Có bốn tuyến đường lên núi với độ khó từ thấp đến cao lần lượt là Yoshida, Fujinomiya, Subashiri và Gotemba.
Khoảng 70% người leo núi chọn lộ trình Yoshida. Mặc dù Yoshida được mô tả là tuyến dễ đi nhất, do có nhiều trạm dừng chân, đường đi cũng ít khó khăn hơn so với 3 tuyến còn lại nhưng vẫn đòi hỏi người chinh phục phải có sức khỏe tốt, thường xuyên hoạt động thể thao hàng ngày.
Một số đoạn của tuyến đi này không có đường đi mà phải leo trèo qua các đoạn đường đá núi lửa.
Anh Hồ Văn Hùng, 43 tuổi, hướng dẫn viên du lịch tour Nhật Bản, người từng chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ 3 lần, cho biết với tuyến này, người có tốc độ trung bình sẽ mất khoảng 9,5 tiếng đi lên núi và khoảng 4,5 tiếng để xuống núi.
Những người có sức khỏe và kinh nghiệm leo núi thường sẽ đi nhanh hơn. Ba tuyến còn lại yêu cầu người leo núi bắt buộc phải có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm leo núi.
Vẻ đẹp lộng lẫy khi ánh bình minh ló dạng ở độ cao 3.776m
Anh Hùng cho biết dù từng trekking tuyến Yoshida đến 3 lần nhưng nếu có cơ hội, anh vẫn chắc chắn leo tiếp. Anh kể, sau khi được xe đưa lên Trạm 5 ở độ cao 2.305m, anh và các đồng đội ăn trưa, thuê đồ leo núi. Khoảng trưa thì bắt đầu hành trình trekking.
Lúc này các đoạn đường đi khá mát mẻ. Đoạn đầu tiên đơn giản, sau đó băng qua một cánh rừng sẽ mở ra một khung cảnh rộng lớn.
Đó cũng là tiến vào con đường đầy sỏi và đá nhỏ. Qua Trạm 6 thì không còn sự xuất hiện của cây cối, địa hình hoang vu. Con đường lên Trạm 7 ngoằn ngoèo nhưng không quá khó. Từ Trạm 7 thì đường đi nhiều đá, dốc và độ khó sẽ tăng lên.
Khoảng 18h, anh Hùng đặt chân lên Trạm 8. Đây là điểm dừng chân ăn uống, nghỉ ngơi. Đến gần nửa đêm mọi người cùng nhau dậy để tiếp tục chinh phục đoạn đường còn lại.
Khi nhìn thấy cổng Torri với hai bức tượng komainu (chó sư tử giám hộ) là đã nhìn thấy đỉnh núi. Chỉ cần bước qua cánh cổng nhỏ này là chính thức đặt chân lên độ cao 3.776m huyền thoại.
Sau khi khách chọn một chỗ ngồi thoải mái, khoảng hơn 4h sáng, những ánh sáng đầu tiên bắt đầu ló dạng. Tất cả mọi người đều yên lặng tận hưởng khoảnh khắc mặt trời từ từ nhô lên từ biển mây bên dưới.
Hành trình trên đôi chân
Anh Hùng chia sẻ: "Núi Phú Sĩ không xây dựng cáp treo nên cách duy nhất lên đỉnh núi là sử dụng chính đôi chân của mình. Cả hành trình leo núi vất vả nhưng khoảnh khắc nhìn thấy mặt trời là mình có thể quên hết. Đó là bình minh đẹp nhất mà tôi từng được chiêm ngưỡng".
Trên đỉnh núi có một nơi duy nhất bán mì. Lên đến đây ai cũng đợi để thưởng thức tô mì trong khung cảnh bao la của mẹ thiên nhiên. Sau đó dành thêm chút thời gian khám phá miệng núi lửa rồi lại bắt đầu hành trình đi xuống.
Lời khuyên nào cho du khách muốn trải nghiệm tour leo núi Phú Sĩ?
Anh Hùng cho rằng những ai muốn trải nghiệm hành trình này phải chuẩn bị thể lực tốt trước khi đi và nên đặt dịch vụ sớm để tránh giá dịch vụ tăng cao, đặc biệt là vé máy bay. Hoặc chọn một đơn vị uy tín để lo toàn bộ các dịch vụ, còn bản thân dành sức khỏe và tâm trí chuẩn bị cho việc leo núi.
Tại Việt Nam, một số công ty du lịch cũng bắt đầu triển khai sản phẩm này với hành trình 4 ngày 3 đêm, trong đó có 2 ngày 1 đêm chinh phục lộ trình Yoshida, khách cũng được ngâm nước nóng onsen trước và sau khi hành trình lên đỉnh núi Phú Sĩ.
Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản với độ cao 3.776m, thu hút hàng trăm nghìn lượt người leo núi đến. Mỗi lộ trình có những đặc điểm riêng, và thời gian leo núi cũng khác nhau. Đối với người mới bắt đầu, các công ty luôn chủ động dự phòng khoảng 10 - 20% thời gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận