TTCT - Theo một nghiên cứu quốc tế vừa được đăng tải trên tạp chí y khoa Environmental Health Perspectives hồi tháng 2, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân (dưới 2,5kg). Phóng to Trẻ sơ sinh nhẹ cân do ô nhiễm không khí đã được các nhà khoa học khẳng định (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: L.N.M. Các nhà khoa học thuộc ĐH California, ĐH San Francisco, Trung tâm Thống kê y tế quốc gia Mỹ (NCHS), Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và các tổ chức y tế quốc tế khác đã nghiên cứu dữ liệu thu thập được từ hơn 3 triệu trẻ sơ sinh ở 14 vùng thuộc chín quốc gia tại Bắc Mỹ, Nam Phi, châu Âu, châu Á và Úc trong 15 năm, từ giữa thập niên 1990. Họ phát hiện tại tất cả những địa điểm này, thai phụ sống trong bầu không khí ô nhiễm nhất thường sinh con nhẹ cân - dưới 2,5kg. Càng nhiều bụi càng nhẹ cân Các bác sĩ nhi khoa cho biết khi chào đời, trẻ sơ sinh dưới 2,5kg có nguy cơ mắc bệnh và chết sau khi sinh trong vòng một tháng cao hơn nhiều so với những trẻ có cân nặng bình thường. Khi trưởng thành, trẻ sơ sinh nhẹ cân cũng dễ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, hen suyễn, dị ứng, chậm hiểu… Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là xác định tác động của hai loại bụi độc hại trong không khí đối với thai nhi. Đó là hạt bụi có thể xâm nhập phổi có đường kính dưới 2,5 micrometer (PM 2,5) và hạt bụi có đường kính dưới 10 micrometer (PM 10). Chúng là sản phẩm của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch (tại nhà máy công nghiệp, trong phương tiện giao thông...). Các hạt bụi PM 2,5 và PM 10 có kích cỡ nhỏ hơn 10 lần độ dày của một sợi tóc. Chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi, phế nang phổi, qua đó ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu và tác động đến các cơ quan khác. Các hạt bụi này là sự tập hợp của hàng trăm hóa chất, trong đó có kim loại, hợp chất hữu cơ hoặc các tế bào gây ung thư. Chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như oxy hóa, viêm nhiễm... “Bụi ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ mang thai, do đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ. Bụi ô nhiễm và các chất độc hại của nó cũng có thể xâm nhập hệ tuần hoàn máu của cơ thể người mẹ, xâm nhập bào thai và gây ảnh hưởng trực tiếp” - bác sĩ Tracy Woodruff thuộc ĐH California giải thích. Chuyên gia Rémy Slama thuộc Viện Nghiên cứu Albert-Bonniot (Pháp) cho biết số lượng PM 10 cứ tăng thêm 10 microgram trong 1m3 không khí thì nguy cơ trẻ nhẹ cân sẽ tăng thêm 3%. Đáng sợ hơn, số lượng PM 2,5 cứ tăng thêm 10 microgram trong 1m3 không khí thì nguy cơ trẻ nhẹ cân sẽ tăng thêm tới 10%. Tại môi trường có thêm khói thuốc lá, mức độ giảm cân của trẻ sơ sinh còn cao hơn. Bác sĩ Woodruff cho biết đây là nghiên cứu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và quá trình mang thai. Các nhà nghiên cứu thừa nhận có thể một số yếu tố kinh tế, xã hội, lối sống… có ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, chuyên gia Beate Ritz thuộc ĐH California nhấn mạnh có đầy đủ bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí tác động nghiêm trọng đến quá trình mang thai. Ô nhiễm không khí trầm trọng WHO khuyến khích các nước đề ra tiêu chuẩn ô nhiễm không khí PM 2,5 là 10 microgram/m3 và PM 10 là 20 microgram/m3 để kéo dài tuổi thọ trung bình của người dân thêm hai năm. Tại nhiều địa điểm nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu, tình trạng ô nhiễm không khí đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Ví dụ, ở Mexico City (Mexico) mỗi ngày có 40 người chết vì ô nhiễm không khí. Tại New Delhi (Ấn Độ), tỉ lệ PM 2,5 và PM 10 luôn cao hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hồi tháng 1-2013, tỉ lệ PM 2,5 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) trung bình vào khoảng 460 microgram/m3, có lúc tăng vọt lên tới 700 microgram/m3. Gần đây, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) điều chỉnh định mức PM 2,5 từ 15 microgram/m3 xuống còn 12 microgram/m3 bằng các biện pháp giới hạn khí thải từ ôtô và các nhà máy. EPA xác định tính đến năm 2020, lợi ích sức khỏe của việc điều chỉnh này sẽ vào khoảng 4-9 tỉ USD/năm. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) chỉ đề ra quy định hạn chế PM 2,5 ở mức 26 microgram/m3. Chuyên gia y tế Payam Dadvand thuộc Trung tâm Nghiên cứu bệnh dịch môi trường Barcelona (Tây Ban Nha) thừa nhận EU đã không tính đến các tác động của ô nhiễm không khí đối với quá trình mang thai khi đề ra quy định trên. “Giờ là lúc phải tư duy lại” - ông Dadvand khẳng định. Tags: Lá thư bác sĩÔ nhiễm không khíTrẻ sơ sinhNhẹ cân
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.