24/08/2010 08:23 GMT+7

Tre Việt Nam được vinh danh

BÙI LAN XUÂN PHƯỢNG thực hiện
BÙI LAN XUÂN PHƯỢNG thực hiện

TT - Khu bảo tồn sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An (gọi tắt là làng tre Phú An) - công trình nghiên cứu của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh (“Bà tiến sĩ Tây học và làng tre”, Tuổi Trẻ ngày 11-3-2008) - vừa được thông báo sẽ là một trong 25 tổ chức đoạt giải Xích đạo 2010 thuộc Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (LHQ).

EHsrvLeK.jpgPhóng to

Làng tre Phú An còn là nơi học sinh - sinh viên sinh hoạt ngoại khóa về môi trường - một trong những hình ảnh sẽ được chiếu trước LHQ - Ảnh: làng tre Phú An cung cấp

Tiến sĩ Mỹ Hạnh sẽ nhận giải thưởng này tại New York (Mỹ) trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ 2010 (cuộc họp đặc biệt về đa dạng sinh học) vào ngày 22-9. CTV Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện riêng với tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh trước ngày bà lên đường nhận giải.

* Trước hết, xin chúc mừng làng tre Phú An của bà đoạt giải thưởng Xích đạo 2010. Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là lần đầu tiên một dự án về tre Việt Nam được vinh danh trên thế giới bằng một giải thưởng quốc tế cụ thể như thế này?

- Nếu như tôi cũng nhớ không lầm thì đúng như thế!

* Con đường để tre Việt Nam đến New York như thế nào, thưa bà?

- Để có được giải thưởng ngày hôm nay, từ năm 1999 nhóm chúng tôi đã trải qua biết bao khó khăn, cùng nhau cật lực làm việc, bắt đầu từ một mảnh đất khô cằn và hai bàn tay trắng. Từ con số không, hôm nay chúng tôi đã có hơn 300 giống tre từ khắp mọi miền đất nước. Nhưng bên cạnh tấm lòng và niềm say mê, chúng tôi được đến New York là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người, đặc biệt là ba má tôi, đã hi sinh rất nhiều để tôi dành hết thì giờ làm việc.

Danh sách ân nhân (đặc biệt là chị Tôn Nữ Thị Ninh, chị Bùi Trân Phượng, anh Bùi Cách Tuyến và anh Trần Phong, Tổng cục Môi trường) dài như con đường đi “thỉnh kinh” từ làng tre Phú An đến New York.

* Bà đã làm cách nào mà LHQ biết đến làng tre Phú An để trao giải? Quá trình này có gặp khó khăn gì đặc biệt?

- Chuyện này đúng là rất đặc biệt, trước nhất là được tiến sĩ Trần Triết thông tin và tôi đã chuẩn bị hồ sơ dự thi. Vì là dự thi online nên hồ sơ phải chuẩn bị sẵn sàng trước đó cả tháng, từ văn bản đến chọn lọc hình ảnh để minh chứng. Tôi đã làm gần cả tháng mà vẫn còn thiếu hồ sơ vì gần cả trăm chi tiết phải minh chứng.

Giải thưởng Xích đạo (Prix Equateur) là giải thưởng dành cho những sáng kiến trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên để đạt được mục tiêu giảm nghèo, phát triển cộng đồng, bình đẳng giới, đặc biệt là quan tâm phát triển phụ nữ, bảo vệ môi trường, phục vụ việc phát triển bền vững.

Làng tre Phú An được coi là làng tre lớn nhất Đông Nam Á, quy tụ hầu hết giống tre trên khắp đất nước Việt Nam.

Với ý tưởng bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên để giảm nghèo, cải thiện giá trị của cây tre trong cộng đồng, trung tâm này không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học cây tre Việt Nam mà còn nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về ứng dụng của cây tre để xử lý nước, đất, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo nguồn nguyên liệu chế biến các sản phẩm, tăng giá trị kinh tế của cây tre, giúp thoát nghèo.

Cây tre sinh trưởng nhanh, rất hữu ích trong việc hấp thụ cacbon và góp phần lớn trong việc chống sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Ngày 28-2-2010 hết hạn, tới ngày 27-2 tôi làm đến 2g sáng thì cúp điện, mất hết! Ở Pháp, cúp điện là việc bất thường, tôi không còn cách nào hơn là dẹp cho xong và tự nghĩ chắc là “số mình hết rồi”! Nhưng nhờ thức đến giờ đó mà tôi được chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp, đó là đêm nước Pháp bị trận bão lớn nhất thế kỷ.

Chỗ tôi đứng xem là lầu 2 mà sóng biển cao lên tới mức đó, tàu bè trong bến leo lên bờ “đi dạo”, xe hơi đậu trên bờ lao xuống biển, chứng tỏ khi thiên nhiên nổi giận, sức mạnh đó không ai làm gì nổi. Tôi xem đến 5g sáng thì hết bão nhưng điện vẫn cúp vì nước cao lên đến 1m.

Tôi phải chạy đến nhà người bạn cách xa khu bão để có điện và Internet tiếp tục làm hồ sơ đến 3g chiều. Có cái hên là do múi giờ khác nhau, 15g ngày 28 ở Pháp vẫn chưa qua ngày 28 ở Mỹ. Tôi thấy làm cái gì cũng gian nan nhưng quan trọng là mình ráng làm. Sau cơn mưa bão, trời lại sáng!

* Nói theo màu sắc huyền bí một chút thì có vẻ thiên nhiên đang làm chứng cho bà, vì công trình của bà cũng góp phần bảo vệ thiên nhiên...

- Chính xác, tôi đã nghĩ như thế và thầm cảm ơn thiên nhiên rất nhiều. Đối với tôi, thiên nhiên bao giờ cũng tuyệt vời.

* Tài liệu để gửi đi dự thi viết bằng ngôn ngữ gì vậy, thưa bà?

- Tôi đã dự thi bằng tiếng Pháp, vì LHQ chấp nhận ba thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Tôi cũng sẽ trình bày hồ sơ tại lễ trao giải bằng tiếng Pháp,

* Kế hoạch đến New York nhận giải của bà như thế nào? Đầu tiên là phục trang, vẫn là áo dài Việt Nam khi xuất hiện trước thế giới?

- Không thể khác hơn vì không có gì đẹp hơn và Việt Nam hơn thế!

* Bà sẽ nói gì khi trình bày một vấn đề chẳng hề dễ dàng, thậm chí có vẻ hơi khô khan, khó hiểu, rất vĩ mô, mà vẫn giản dị như tre Việt Nam trước Đại hội đồng LHQ?

- Tôi sẽ nói một số ý chính của làng tre Phú An: biến tam giác sắt thành tam giác xanh, tạo các việc làm thủ công nhằm giảm nghèo, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới; nghiên cứu và đào tạo phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường; truyền thông những vấn đề xung quanh đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; cố gắng tham gia thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục môi trường, phục vụ phát triển bền vững. Cuối cùng là phát triển hợp tác trong và ngoài nước để thực hiện những chủ đề nói trên.

* Giải thưởng lần này ngoài tiền mặt và bằng chứng nhận ra còn có thêm ý nghĩa gì khác phục vụ dự án?

- Với giải thưởng này, số tiền thưởng trước mắt sẽ được dùng để tiếp tục công việc phát triển cộng đồng. Nhưng quan trọng hơn, nhiều người trên thế giới sẽ biết đến làng tre Phú An, từ đó hi vọng làng tre sẽ kiếm được nguồn tài trợ mới để nghiên cứu, phát triển cây tre VN và cải thiện đời sống của nhóm nghiên cứu và phát triển cộng đồng. Ngoài ra, tôi hi vọng LHQ sẽ chú ý đến dự án về tre của chúng tôi để có cách thức nào đó phù hợp tài trợ cho việc bảo tồn cây tre Việt Nam nói riêng và tre của cả thế giới nói chung.

H91TrdxI.jpgPhóng to

TS Diệp Thị Mỹ Hạnh - Ảnh: nhân vật cung cấp

Vài nét về tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh

- Nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật môi trường thuộc ĐH Paris 12 Val de Marne (Pháp), về nước từ năm 1975 và bắt đầu hoạt động nghiên cứu khoa học.

- Từ năm 2000, giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia TP.HCM.

- Từ năm 2003, chủ tịch dự án làng tre Phú An, Bình Dương (dự án được hình thành với sự hợp tác giữa bốn đơn vị là vùng Rhône Alpes, tỉnh Bình Dương, vườn thiên nhiên Pilat và Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

- Năm 2009: Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ hàn lâm.

BÙI LAN XUÂN PHƯỢNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên