Tôi và bạn trai tôi (cùng là người đồng tính) sống chung, nay muốn xin con nuôi có được không? Nếu nhận được con nuôi thì có thể ghi tên hai người cha được không?
Một bạn đọc ở TP.HCM gửi câu hỏi.
Luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) trả lời về quy định ghi trên giấy khai sinh như sau:
Theo quy định tại khoản 3, điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì: "3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng".
Như vậy, một trong những điều kiện để được quyền nhận con nuôi phải là cá nhân đang độc thân hoặc cặp vợ chồng có quan hệ hôn nhân hợp pháp (đã kết hôn theo quy định pháp luật).
Mặt khác, tại khoản 2, điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì pháp luật hiện hành ở nước ta không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, mặc dù không có quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới.
Vì vậy, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính vẫn chưa phải là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Điều đó có nghĩa là cặp đôi đồng tính không thể nhận con nuôi theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, người đồng tính có thể nhận nuôi con nuôi với tư cách là cá nhân độc thân.
Người nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.
Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định về hơn con nuôi 20 tuổi trở lên và có điều kiện về sức khỏe kinh tế, chỗ ở.
Từ những quy định trên, có thể khẳng định cặp đôi đồng tính không thể nhận nuôi con nuôi và cùng đứng tên hai người cha trên giấy khai sinh. Tuy nhiên, họ vẫn có thể cùng nuôi con và giấy khai sinh đứng tên một người cha và cùng chăm sóc con như những người thân khác của người cha.
Đồng thời, pháp luật về hộ tịch hiện nay cũng không có quy định về ghi tên của hai người cha trên giấy khai sinh của người con.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận