Nhiều bạn gái chọn trang phục áo dài cách tân với váy xòe để du xuân - Ảnh: K.ANH |
Trên các con đường ở TP.HCM, nhất là những phố rực rỡ sắc xuân ở Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Công xã Paris..., dễ dàng nhận thấy nhiều bạn trẻ đã chọn chiếc áo dài cách tân là trang phục của mình.
Chụp hình ở phố xuân
Điểm nổi bật năm nay là chiếc áo dài này không mặc với quần dài ôm nữa mà mặc cùng với... váy xòe, tạo nên nét lạ lạ, trẻ trung nhưng không kém phần thướt tha.
Bạn Trúc Lâm chia sẻ nhóm của bạn có bốn người, mỗi người may một áo dài với bốn màu khác nhau để diện trong dịp tết. “May cũng rẻ so với mua. Kiểu dáng vừa truyền thống vừa hiện đại, màu sắc cũng bắt mắt, phù hợp trong dịp tết và chụp hình kỷ niệm cùng bạn bè” - Trúc Lâm cho biết.
Hai bạn Khánh Ngọc và Hoàng My ngoài việc chọn áo dài cách tân cùng váy xòe còn tô điểm thêm chiếc mấn đội đầu cùng tông màu đỏ với áo. Cả hai đã tranh thủ đến “phố xuân” đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn Nhà văn hóa Thanh niên và Thành đoàn TP.HCM) để du xuân sớm, chụp hình với các gốc mai, đào rực rỡ.
Trên khu “phố xuân” này, đa số bạn trẻ đến đây chụp hình đều chọn mặc áo dài truyền thống hoặc áo dài cách tân.
“Mặc áo dài cách tân tôi thấy mềm mại, thoải mái khi di chuyển. Chính vì thế nhiều bạn nữ rất thích mặc áo dài trong ngày tết. Những màu nổi thường được chọn vì nhìn vui tươi. Tôi mong năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn đến với mọi người” - Khánh Ngọc chia sẻ.
Xin chữ ông đồ
Một trong những hoạt động không thể thiếu vào dịp tết của các bạn trẻ Hà Nội là đi dạo phố cổ Hàng Mã và khám phá không gian tết xưa giữa lòng Hà Nội với hình ảnh ông đồ, câu đối, mâm ngũ quả...
Ngoài du xuân, các bạn còn đến xin chữ ông đồ trong Văn Miếu Quốc Tử Giám cầu lộc, bình an trong năm. Đặc biệt ngày mùng 3 - “tết thầy”, hầu hết học sinh, sinh viên tới đây để cầu mong cho việc học hành trong năm mới suôn sẻ, thi cử đỗ đạt.
Vào ngày mùng 1, mùng 2 tết, rất đông bạn trẻ cùng người dân đi lễ cầu may đầu năm ở chùa Trấn Quốc (Q.Tây Hồ). Đi lễ cầu may là nét đẹp văn hóa từ lâu đời của người Việt Nam, nên đầu năm mới nhiều người trẻ tìm đến đây cầu bình an, mong tìm kiếm hạnh phúc.
Một số bạn trẻ khác tìm hiểu văn hóa ngày tết trong các lễ hội miền Bắc tổ chức đầu năm như lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), lễ hội Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), hay đến chùa Hương...
Giữ nếp tết truyền thống
Nhiều người lớn cứ nói tết đã dần nhạt phai vì bây giờ cái gì cũng ra chợ mua. Điều đó có vẻ phiến diện khi nhiều bạn trẻ vẫn dành thời gian trước tết để làm các món ăn ngày tết. Ngày tết, gia đình bạn Nguyễn Hải Anh, Học viện Ngoại giao, thường dành thời gian gói bánh chưng và cuốn nem để dành ăn dần.
“Giao thừa gia đình tôi sẽ đi ngắm hồ Gươm, sau đó đi lễ chùa cầu may. Tôi cũng sẽ đến Văn Miếu Quốc Tử Giám xin chữ và lễ lạt như mọi năm. Thú nhất là sáng mùng 1 dậy ngắm phố xá Hà Nội. Đường vắng không bóng người mới cảm nhận được Hà Nội có những lúc bình yên đến nao lòng” - Hải Anh tâm sự.
Tại chương trình “Xuân yêu thương” (TP.HCM) mới đây, vừa sên mẻ mứt gừng dẻo, bạn Lê Song Tính - sinh viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM (quê Bạc Liêu) - vừa chia sẻ: “Ngoài việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, năm nào gần tết tôi cũng phụ mẹ làm một số loại mứt để đãi khách”.
Còn cô bạn Thùy Linh - nhân viên một ngân hàng - cũng dự tính mấy ngày nghỉ trước tết sẽ bày biện, gói bánh chưng tại gia đình ở Q.4. “Tôi thấy khi gia đình cùng gói bánh và trông chờ nồi bánh chín chắc là không khí sẽ rất ấm cúng. Năm nay tôi quyết tâm tạo không khí cho gia đình vì đã học được đầy đủ các công đoạn làm bánh chưng truyền thống rồi” - Thùy Linh cho hay.
Dự tính của Thùy Linh cũng như nhiều bạn trẻ khi được hỏi đều dành trọn những ngày nghỉ tết cho gia đình, bè bạn.
Làm đẹp đến khuya
Hai ngày cuối tuần, các tiệm làm tóc hầu hết đều kẹt cứng bởi khách tranh thủ làm đẹp đón tết. “Từ sáng đến giờ tôi vẫn chưa có thời gian để ăn chút gì. Làm luôn tay, mệt nên chỉ uống nước. Mấy ngày gần tết không bao giờ nghỉ trước 12h đêm” - chị Nguyễn Thị Vân, chủ một tiệm tóc tại Q.7, cho biết.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, chuyên viên một thẩm mỹ viện trên đường Nơ Trang Long (Q. Bình Thạnh), cho biết đa số mọi người đến để phun thêu chân mày, phun mí mắt, phun môi.
Chọn phun thêu chân mày và môi, chị Xuân Đào chia sẻ: “Thường ngày mình vẫn trang điểm đi làm, nhưng đến giờ mới chọn phun để tiết kiệm thời gian trang điểm và cũng làm mới mình trong dịp tết này. Hơn nữa, phun thêu bây giờ với kỹ thuật mới rất tự nhiên làm mình tự tin hơn”.
Chị Nguyễn Thị Huyền Thương - chủ Thương Spa - cho biết dịp gần tết, mọi người đi làm đẹp và đặc biệt chăm sóc da nhiều hơn, như hấp trắng da, bắn laser carbon cho da sáng hơn, triệt lông, nhấn mí hay nâng mũi là những dịch vụ mọi người chọn nhiều nhất.
Theo một chuyên gia làm đẹp, xu hướng hiện nay mọi người thích tông nhẹ nhàng, màu sắc đơn giản, càng tự nhiên càng được ưa chuộng. Riêng chân mày vẫn chọn cách để ngang hoặc hơi xếch một chút.
Bí quyết có làn da đẹp Tư vấn về làn da đẹp cho năm mới, chị Huyền Thương chia sẻ: “Bản thân người đi làm đẹp cũng cần phối hợp với chuyên viên chăm sóc da như thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống đúng... để da được cải thiện và đẹp hơn. Không nên mang tư tưởng phó thác hết cho spa”. Chuyên gia làm đẹp Quỳnh Như khuyến cáo việc dưỡng da trước khi trang điểm rất quan trọng. “Xịt một lớp khoáng trước khi trang điểm, trước khi ra đường nên bôi kem chống nắng, tẩy trang sau khi trang điểm là những công đoạn rất quan trọng để có một làn da khỏe. Da nhờn, khô, mụn... cần được khắc phục trước khi dùng mỹ phẩm. Không nên nghe theo lời người này người kia mà chọn sản phẩm không phù hợp với da” - chị Quỳnh Như nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận