18/02/2017 18:12 GMT+7

Trên những con tàu săn ngầm

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Lữ đoàn tàu tuần tiễu săn ngầm 171 là lực lượng chủ lực của Quân chủng Hải quân chuyên làm nhiệm vụ săn tìm và diệt tàu ngầm. Đây là một trong hai đơn vị tàu chiến đầu tiên của Hải quân Việt Nam.

Tàu săn ngầm của Lữ đoàn 171 bắn bom phản lực trong một lần huấn luyện - Ảnh: Nguyễn Xuân Lai
Tàu săn ngầm của Lữ đoàn 171 bắn bom phản lực trong một lần huấn luyện - Ảnh: Nguyễn Xuân Lai

8h sáng ở căn cứ Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 (Vùng 2 hải quân). Hai hồi chuông vang lên. ​Đó là tín hiệu chuông báo động chuẩn bị chiến đấu, chuẩn bị đi biển khi các nguồn thông tin báo về cho biết nghi ngờ có mục tiêu dưới nước ở tọa độ X.

Theo lệnh của quyền thuyền trưởng - thiếu tá Nguyễn Văn Phú, tàu rời bến, hành trình đi theo luồng tiến ra biển.

Lữ đoàn tàu tuần tiễu săn ngầm 171 là lực lượng chủ lực của Quân chủng Hải quân chuyên làm nhiệm vụ săn tìm và diệt tàu ngầm. Đây là một trong hai đơn vị tàu chiến đầu tiên của Hải quân Việt Nam.

Tiêu diệt tàu địch

Toàn bộ radar thu nhận tín hiệu về mục tiêu ngầm đã được bật sẵn ở chế độ tự động. Trên không có radar quan sát bầu trời. Dưới biển đã có hệ thống sonar săn tìm tàu ngầm.

Sonar và radar đều truyền chỉ thị mục tiêu trên không, mặt biển, dưới nước về màn hình. Riêng với sonar, các tín hiệu thu được không chỉ hiển thị trên màn hình mà còn dội về qua tai nghe.

Ở khoảng cách hơn 10 hải lý so với tọa độ X, màn hình sonar (phao thủy âm) hiện lên những vệt đốm lẫn do nhiễu gây ra, cho biết đang có tín hiệu ngầm.

Các trắc thủ sonar căng lên: mắt tập trung vào màn hình, tai phân tích những tín hiệu âm thanh dội về qua tai nghe. Họ bám sát mục tiêu và liên tục báo cáo quyền thuyền trưởng để chỉ huy đưa ra các chỉ thị.

Ở vị trí khác, các trắc thủ radar cũng đang căng mắt quan sát những chấm nhỏ hiển thị trên màn hình.

Tùy vào đốm sáng to hay nhỏ, vận tốc chuyển động, cự ly của tín hiệu và âm thanh dội về mà các trắc thủ radar xác định tín hiệu đó là tàu ngầm hay thủy lôi hay các đối tượng khác.

Thiếu tá Nguyễn Văn Phú hô khẩu lệnh: “Tiếp tục bám sát mục tiêu! Toàn tàu tiến hành sử dụng vũ khí tiêu diệt tàu ngầm”.

Bộ phận bom phản lực ngay lập tức ấn nút phóng vũ khí tiêu diệt tàu ngầm. Chỉ vài giây sau, tín hiệu mục tiêu trên màn hình và tín hiệu âm thanh của mục tiêu cùng lúc biến mất. Tàu ngầm địch đã bị tiêu diệt thành công.

Đó là một tình huống luyện tập của cán bộ chiến sĩ tàu săn ngầm ở Lữ đoàn 171.

Cặp bài trùng “ngầm - săn ngầm”

“Huấn luyện săn ngầm là một trong những nội dung huấn luyện phức tạp, khó khăn nhất do tàu ngầm ở dưới nước, là mục tiêu rất khó phát hiện” - đại úy Hồ Mạnh Truyền, chính trị viên phó tàu săn ngầm 13, cho biết.

Trên tàu săn ngầm, ngành radar - sonar là ngành quan trọng nhất, có nhiệm vụ phân tích phát hiện tàu ngầm để chỉ thị mục tiêu cho ngành vũ khí chống ngầm tiêu diệt.

Đại úy Hồ Mạnh Truyền cho biết để phân biệt được đâu là tín hiệu của tàu ngầm và các mục tiêu di động khác, người trắc thủ radar - sonar phải có kiến thức vững, tư duy tốt, kinh nghiệm, độ tinh nhạy để phân tích các tín hiệu nhận được qua tai nghe và màn hình.

Chiến sĩ tàu săn ngầm Lữ đoàn 171 bắn súng huấn luyện trên biển - Ảnh: Nguyễn Xuân Lai
Chiến sĩ tàu săn ngầm Lữ đoàn 171 bắn súng huấn luyện trên biển - Ảnh: Nguyễn Xuân Lai

Thượng tá Vũ Duy Lưu, phó chính ủy Lữ đoàn 171, khẳng định: “Phát hiện mục tiêu địch trên mặt nước đã khó, phát hiện trong lòng biển càng khó hơn.

Tàu ngầm nằm trong nước, tính bí mật rất cao. Ngay cả những cường quốc hàng đầu về vũ khí quân sự như Nga, Mỹ cũng không ngừng nghiên cứu kỹ thuật phát hiện tàu ngầm.

Tất cả phụ thuộc vào phương tiện máy móc trang thiết bị, trình độ, khả năng làm chủ phương tiện của con người và sự phối hợp ăn ý của nhóm tác chiến”. Điều thú vị nhất của tàu săn ngầm - theo ông, là tìm mục tiêu trong bóng tối.

“Mình ở ngoài ánh sáng, còn tàu ngầm trong bóng tối. Người trong tối sẽ phát hiện người ngoài sáng trước. Vì vậy cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ này rất nguy hiểm nên phải có bản lĩnh, tinh thần thép” - ông nói.

Thượng tá Vũ Duy Lưu kể: “Tư lệnh hải quân Nguyễn Văn Hiến khi về thăm lữ đoàn đã từng nói: Thời xưa tôi ao ước trở thành thuyền trưởng của tàu 159 (hệ tàu tuần tiễu săn ngầm).

Ở thời điểm đó, đây là tàu chiến lớn và hiện đại nhất của hải quân, đặc biệt giai đoạn 1984-1985.

Cán bộ chỉ huy qua tàu chiến này đều trưởng thành và phát triển vì lữ đoàn tàu săn ngầm này được coi là môi trường rèn tác phong chỉ huy, tác phong quản lý, lãnh đạo và tác phong điều hành tổ chức thực hiện triển khai chiến đấu”.

Nhiều thế hệ cán bộ ở lữ đoàn tàu chiến đấu này có người sau này đã trở thành tư lệnh, phó tư lệnh, phó chính ủy của Quân chủng Hải quân, phó cục trưởng tác chiến Bộ Quốc phòng.

Các tàu săn ngầm hiện nay của Lữ đoàn 171 hải quân thuộc hệ tàu 159 của Nga. Phó chính ủy Vũ Duy Lưu cho biết khi tác chiến, đây là lực lượng tàu kết hợp với một số tàu chiến khác làm nhiệm vụ mở đường.

Trong tác chiến chống ngầm, tàu ngầm là lực lượng rất nguy hiểm cho các tàu khác. Nó phát hiện, tấn công và tiêu diệt các tàu chiến đấu lớn của đối phương.

Tàu ngầm đi trong nước, dưới biển nên rất khó phát hiện. Các tàu khác không có chức năng chống ngầm, phát hiện tàu ngầm nên bị động.

Cho nên lực lượng tàu săn ngầm vừa có tác dụng răn đe vừa phát hiện vừa chiến đấu tiêu diệt tàu ngầm.

Trong tác chiến, tàu săn ngầm còn hỗ trợ, hộ tống các đoàn tàu vận tải chi viện cho lực lượng. Tàu săn ngầm còn có nhiệm vụ rất đặc biệt: hộ tống, bảo vệ và dẫn dắt tàu ngầm ra vào căn cứ để triển khai chiến thuật. Thế nên, tàu ngầm và tàu săn ngầm được ví như cặp bài trùng.

Rèn sóng luyện gió

Thượng tá Vũ Duy Lưu cho biết muốn thực hiện tốt nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ tàu săn ngầm phải rèn luyện khả năng, bản lĩnh chịu đựng sóng gió.

Cường độ huấn luyện bất kể ngày đêm, trong thời tiết phức tạp. Có thời điểm bộ đội đi biển huấn luyện với quãng đường đi - về lên đến hàng ngàn hải lý.

Hằng năm, cán bộ chiến sĩ tàu săn ngầm đều phải trải qua các đợt kiểm tra khả năng chịu sóng gió.

Thế nên hằng ngày, lính tàu săn ngầm phải miệt mài rèn thể lực ở khu vực huấn luyện thể thao đặc chủng của lữ đoàn với hai “món” đặc trưng: cầu sóng và đu quay.

Đây là hai môn thể thao bắt buộc phải rèn luyện hằng ngày để tăng sức chịu đựng sóng, rèn luyện tiền đình và thần kinh tốt.

Kỷ luật là đặc trưng của tất cả các đơn vị trong quân đội. Nhưng với tàu săn ngầm, các cán bộ sĩ quan cho biết tính kỷ luật còn khắt khe hơn, yêu cầu cao hơn.

Theo thiếu tá Phú, với tàu săn ngầm, thuyền trưởng phải hàm từ thiếu tá trở lên, thuyền phó trẻ nhất cũng phải hàm đại úy.

Thuyền trưởng các tàu vận tải khi về đây chỉ được giữ vị trí thuyền phó, phải học qua khóa đào tạo chỉ huy tham mưu, về tiếp tục làm thuyền phó một thời gian rồi mới lên thuyền trưởng.

Chính trị viên phải qua Học viện Chính trị, lớp cử nhân công tác Đảng, công tác chính trị cấp trung đoàn - lữ đoàn.

12 vị tướng xuất thân từ lữ đoàn

Theo Hải quân Việt Nam, ngoài có nhiều chiến công, đã có 12 vị tướng xuất thân từ Lữ đoàn Anh hùng 171 này.

Đặc biệt, từ tháng 10-1975 đến tháng 6-1981, Trung đoàn trở thành Hạm đội 171, tập trung tất cả các lực lượng cơ động để bảo vệ toàn bộ tuyến biển đảo trên cả nước và tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam.

Trong chiến dịch CQ88, đây là đơn vị trực tiếp cắm cờ trên 5 đảo chìm và sau đó rút về bảo vệ khu vực nhà giàn DK1 hiện nay.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 cũng là những người đầu tiên khảo sát, xây dựng nhà giàn DK1 và các thế hệ nhà giàn sau này.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên