23/08/2019 09:50 GMT+7

Trẻ sơ sinh vàng da dễ biến chứng

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Vàng da ở trẻ sơ sinh rất dễ phát hiện, dễ chữa, nhưng vì sao vẫn để biến chứng? Thậm chí nhiều trường hợp vàng da tới viện muộn, phải thay máu.

Trẻ sơ sinh vàng da dễ biến chứng - Ảnh 1.

100 chiếc máy chiếu vàng da được tặng cho 10 tỉnh - Ảnh: XUÂN LONG

Mới đây, tại lễ ký kết khởi động dự án "phòng chống bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh" tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh rất dễ phát hiện, điều trị không khó, nhưng vẫn có nhiều trường hợp trẻ sinh ra bụ bẫm, đáng yêu, chỉ vì phát hiện vàng da muộn mà có trường hợp để lại hậu quả, di chứng nặng về thần kinh.

Cần được can thiệp sớm

Theo đánh giá của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, hầu hết trẻ sơ sinh vàng da là hiện tượng sinh lý, xuất hiện trong vòng 24 giờ sau sinh và thường tự hết sau một, hai tuần với trẻ sinh non.

Tuy nhiên, sau một, hai tuần với trẻ sinh non mà vàng da không giảm hoặc vàng da nhiều hơn so với bình thường thì đó là bệnh lý, cần được can thiệp điều trị sớm.

Ông Nguyễn Đức Vinh, vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, cho biết: "Bệnh vàng da sơ sinh cũng là một bệnh thông thường, phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng nếu không phát hiện, can thiệp sớm (chủ yếu can thiệp là dùng đèn chiếu) thì có thể có những nguy cơ về sau. Ví dụ có thể bị vàng da nhân não, di chứng về thần kinh, như vậy sẽ gây ra gánh nặng cho gia đình cả về kinh tế, tâm lý xã hội, cuộc đời của cháu bé" - ông Vinh nói.

Ông Vinh khẳng định dù chưa có số liệu quốc gia nhưng qua thực tế báo cáo của các bệnh viện, các gia đình thường đưa trẻ bị bệnh vàng da đến viện muộn, nên đã để lại di chứng.

Trẻ sơ sinh vàng da dễ biến chứng - Ảnh 2.

Trẻ sơ sinh - Ảnh: TTO

"Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) cho biết có năm trong số gần 1.200 cháu thì có tới 250 cháu bị vàng da đến viện muộn, phải thay máu. Tương tự, số liệu tại Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) cũng nêu trong số gần 600 cháu thì có tới 150 cháu đến muộn, phải thay máu trong năm 2007. 

Với những cháu phải thay máu, theo báo cáo nghiên cứu của Bệnh viện Nhi T.Ư, có gần 30% các cháu để lại di chứng về thần kinh, trong khi nếu phát hiện sớm, việc điều trị và can thiệp rất hiệu quả"- ông Vinh nói.

Có nên tránh nắng?

Theo ông Vinh, có ba nguyên nhân rất đáng cảnh báo về bệnh này. Thứ nhất, nhận thức của các bà, các mẹ và người dân ở quê vẫn "nặng" tâm lý cháu mới sinh phải giữ cho kín gió, tránh nắng, thậm chí cứ giữ cháu ở trong nhà. Đôi khi ở trong nhà dù cháu có vàng da cũng không phát hiện ra. Thậm chí có trường hợp khi phát hiện ra rồi lại nghĩ nó đơn giản, không đưa đến cơ sở y tế ngay, nên có trường hợp dẫn đến biến chứng, nếu nặng có thể tử vong. 

Thứ hai, đội ngũ cán bộ y tế cũng còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng nên đôi khi cũng là nguyên nhân dẫn tới tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh.

Thứ ba, về trang thiết bị, đèn chiếu vàng da, không phải cơ sở y tế nào cũng có. Ngay bệnh viện tuyến huyện cũng còn rất thiếu thốn...

Chia sẻ về theo dõi, chăm sóc cả quá trình của trẻ sơ sinh, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến bộc bạch: "Ai đã là bác sĩ nhi khoa, bác sĩ sơ sinh, bác sĩ sản khoa chắc chắn trong đời hành nghề của mình thế nào cũng có lúc áy náy. Áy náy ở chỗ đứa trẻ lúc sinh ra rất đẹp, bụ bẫm nhưng chỉ mấy ngày sau do chúng ta không phát hiện kịp bệnh vàng da ở trẻ, nồng độ bilrubin trong máu tăng lên cao dẫn đến hậu quả là vàng da nhân não".

Theo ông Tiến, đều là chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung nhưng không một dự án nào có thể bao phủ được tất cả. Vì thế, dự án "phòng chống bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh" giai đoạn I sẽ tập trung triển khai ở 10 tỉnh với mục tiêu chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, phát hiện, điều trị sớm bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh.

10 tỉnh được tặng 100 máy chiếu vàng da

photo-1-1551946855347960528951 2(read-only)

Chiếu đèn trị vàng da cho trẻ - Ảnh: momjunction.com

Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em cho biết tổng kinh phí của dự án khoảng 11 tỉ đồng do Tập đoàn Reckitt Benckiser tài trợ, trong đó có 100 đèn chiếu vàng da để điều trị bệnh vàng da cho trẻ sơ sinh tại 96 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện của 10 tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp.

Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng, phát hành tài liệu đào tạo về phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị vàng da trẻ sơ sinh dành cho đội ngũ cán bộ y tế; xây dựng, phân phát tài liệu truyền thông nhằm cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh lý cho các bậc cha mẹ.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết dự án sẽ triển khai tại 10 tỉnh đến tháng 6-2020, sau đó sẽ tổng kết để có thể triển khai ở 63 tỉnh thành của cả nước.

Tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh đứng đầu

Không chỉ bệnh vàng da, theo Thứ trưởng Tiến, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, rất đáng lưu ý khi tỉ lệ tử vong của trẻ em tập trung ở độ tuổi từ 1-5 vẫn cao nhất. "Nếu tính từ lúc sinh ra cho đến lúc 5 tuổi, tỉ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi chiếm từ 70-75%. Đặc biệt với trẻ em dưới 1 tuổi, tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh vẫn là cao nhất, chiếm từ 50-75%" - ông Tiến nêu.

Đáng nói hơn, trong số tỉ lệ trẻ bị biến chứng tử vong, có rất nhiều trường hợp có thể dự phòng được, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. "Có những trường hợp dị tật, bất thường của trẻ có thể phát hiện được qua chẩn đoán hình ảnh, qua chẩn đoán trước sinh để phòng tránh được những tác động về sức khỏe, tật nguyền cho trẻ.

Vì thế, nếu chúng ta thực hiện đầy đủ quá trình thăm khám, chăm sóc để phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì hoàn toàn tránh được những dị tật, bệnh lý có thể ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, hoạt động của đứa trẻ sau này"- ông Tiến khuyến cáo.

Biểu hiện vàng da ở trẻ sơ sinh báo hiệu bệnh lý nguy hiểm Biểu hiện vàng da ở trẻ sơ sinh báo hiệu bệnh lý nguy hiểm

Vàng da sinh lý thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau khi sinh và khỏi trong vòng 10 ngày, còn vàng da bệnh lý cần điều trị lâu dài.


XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên