Đứa trẻ trưởng thành trong vòng tay yêu thương sẽ “giàu” ký ức tuổi thơ - Ảnh: TẤN KHÔI
Dưới góc nhìn tâm lý học, ThS tâm lý Lê Minh Huân (Đại học Quốc tế Sài Gòn) cho biết những khó khăn trẻ có thể sẽ gặp:
- Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được đánh giá là mối quan hệ khó thay thế trong đời sống gia đình. Người thân có làm tốt thế nào vẫn sẽ để lại những khoảng trống nhất định trong lòng đứa trẻ nếu buộc phải tách cha mẹ ra khỏi cuộc sống dù tạm thời hay lâu dài.
Đấy là chưa kể đến những tổn thương/cảm giác thiếu hụt, mất mát của đứa trẻ nếu gặp bất lợi trong quá trình sống với người thân/người nuôi vốn không phải cha mẹ ruột của mình, như: cảm giác thiếu thốn/mất mát vì gia đình không trọn vẹn, chống đối (xã hội) với người nuôi dưỡng/cha mẹ, rối loạn cảm xúc, hành vi, nhân cách, thu mình, sống khép kín hoặc ở hướng ngược lại là quậy phá, lêu lổng do không được quan tâm giáo dục/giáo dục sai cách/trẻ không sẵn sàng tiếp nhận các tác động giáo dục, chăm sóc từ người đang nuôi dưỡng...
Phần lớn trẻ lớn lên sẽ gặp ít nhiều khó khăn khi giao tiếp/kết nối với cha mẹ, dễ cảm thấy tủi thân hay tái hiện lại ký ức "thiếu hụt" thời thơ ấu, thỉnh thoảng chính những đứa trẻ này khi trở thành cha mẹ trong tương lai sẽ gặp khó khăn, lúng túng nhiều hơn khi nuôi dạy con cái.
Nếu vì mưu sinh, vì bất đắc dĩ cha mẹ đi làm xa, phải gửi con cho ông bà hoặc người thân họ hàng chăm sóc, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho tất cả những điều này, đồng thời tăng số lần gặp gỡ, hỏi han, quan tâm, động viên con cái bằng nhiều cách để kéo giảm các tác động tâm lý không mong muốn lên con cái hay gánh nặng lên người nhận nuôi dưỡng.
ThS tâm lý Lê Minh Huân
* Ngoài việc trẻ bị ảnh hưởng tâm lý thì cha mẹ không ở gần con cái sẽ gặp bất ổn nào không?
- Ở phía ngược lại, cha mẹ cũng sẽ trải qua những cảm xúc khác nhau khi phải sống xa con cái, nhất là những cha mẹ trẻ, những người vừa có con đầu lòng. Các trạng thái tâm lý nhớ thương, buồn tủi, xót xa, thậm chí hổ thẹn... đều ít nhiều ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ, hành vi của cha mẹ.
Khi tâm lý bất an, bất ổn, cơ thể cũng có những biểu hiện tương ứng, lâu dài nếu không vượt qua được dễ dẫn đến các khó khăn tâm lý như lo âu, stress, mặc cảm, tự ti, trầm cảm...
* Vậy theo anh, làm sao để chữa lành những tổn thương nếu có trong câu chuyện sống xa con nhỏ của nhiều người cha người mẹ hiện nay?
- Tất cả các giải pháp được đưa ra chỉ là "chữa cháy/giải khát" và mang tính nhất thời, không có giải pháp vạn năng nào thay thế được việc sinh sống, chăm sóc và nuôi dưỡng trực tiếp các con. Do đó, nếu cha mẹ có phương kế nào tốt hơn là xa con để mưu sinh thì hãy chọn cách đó. Trường hợp không thể, chúng ta lưu ý những điều sau:
+ Nên gửi con cho người thân thiết/từng tham gia nuôi dưỡng, chăm sóc và có quan hệ tốt với con trong những năm đầu đời để tăng độ tin cậy, giảm khoảng cách giữa con với người nuôi dưỡng.
+ Tuổi con càng lớn càng giảm thiểu được các ảnh hưởng tâm lý/tổn thương nếu cha mẹ phải xa cách con.
+ Về thăm con hoặc tạo điều kiện cho con gặp mặt cha mẹ càng nhiều, càng lâu càng tốt.
+ Có thể dùng các phương tiện như mạng xã hội, điện thoại để gọi video cho con, đôi bên tương tác thông qua giọng nói lẫn hình ảnh để cải thiện tâm trạng, cảm xúc những người trong cuộc.
+ Duy trì các trao đổi đơn giản như gửi hình ảnh cho nhau, chat, ghi âm giọng nói gửi cho con...
+ Cha mẹ nên đặt ra giới hạn về việc sẽ cùng chung sống dưới một mái nhà với con khi thỏa mãn điều kiện A, B, C cụ thể nào đó như kiếm đủ tiền học phí cho con trong 5 năm, đủ tiền xây nhà, đủ 5 năm xa nhà... để tiến tới ngày gặp con và nuôi dưỡng, chăm sóc trực tiếp con càng sớm càng tốt.
Sau cùng, nếu đã có cơ hội ở gần, chăm sóc, nuôi dưỡng con thì chính lòng thương, sự chăm sóc hết mực sẽ giúp cha mẹ và con cái xoa dịu những mất mát, thiếu hụt trước giờ một cách tốt nhất.
Đây cũng là lúc bù đắp cho con, cho chính cha mẹ bằng những động viên, quan tâm đời thường như trò chuyện với con biết rằng ba mẹ đã nhớ nhung con thế nào, đã vì con mà tự vực dậy mình để duy trì động lực làm việc ra sao... Kể cho con nghe về hành trình thương nhớ và cố gắng đó...
Tất cả những điều này sẽ tranh thủ được sự cảm thông từ con cái và cải thiện chất lượng mối quan hệ gia đình để các tổn thương nhờ đó mờ dần theo nhịp sống.
* Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!
Nếu vì mưu sinh, vì bất đắc dĩ cha mẹ đi làm xa, phải gửi con cho ông bà hoặc người thân họ hàng chăm sóc, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho tất cả, đồng thời tăng số lần gặp gỡ, hỏi han, quan tâm, động viên con cái bằng nhiều cách để kéo giảm các tác động tâm lý không mong muốn lên con cái hay gánh nặng lên người nhận nuôi dưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận