17/10/2017 09:20 GMT+7

Trẻ nhiễm 'virus so sánh' do đâu?

TRẦN MINH TRỌNG
TRẦN MINH TRỌNG

TTO - Vì sao con nhiễm tính so bì, ghen tỵ? Lỗi chắc chắn không phải do đứa trẻ, nhất là khi con mới khoảng 6, 7 tuổi.

Trẻ nhiễm virus so sánh do đâu? - Ảnh 1.

Thấy bạn chơi iPad mà mình không được chơi, trẻ khó tránh khỏi tâm lý so sánh - Ảnh minh họa: Tablet Phone Kids

Chúng ta đều biết ẩn tàng trong những lời so bì, so sánh của trẻ chính là tính ganh tỵ. Đó là một tính xấu bởi một người ganh tỵ sẽ khó thành công và hạnh phúc.

Bill Gates từng chia sẻ "Bạn đừng nên so sánh với bất kỳ ai. So sánh với người giỏi hơn bạn sẽ làm bạn tự ti. So sánh với người dở hơn bạn sẽ khiến tự cao". Cả hai thái độ cực đoan tự ti và tự cao đều là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong cuộc sống.

Cha mẹ không thể đổ do "trời sinh tính"

Tuy nhiên, vì sao con mình lại nhiễm tính so bì, ghen tỵ đó? Lỗi chắc chắn không phải do đứa trẻ, nhất là khi con mới khoảng 6, 7 tuổi. 

Ngoại trừ một số ít trường hợp "đột biến", phần lớn tính cách của trẻ đều "copy" từ người lớn thân cận với trẻ. Ai cho trẻ ăn uống, ở cùng với trẻ nhiều, nói chuyện giao tiếp, vui chơi hàng ngày với trẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cách của trẻ.

Cha mẹ cũng không thể đổ lỗi và trách cứ ông trời với lập luận: "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". 

Mặc dù chúng ta điều hiểu rằng "virus so sánh - ganh tỵ" có tính di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác vì nó xuất phát từ một nhu cầu tâm lý cơ bản rất con người: muốn mình hơn người khác, thắng người khác ở một khía cạnh hoặc càng nhiều càng tốt.

Một đứa trẻ không được cha mẹ cho chơi trò chơi trên smartphone hoặc iPad sẽ cảm thấy bình thường nếu chỉ ở một mình. Tuy nhiên, khi cháu đi chơi hoặc đi học, thấy những người bạn khác được chơi trò chơi trên điện thoại, iPad cháu sẽ cảm thấy rất muốn được chơi. 

Nếu cha mẹ không cho cháu chơi, cháu sẽ cảm thấy mình bị thiệt thòi và ức chế. Cháu sẽ có suy nghĩ so sánh tại sao mình lại không được chơi và ganh tỵ với bạn bè.

Tương tự như vậy, một đứa trẻ thường xuyên bị từ chối, bị cấm đoán áp đặt không được làm cái này, không được ăn cái kia sẽ hình thành một tâm lý thèm khát đối với những điều bị cấm. 

Có những cháu do quá sợ hãi cha mẹ hoặc người lớn, cháu đành phải chấp nhận nhịn không làm điều mình muốn hoặc thích. 

Giống như một lò xo bị nén lâu ngày, điều này chỉ làm cho nỗi thèm khát và ganh tỵ ngày càng lớn hơn, cháu càng dễ so bì với người khác.

Ngay cả đối với người lớn, tính cách hay so sánh tiêu cực, ganh tỵ thường xuất hiện ở những người chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm (bị bạo hành, bị bỏ rơi, không được cha mẹ quan tâm do gia đình đông con, sống xa cha mẹ, ít được những người xung quan quan tâm…) hoặc vật chất (nhà nghèo thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu phương tiện…).

Thông qua quá trình làm việc, tư vấn với cha mẹ, chúng tôi nhận thấy một "khuôn mẫu" khá rõ nét. Những cha mẹ thường hay cấm đoán, áp đặt con trẻ có chung một nguyên nhân khá phổ biến đó là hồi nhỏ cũng thường xuyên bị cha mẹ của mình cấm đoán, áp đặt!

5 giải pháp dành cho cha mẹ

1. Trước hết, cha mẹ cần chịu trách nhiệm hoàn toàn về nỗi buồn phiền của mình khi con nói ra những lời so sánh. Nhìn thẳng vào những nguyên nhân bề mặt và sâu kín vì sao mình lại buồn phiền, vì sao con mình lại có tính ganh tỵ để can đảm thay đổi bản thân, thay đổi thái độ với cuộc sống. Cha mẹ có thay đổi nhận thức và cách dạy con thì mới hy vọng tạo ra được những thay đổi tích cực cho con.  

2. Khi con so sánh hay ganh tỵ, cần hiểu rằng con đang thiếu sự quan tâm, sự yêu thương của cha mẹ. Không phải lúc nào cha mẹ cũng đáp ứng những đòi hỏi của con, tuy nhiên sự cấm đoán, phớt lờ hoặc những lời giảng dạy đạo đức thường không đáp ứng được cái con đang thật sự cần! 

Con xin tiền để mua bánh chưa hẳn vì con muốn ăn bánh mà vì con muốn có cảm giác được mua sắm cùng bạn bè. Con so bì với em vì con đang muốn cha mẹ quan tâm công bằng hơn một chút. Cha mẹ nên cho trải nghiệm những điều con thích trong điều kiện khả năng cho phép trong hiện tại.

3. Khi con muốn mua một món đồ chơi đắt tiền mà người khác đã có, nếu món trò chơi đó mang lại niềm vui khám phá (xe hơi, máy bay đồ chơi) hoặc ý nghĩa giáo dục nào đó (Lego, robot chẳng hạn), thay vì nói dối là không có tiền hoặc phớt lờ mong muốn của con, cha mẹ có thể chia sẻ một kế hoạch để giúp con có được món đồ chơi đó. 

Kế hoạch đó bao gồm những việc khen thưởng (bằng điểm có thể quy ra tiền) khi cháu tự giác trong chăm sóc bản thân, học tập hoặc biết sắp xếp đồ đạc, giường ngủ, biết chơi với em, biết giúp cha mẹ việc nhà, biết giúp cô và bạn ở trong lớp, bỏ rác vào thùng…

4. Với trường hợp con so sánh nhà bạn có hơi, nhà mình không có, câu trả lời tích cực sẽ là "Con yêu, ba mẹ đang nỗ lực làm việc và tiết kiệm để mua xe hơi cho gia đình mình. Con cố gắng học giỏi để cùng ba mẹ sắm xe hơi nhé".

5. Cuối cùng cha mẹ có thể lấy những "đòi hỏi" khá chính đáng của con như nhà có xe hơi, gia đình có nhiều tiền hơn làm mục tiêu để vươn lên trong cuộc sống. 

Không chỉ làm gương cho con trong việc vun đắp những giá trị tinh thần như yêu thương, bình an, hạnh phúc, cha mẹ cũng cần phải làm người mẫu cho con bằng tinh thần "vượt lên chính mình" để có được cuộc sống ngày càng thoải mái hơn, tiện nghi hơn vật chất. 

Cuộc sống vốn không công bằng nhưng cũng sẽ trả công xứng đáng cho những ai quyết tâm chinh phục sự thịnh vượng bằng nhân cách tốt, tài năng, trí tuệ và công sức của mình.

TRẦN MINH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: dạy con so sánh so bì