Họ không biết sự hiếu động quá mức đó có khi là biểu hiện của hội chứng tăng động giảm chú ý (Attention deficit/Hyperactivity disorder viết tắt là ADHD). Ở nước ta chưa có thống kê cụ thể, nhưng ở Mỹ số trẻ mắc hội chứng này chiếm 3 - 5%.
“Quậy” cỡ nào là bệnh?
Một cậu bé bị ADHD không thể ngồi yên mà thường xuyên chạy nhảy, leo trèo. Nếu buộc phải ngồi cạnh ba mẹ thì cậu vẫn ngó ngoáy chân tay liên tục, thậm chí kéo đổ những vật đang để trên bàn (dù đó là nhà người lạ). Khi ba mẹ nói chuyện, cậu hay xen vào câu chuyện hoặc tranh thủ đưa ra yêu cầu về ăn uống hoặc đồ chơi. Nếu được cô giáo hoặc người lớn hỏi điều gì, thường cậu đưa ra câu trả lời trước khi người hỏi chưa nói xong. Câu trả lời có thể trùng với câu hỏi hoặc chuyển sang một chuyện lạc đề khác. Các bạn đang chơi vui vẻ, cậu chạy tới “phá bĩnh” bằng cách giật đồ chơi, ném đi hoặc giành hết đồ chơi, mặc cho các bạn khóc, cậu tỉnh bơ như đó là lẽ đương nhiên. Khi các bạn bỏ đi cậu lại vứt đồ chơi và tìm cách chạy theo phá bĩnh tiếp.
Trẻ bị hội chứng ADHD thường được cô xếp vào loại bướng bỉnh bởi bé không tuân theo bất kỳ sự hướng dẫn nào của cô. Trong lớp trẻ thường vận động chân tay, mắt nhìn ra ngoài, không chú ý xem cô nói gì. Có bà mẹ bảo: “Con nhìn vào mắt mẹ khi mẹ nói” trẻ vẫn nhìn đi nơi khác, thì lại cho rằng bé bị chứng tự kỷ (không phải thế, bởi trẻ thích thứ mà nó đang nhìn). Quần áo, đồ chơi mang theo trẻ cũng không chú ý nên hay bị mất. Vì thế, các nhà tâmthần gọi là “Hội chứng tăng động giảm chú ý”.
Hiệp hội tâm lý thần kinh Mỹ lại chia ADHD làm 3 nhóm: Nhóm 1 gồm những trẻ trội về tăng hoạt động, vẫn còn chú ý; nhóm 2 gồm những trẻ trội về giảm chú ý; nhóm 3 gồm những trẻ cả tăng động và giảm chú ý.
Âm thầm mắc “bệnh”
Cho đến nay nguyên nhân của hội chứng ADHD chưa rõ ràng. Các nhà khoa học thấy có mối liên quan với những yếu tố sau: Đó là khi mang thai bà mẹ hút thuốc lá, uống rượu bia hay sử dụng ma túy. Những chất độc này làm não trẻ giảm sản xuất một chất truyền đạt thần kinh tên là dopamine gây nên hội chứng ADHD. Trẻ sơ sinh bị tiếp xúc với những chất độc của môi trường như dioxine (diệt cỏ) hay những hợp chất chứa benzene (trong nước mùi thơm). Các bà mẹ thích xức dầu thơm cho con nên lưu ý điều này.
Mối liên quan thứ hai là trẻ sinh non tháng, sinh khó gây thiếu oxy khi ra đời làm ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ. Vì thế khám thai định kỳ và dự báo sinh rất quan trọng trong phòng tránh. Mối liên quan thứ ba là do di truyền nếu trong gia đình có ít nhất một thành viên mắc hội chứng ADHD.
Hiếu động không gắn liền với thông minh
Bởi trẻ nghịch ngợm quá nên hay bị quở trách, thầy cô phê bình trước lớp, ít bạn và luôn thiếu tự tin, khó thích nghi với lớp học. Bị chê cười trẻ mặc cảm rơi vào rối loạn lo âu: lo bị phạt, lo bị bạn xa lánh, và thường phản ứng thái quá: bị bạn chọc là nhảy ra giơ nắm đấm, la hét, đập phá. Vài trẻ rơi vào hội chứng Tourette: Có những động tác rung giật cơ (giật mí mắt, giật một nhóm cơ ở chân, tay) mà không thể điều khiển được. Nếu không được quan tâm đúng mức dần dần trẻ sẽ rơi vào trầm cảm.
Chữa “bệnh” bằng sự kiên nhẫn
Các bậc phụ huynh nên kiên nhẫn đề ra và duy trì một nếp sinh hoạt khoa học. Luôn nhắc nhở trẻ thực hiện đúng: Giờ thức dậy, đánh răng, rửa mặt (không làm giùm), chơi đồ chơi xong phải để đúng vị trí cũ và đặc biệt phải tuân thủ giờ ngủ và ngủ đủ 8-9 giờ, nên có 1 giờ ngủ trưa.
Nếu trẻ chộn rộn, khó ngủ nên cho ăn chè hạt sen + long nhãn, không dùng thuốc an thần. Hết sức tránh những thực phẩm có phụ gia, những thực phẩm đóng hộp. Những thực phẩm như trứng, đậu hũ, đậu phộng, gạo lứt, rau xanh, trái cây sẽ rất hữu ích cho trẻ.
Bà con có thói quen cho trẻ xem tivi thì chỉ nên cho trẻ xem những chương trình ca hát của mẫu giáo, thiếu niên không quá 2 giờ/ ngày, hết sức tránh phim đánh đấm, phim kinh dị. Các phương pháp massage, xoa bóp giúp trẻ thư giãn, tập võ giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn và nghe nhạc nhẹ sẽ làm dịu hội chứng tăng động, giúp trẻ dần dần chú ý, tập trung hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận