Trẻ vui chơi tại Hội thao thân thiện dành cho - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH trong một tọa đàm vào giữa năm 2018, cả nước đang có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Trong đó số trẻ em được chẩn đoán tự kỷ tăng rất nhanh trong một thập kỷ qua.
Tất cả đều mơ hồ
Theo PGS.TS Phạm Minh Mục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi trung ương giai đoạn 2000-2007 cho thấy thực tế số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm bảy năm trước đó.
Xu thế mắc cũng tăng nhanh từ 122-268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000. Tuy nhiên, cũng do chứng tự kỷ vẫn còn rất mơ hồ trong nhận thức của người Việt Nam nên so với con số sơ tính trên, thống kê của một số tổ chức nước ngoài về trẻ tự kỷ ở Việt Nam còn lớn hơn nhiều.
Ông Lê Đình Tuấn, giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập, cho biết một khó khăn đối với trẻ tự kỷ là ở Việt Nam chưa công nhận trẻ mắc chứng tự kỷ là trẻ khuyết tật nên các em rất thiệt thòi, không được hưởng các chính sách ưu tiên đặc biệt, nhất là ưu tiên trong học tập.
"Trẻ tự kỷ thiếu kỹ năng giao tiếp, trao đổi thông tin, phản hồi với thầy cô giáo, bạn bè. Các em luôn bị cô lập, kỳ thị, thậm chí bị bắt nạt" - ông Tuấn trao đổi.
Nhưng vì việc công nhận và các quy định mang tính pháp lý chưa có nên hệ thống giáo dục công lập vẫn "đứng ngoài" trách nhiệm giáo dục trẻ tự kỷ. Những gia đình muốn con được đến trường sẽ phải chấp nhận rất nhiều nguy cơ, nếu không chủ động có biện pháp phòng vệ cho con.
TS Nguyễn Xuân Hải, trưởng khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết qua quá trình tiếp xúc với các gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ thì thấy nhận thức của các bậc cha mẹ cũng rất khác nhau. Có một bộ phận lớn phụ huynh không chấp nhận việc con mình "bất thường".
Không chỉ áp dụng cách giáo dục với những yêu cầu đặt ra cho con như với bao trẻ khác, các phụ huynh này cũng bất hợp tác khi nhà trường, giáo viên yêu cầu hỗ trợ vì trẻ có vấn đề đặc biệt. Đây thực sự là một khó khăn để áp dụng các biện pháp can thiệp sớm đến trẻ.
Các chuyên gia y tế cho biết trẻ tự kỷ càng can thiệp sớm và đúng cách thì khả năng hòa nhập của trẻ càng tốt. Nhưng khi những dấu hiệu chưa rõ ràng ở trẻ thì nhiều phụ huynh lại không nhận ra hoặc không chấp nhận sự thật.
Theo số liệu của nhóm nghiên cứu Trần Thị Lệ Thu và Nguyễn Thị Linh Chi, khoa tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trẻ khuyết tật trí tuệ nói chung chiếm gần 30% trong tổng số trẻ khuyết tật tại 29 quận, huyện của Hà Nội.
Tuy nhiên, lại có đến hơn một nửa trong số phụ huynh được khảo sát không hiểu đúng về tình trạng của con. Một nghiên cứu khác được trao đổi tại tọa đàm về trẻ khuyết tật ở Việt Nam cũng công bố số liệu cho thấy có đến 70% số người được khảo sát chỉ "biết một chút" về chứng tự kỷ.
Chính sự hiểu biết không thấu đáo trong khi chứng tự kỷ có những biểu hiện khác nhau, mức độ khác nhau làm các bậc cha mẹ, thầy cô giáo khó nhận biết và lúng túng. Cùng với đó là sự quan tâm về mặt chính sách còn bất cập nên tình trạng trẻ tự kỷ "bị bỏ rơi" trong các môi trường giáo dục công lập vẫn tồn tại một thời gian dài.
Thiếu điều kiện để hòa nhập
Cô giáo ở Trung tâm Hy vọng đang dạy tiếng Việt cho một trẻ tự kỷ. Những trẻ này từng được đưa đến trường công lập nhưng không trụ lại được vì không có sự quan tâm đặc biệt nên phải tìm đến những cơ sở chuyên biệt - Ảnh: NAM TRẦN
Theo khảo sát của cô Nguyễn Hà My - khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, qua tìm hiểu giáo án của lớp dạy hòa nhập tại một số trường tiểu học của Hà Nội thì thấy 70,58% giáo án chưa thể hiện việc điều chỉnh mục tiêu bài học, chưa có mục tiêu riêng dành cho những học sinh bị khuyết tật trí tuệ trong lớp.
Số còn lại có điều chỉnh nhưng chỉ ở mức độ thỉnh thoảng. Cũng theo tác giả này, có gần 50% số giáo viên dạy hòa nhập cho biết không áp dụng phương pháp dạy học riêng đối với học sinh khuyết tật, chỉ một số ít giáo viên có quan tâm tới tình trạng học sinh để theo dõi.
Nhưng những giáo viên trong số này phần lớn cũng không được đào tạo, tập huấn để giáo dục trẻ đặc biệt mà chỉ làm theo bản năng, kinh nghiệm.
Từ năm 1999, Bộ GD-ĐT đã thành lập ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật, nhưng sự quan tâm của Bộ GD-ĐT mới chỉ chạm đến những trẻ khuyết tật về cơ thể, chưa tiếp cận được với trẻ bị rối loạn tâm lý, hành vi...
Một số tỉnh thành đã đặt ra vấn đề "không được từ chối tiếp nhận học sinh khuyết tật" nhưng cái khó là các trường không đủ điều kiện, nhân lực, không có phương pháp để chăm sóc, giáo dục trẻ bị rối loạn tâm lý, hành vi nên hầu hết trẻ tự kỷ ở các địa phương tuy được nhận vào các trường công nhưng đều không thực sự được hòa nhập.
Chưa kể ở nhiều nơi trẻ tự kỷ bị từ chối nhận hoặc nhận nhưng phụ huynh phải cam kết cùng nhà trường rèn để con đạt tiêu chí học tập như trẻ bình thường khác, còn những vấn đề bất thường xảy ra nhà trường không chịu trách nhiệm.
Điều này dẫn đến việc một số phụ huynh có con tự kỷ chưa dám cho con đến trường khi con ở độ tuổi tiểu học. Có những trẻ 8-9 tuổi vẫn được cha mẹ cố gắng xin cho ở lại trường mầm non chỉ vì con chưa tự làm được các việc vệ sinh cá nhân.
Cần ngành giáo dục vào cuộc
Nhiều ý kiến trong các tọa đàm về trẻ tự kỷ đã cho rằng Bộ GD-ĐT cần xây dựng tiêu chí đánh giá học sinh có xác nhận rối loạn phổ tự kỷ của cơ quan y tế. Theo đó, miễn cho trẻ học một số môn học, tạo điều kiện để trẻ sử dụng các công cụ hỗ trợ.
Các cơ sở có học sinh trong diện này cần có chương trình, kế hoạch giáo dục bổ trợ, có điều kiện về cơ sở vật chất (rèn thể chất, thư giãn, vui chơi) cho trẻ tự kỷ và đặc biệt là cần đề xuất để giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt, hoặc ít nhất giáo viên đảm trách công việc này cần được tập huấn, có chế độ đãi ngộ khác với công việc thông thường.
Bên cạnh đó cần phải thay đổi chính sách ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên, theo PGS.TS Phạm Minh Mục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam). Theo đó, các trường mầm non, phổ thông cần có ít nhất 1-2 giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt để hỗ trợ học sinh khó khăn.
"Chúng tôi cũng đang kiến nghị Bộ GD-ĐT cần đưa tiêu chí "có kiến thức, kỹ năng dạy trẻ khuyết tật" vào khung năng lực cho giáo viên", PGS.TS Phạm Minh Mục thông tin.
Nhiều quan niệm sai lầm
Việc chẩn đoán về trẻ tự kỷ còn chưa thực sự chính xác. Có những trường hợp sau khi thăm khám lại được chẩn đoán nhầm là "tâm thần" khiến phụ huynh sốc nặng.
Cũng có quan niệm trẻ tự kỷ thì không thể "hòa nhập" mà phải tách riêng. Quan điểm này cũng sai lầm vì có những trẻ khi được học hòa nhập sẽ cải thiện tốt. Tuy nhiên, "hòa nhập" nhưng lại thiếu sự quan tâm đúng cách, thiếu hiểu biết về việc này thì "hòa nhập" lại chỉ khiến trẻ chịu đựng thêm các áp lực, khó cải thiện.
Bác sĩ Hoàng Cẩm Tú (nguyên trưởng khoa tâm thần Bệnh viện Nhi trung ương)
Đào tạo giáo viên dạy trẻ tự kỷ: hiu hắt như chợ chiều
Trong khi hầu hết các trường đang không có giáo viên chuyên môn về trẻ tự kỷ nói riêng, giáo dục đặc biệt nói chung, thì ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành này cũng rất ít người đăng ký học.
Cả nước có hai khoa của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo cử nhân giáo dục đặc biệt và ba trường CĐ là CĐ Mẫu giáo trung ương Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM có chuyên ngành này. Nhưng ở hệ cử nhân, mỗi năm các trường này chỉ có chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đặc biệt từ 30-50 chỉ tiêu, chiếm tỉ lệ không đến 1,5% so với tổng chỉ tiêu toàn trường.
Nguyên nhân lớn dẫn đến sự đìu hiu này là do ngành giáo dục đặc biệt ít cơ hội cho "đầu ra". Tới thời điểm này, các trường phổ thông công lập vẫn chưa có định biên dành cho giáo dục đặc biệt. Vì thế sinh viên tốt nghiệp chỉ đi làm thêm bên ngoài, hoặc xin làm ở trường tư, đời sống bấp bênh trong khi công việc vất vả.
"Để trẻ có một biểu hiện tiến bộ nhỏ, ví dụ như chơi xong thì đặt đồ chơi vào giỏ cũng phải mất cả năm, hay để trẻ biết phát âm một từ cũng hàng tháng trời... Vì thế nếu không kiên nhẫn và có phương pháp sẽ rất khó.
Đôi khi cha mẹ các bé tự kỷ không hiểu và chia sẻ, họ sẽ rất nản và có thể liên tục thay "gia sư". Đó cũng là yếu tố khiến giáo viên học chuyên ngành này cảm thấy nản chí.
Người học đã ít, người bám trụ với nghề còn ít hơn do bị rơi rụng, do không chịu được phải chuyển nghề" - một giáo viên trẻ tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận