Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng được bảo vệ kỹ lưỡng. Phần lớn thời gian của các bé là ở trong nhà, trong khi người lớn lại ở ngoài trời. Do đó, không ít người nghĩ rằng người trưởng thành dễ nuốt phải vi nhựa hơn trẻ em.
Nhưng một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh có nhiều vi nhựa trong phân hơn người lớn.
Vi nhựa là các hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm được thải ra môi trường từ các vật bằng nhựa lớn hơn. Chúng là mối đe dọa đối với môi trường, vì chúng không dễ phân hủy sinh học.Vi nhựa có ở mọi nơi: trong bụi, thực phẩm, trái cây, nước đóng chai và cả ở phân động vật và người.
Sự tiếp xúc của con người với vi nhựa là một mối quan tâm sức khỏe lớn, nhưng ít người biết về mức độ của nó.
Trong một nghiên cứu nhỏ được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Y khoa New York (Mỹ) đã phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh có nồng độ vi nhựa trong phân cao hơn từ 10 đến 20 lần so với người lớn, đặc biệt khi nói đến vi nhựa PET (polyethylene terephthalate). Vi nhựa này thường được sử dụng chủ yếu trong sản xuất sợi dệt, chai nước và vỏ điện thoại di động.
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, rất có thể do việc thường xuyên chơi, tiếp xúc và ngậm vào miệng các đồ vật bằng nhựa khiến vi nhựa trong cơ thể trẻ em nhiều hơn so với người lớn.
Rất nhiều hành vi của trẻ sơ sinh, chẳng hạn như bò trên thảm, nhai đồ chơi, cũng như các sản phẩm khác nhau được sử dụng cho trẻ em bao gồm đồ chơi mọc răng, đồ chơi bằng nhựa, bình bú, đồ dùng như thìa, bát… đều có thể góp phần vào việc tăng vi nhựa trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng một người trung bình có thể ăn tới 5 gam vi nhựa mỗi tuần. Một số vi nhựa đi qua hệ tiêu hóa và được thải ra ngoài theo phân, một số vi nhựa được tích lũy trong các cơ quan của cơ thể, vượt qua màng tế bào và đi vào máu. Thậm chí, vi nhựa cũng có thể truyền và tác động không nhỏ đến sức khỏe của thai phụ và trẻ sơ sinh.
Hiện không có nhiều thông tin khoa học hay y tế về vi nhựa ảnh hưởng và có thể gây hại cho cơ thể con người như thế nào, nhưng một số thử nghiệm trên động vật thí nghiệm đã cho thấy tình trạng viêm nhiễm, ngừng hoạt động của tế bào và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề trao đổi chất.
Kurunthachalam Kannan, giáo sư khoa nhi tại Trường Y Grossman NYU, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: Con người cần nỗ lực hơn để giảm phơi nhiễm vi nhựa ở trẻ em. Các sản phẩm dành cho trẻ em không nên làm từ nhựa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận