(Sau khi đọc bài “Con trẻ vô tâm, vì sao?”, Tuổi Trẻ ngày 6-1)
Đó là một cậu bé cuối cấp tiểu học quen được cưng chiều. Áo quần, đồ chơi nhiều vô kể. Có những bộ áo quần chưa mặc lần nào. Có những món đồ chơi mua chẳng bao giờ đụng đến. Rồi áo quần mặc không vừa, đồ chơi không còn phù hợp với lứa tuổi.
Vậy mà, người mẹ xếp áo quần và gom đồ chơi cho một cậu bé gần nhà có gia cảnh khó khăn, lại vấp phải sự phản đối kịch liệt từ con. Khóc, ăn vạ và giữ rịt mọi thứ. Khái niệm “sẻ chia” rất xa vời với cậu bé ấy...
Đó là một cô bé được tiếng là ngoan ngoãn. Ngày hai buổi đến trường, chiều về nhà lại xoay quanh việc học và những trò giải trí của mình. Việc nhà được mẹ “bao” tất và cô bé vô tư lớn lên trong sự bao bọc của bố mẹ.
Rồi một hôm mẹ ốm. Trong cơn sốt, người mẹ vẫn phải loay hoay nấu mâm cơm chiều, pha sẵn ly nước cam mát đặt vào tủ lạnh. Vậy mà cô bé ấy vẫn vùng vằng khi mẹ quên chuẩn bị nước tắm cho mình. Chẳng hề quan tâm mẹ ốm, mẹ mệt thế nào...
Đó là một nữ sinh cấp III thích đua đòi. Nhà nghèo, mẹ quần quật suốt ngày kiếm cái ăn và lo cho hai con đến lớp. Mẹ chân lấm tay bùn, trong khi con lại chưng diện mốt này kiểu nọ. Ngày sinh nhật, con mời bạn đi ăn, đi hát hết cả triệu đồng, bằng số tiền mẹ vất vả nhiều ngày mới kiếm được. Tấm lòng bao dung của người mẹ đâu trách cứ gì con. Nhưng sao vẫn thấy ngậm ngùi mãi...
Đó là một buổi ca nhạc quyên góp từ thiện của các em khuyết tật ở một ngôi trường cấp II. Những mảnh đời không lành lặn cất lên tiếng hát say đắm lòng người và lấy đi không ít nước mắt. Các em ngồi dưới xem, yên lặng đồng cảm cũng có, mà xì xào buôn chuyện cũng có.
Bỗng bạn nhỏ khiếm thị vấp phải sợi dây micro, ngã xuống khiến nhiều người thót cả tim. Vậy mà tiếng cười, tiếng huýt gió phản cảm của một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn vang lên. Nỗi đau của những số phận bất hạnh như nhân lên, nhức nhối...
Đó là một nhóm trẻ con thường tụm ba tụm bảy đá bóng và chọc phá một chị lượm rác bị chậm phát triển trí tuệ. Trêu ghẹo, nhặt đá ném và dùng cả những lời lẽ thô tục ném về phía con người tội nghiệp ấy. Bị nhắc nhở, bọn trẻ lập tức dừng trò đùa tai quái của mình lại và tản đi mất. Nhưng hôm sau đâu lại vào đấy, lấy nỗi đau của người khác làm trò vui cho mình...
Xã hội ngày càng hiện đại, những nét đẹp trong cách ứng xử với cha mẹ, với người xung quanh vô tình bị phai mờ? Vô tâm rất gần với vô cảm. Quen sống vô tâm, dần dần con trẻ trở nên vô cảm với mọi thứ chăng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận