh 5.
Trèo cao để được nhìn ngắm thế giới - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đậu đại học mừng 1, lo cho sức mẹ 10 Đậu đại học mừng 1, lo cho sức mẹ 10

TTO - Đậu vào ngành y đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Thảo Quỳnh (quận 8, TP.HCM), học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, vui mừng chưa "tày gang" thì lại băn khoăn cho quãng đường đại học sắp tới.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên