27/09/2014 09:30 GMT+7

​Trên cả tình thân

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - Cả tuổi thơ và thời tuổi trẻ bà sống với những người không máu mủ, cuộc sống khó nghèo cứ vậy đeo đẳng.

Cũng muốn đoàn tụ với người thân nhưng giờ bà Lan chỉ biết nhìn ngắm họ qua mấy tấm hình chụp chung - Ảnh: Vũ Thủy
Cũng muốn đoàn tụ với người thân nhưng giờ bà Lan chỉ biết nhìn ngắm họ qua mấy tấm hình chụp chung - Ảnh: Vũ Thủy

Đến lúc tìm được người thân, có thể hưởng chút an nhàn tuổi già, bà vẫn ở lại với những đứa cháu đói khổ không ruột rà thân thích.

“Dì Lan đang bán cá ngoài chợ cô ơi” - cô bé tên Yến Nhi (17 tuổi) chỉ ra phía chợ khi chúng tôi hỏi thăm bà Nguyễn Thị Lan (67 tuổi, ngụ phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau).

Dì Lan là cách mà bảy anh chị em Nhi gọi bà Lan - người đã thương yêu họ bằng tình yêu vô điều kiện của người mẹ.

“Người mẹ” không huyết thống

Trời mưa, bà Lan từ chợ tất tả chạy về nhà “để trông mấy đứa cháu”. Căn nhà không số ọp ẹp, tồi tàn nằm dưới dạ cầu Gành Hào (TP Cà Mau) hầu như chẳng bao giờ khóa cửa vì chẳng có gì đáng giá.

Ngồi trong căn nhà tối om om giữa trời mưa gió, bà Lan ứa nước mắt kể về cuộc đời. Theo lời bà, bà bị một người hàng xóm bế đi biệt tích lúc còn ẵm ngửa. Người phụ nữ này đã chia ly bà với gia đình nhưng đến giờ bà vẫn không trách, không hận, vẫn một tiếng “bà ngoại”, hai tiếng “bà ngoại”.

Ánh mắt bà xa xăm khi cố nhớ lại: “Nhà bà ngoại nghèo lắm. Ông bà mất, tui theo ở với gia đình một người con của bà ngoại, gọi bằng ba, bằng má. Ba má cũng có tới chín người con, nhà chỉ làm ruộng nên cũng nghèo. Rồi ba má mất, tui lại theo vợ chồng người em gái ở tới bây giờ”.

Từ ngày dọn về ở dưới chân cầu Gành Hào cùng với người em, bà Lan không lấy chồng, ở vậy đi bán cá để phụ hai vợ chồng người em nuôi đàn cháu nheo nhóc cứ sòn sòn theo nhau ra đời trong cảnh bần hàn. Nhắc đến cháu, nước mắt bà lại thi nhau chảy vì “đứa nào cũng khổ”.

Trong căn buồng nhỏ tối đen, cô cháu gái đã hơn 20 tuổi đang nằm gần như bất động trên giường. Cô gái cũng tên Lan giống bà và cuộc đời còn thiệt thòi hơn cả bà.

Cô là con của em rể bà với một người phụ nữ khác, sinh ra đã bị liệt, bị mẹ ruột đưa đến bỏ cho vợ chồng em gái bà lúc còn đỏ hỏn. Một tay bà ẵm bồng, nuôi nấng mười mấy năm nay.

Đứa cháu đầu của bà năm nay đã hơn 30 tuổi, ai đến gặp cũng khen “cao to, đẹp trai” nhưng lại mang bệnh tâm thần từ nhỏ.

Cả nhà bao nhiêu năm nay chỉ trông chờ vào cái sạp nhỏ ngoài chợ nên cố lắm chỉ nuôi nổi một đứa vào đại học.

Hưng - tên cậu bé - là đứa may mắn nhất trong số bảy anh chị em nhưng nhắc đến nó bà vẫn không khỏi lo lắng: “Thằng bé đang học năm nhất đại học Cần Thơ, phải tự bươn chải vừa làm vừa học, cực lắm cô ạ. Không biết có theo nổi không”.

Ở nhà giờ còn có cô cháu gái Yến Nhi đang học lớp 12, bà cũng cố gắng nuôi cháu học hành để theo gương người anh lớn vào đại học.

Không may mắn như Hưng và Nhi, ba đứa cháu khác lần lượt nghỉ học khi còn ở cấp II, đi làm tại Sài Gòn. Có người đã lập gia đình nhưng cuộc sống làm thuê ở thành phố nghèo khổ, sinh con nhỏ lại gửi về nhà nhờ bà nuôi.

“Thương con thương cháu, bỏ hổng đành”

Bà Lan sáng đêm cặm cụi với sạp cá trong cái chợ nhỏ xíu ven sông. Ngày nào bà cũng thức dậy lúc gần 3g sáng theo xe đi lấy cá, rồi vừa bán vừa thỉnh thoảng chạy về nhà trông cháu, nấu cơm, giặt giũ, tắm rửa cho cháu đến tận đêm.

Yến Nhi kể rằng mấy anh em “ai cũng coi dì Lan như mẹ”.

Nhi buồn buồn bảo: “Dì con vất vả lắm, bán cá lâu ngày chân tay nứt nẻ hết trơn. Những ngày bệnh dì vẫn ráng đi bán cá mới có tiền mua gạo cho cả nhà. Con đi học, chỉ phụ được việc nhà chứ không giúp được gì. Giờ con chỉ biết ráng học để sau này đi làm lo cho dì thôi”.

Từ bận vợ chồng em gái làm ăn thua lỗ bỏ lên thành phố làm thuê, cuộc sống của bà Lan với mấy đứa cháu càng thêm khổ sở.

Đến lo cái ăn còn bữa no bữa đói phải cậy nhờ hàng xóm, trông chùa chiền cho gạo nên căn nhà rách như xơ mướp, dột tứ tung cũng không sửa nổi. Một nhóm từ thiện nghe hoàn cảnh nhà bà đã đến lợp lại tôn nên mùa mưa này cả nhà mới có chỗ khô ráo nằm ngủ.

Vừa hì hục cạo vảy cá cho khách bà vừa kể năm ngoái đã tìm được anh chị ruột đang ở Kiên Giang. Với niềm vui không giấu nổi, bà nhanh nhẹn lấy cuốn album gia đình chỉ cho tôi rất nhiều tấm hình chụp chung với những người anh em ruột thịt mà bà đã có dịp đến thăm hồi tết năm ngoái.

Cuốn album đượm mùi tanh của cá vì bà hay lôi ra lần giở những lúc buồn. Trong những bức ảnh bà Lan khoác tay anh chị cười rất tươi, gương mặt đầy hạnh phúc.

Bà kể cuộc sống của anh, chị bà cũng khá giả, yên ấm nên bà mừng lắm.

“Tui già yếu rồi, các anh chị biết cuộc sống hiện tại của tui thương không hết, muốn giữ tui ở lại nhưng thấy con cháu ở đây đói khát, khổ sở, tui đeo theo mần nuôi chúng nó chứ bỏ không đành” - những giọt nước mắt cứ chực trào ra theo mỗi lời kể.

Với bà, đàn cháu giống như con bà rứt ruột đẻ ra, ẵm bồng, chăm bón từ lúc còn đỏ hỏn.

Bà Huỳnh Thị Kim Duyên - cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau - cho biết thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, tỉnh đã xét xây nhà tình thương cho gia đình bà nhưng ngặt nỗi căn nhà mấy bà cháu đang ở cất trên đất thuộc dự án làm bờ kè nên không xây được.

Vậy là mấy bà cháu lại tiếp tục ở trong căn nhà xiêu vẹo của cái hẻm nhỏ nhớp nháp mỗi khi mưa về.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên