19/07/2020 08:57 GMT+7

Trẻ muốn gì khi nghỉ hè?

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Hôm nay (19-7), TP.HCM chính thức khởi động hoạt động hè 2020 trên toàn TP với mục tiêu xác lập rõ: hè vui, khỏe, bổ ích, an toàn.

Trẻ muốn gì khi nghỉ hè? - Ảnh 1.

Học bơi và phòng chống đuối nước cho trẻ là điều được nhiều cơ sở chú ý trong hoạt động hè - Ảnh: Q.L.

Hè an toàn là trên hết, trẻ cần được học thêm nhiều kỹ năng, trong đó phải biết về kỹ năng sinh tồn.

Ông DƯƠNG ANH ĐỨC (phó chủ tịch UBND TP.HCM)

Dù chỉ có hơn một tháng hè nhưng các chương trình, nội dung hoạt động đã được chuẩn bị từ sớm.

Kỹ năng sinh tồn

Trao đổi tại buổi làm việc cùng các đơn vị, sở, ngành TP trước ngày khai mạc hè, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức lưu ý "dù thời gian ngắn nhưng những ngày hè cho trẻ phải đảm bảo chất lượng tại từng cơ sở".

Nhắc lại câu chuyện cây đổ trong sân trường mới đây, ông Dương Anh Đức cho rằng dạy trẻ kỹ năng thực hành xã hội như chúng ta vẫn đang làm là rất cần thiết, song còn phải dạy trẻ kỹ năng sinh tồn. "Hoạt động hè phải xem an toàn là yếu tố đầu tiên và trên hết" - ông nhấn mạnh, đồng thời đề nghị lồng ghép việc giáo dục kỹ năng sinh tồn trong hoạt động để khi có tình huống bất ngờ xảy ra thì trẻ biết ứng xử phù hợp, an toàn nhất cho mình.

Phó chủ tịch UBND TP giao Thành đoàn phối hợp cùng Sở Y tế chuẩn bị tài liệu tuyên truyền về kỹ năng sinh tồn, sao cho "sản phẩm tuyên truyền cụ thể, trẻ dễ đọc, dễ hiểu". Song song đó, khi thiết kế chương trình chung, cần chú ý đến kỹ năng tự bảo vệ, phòng chống xâm hại cho trẻ em gái.

Năm nay, lần đầu tiên Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi TP.HCM mở trại hè "Vui cùng làn nước xanh". Giám đốc trung tâm Nguyễn Đăng Phúc cho biết như tên gọi, trại tập trung huấn luyện bơi hai buổi và kỹ năng phòng chống đuối nước mỗi ngày. Cùng với đó là kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích (tai nạn giao thông, điện giật, động vật cắn, ngã, bỏng…) kèm kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tự nhận thức bản thân. 

Trại sẽ có 6 ngày huấn luyện dành cho trẻ 6-11 tuổi, dự kiến diễn ra từ ngày 3 đến 8-8 tại Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi TP.HCM (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ).

Phó bí thư Thành đoàn Trần Thu Hà chia sẻ dù chỉ có một tháng hè nhưng mọi việc chuẩn bị rất khẩn trương. Ban chỉ đạo hoạt động hè TP.HCM năm nay thống nhất quan điểm trẻ chơi mà học, học mà chơi. Do vậy trong hoạt động hè đều lồng ghép dạy cho trẻ thêm bài học liên quan, trong đó kỹ năng là điều được chú trọng.

Theo chị Hà, nhiều sân chơi đã sẵn sàng chào đón các bạn nhỏ như: trại học kỳ hồng cho con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn, trại hè Thanh Đa đã trở thành truyền thống, học kỳ học từ thiên nhiên đưa trẻ trải nghiệm khám phá tự nhiên, ngày hội thiếu nhi vui đọc sách... 

"Học và trải nghiệm những điều từ chính thực tế cuộc sống xung quanh thông qua hoạt động vui chơi, giải trí để các em có một mùa hè nhẹ nhàng, bổ ích và được vui chơi đúng nghĩa" - chị Hà khẳng định.

Đặt hàng mùa hè

Khảo sát nhanh một số bạn nhỏ: "Em muốn gì khi nghỉ hè?", nhiều nguyện vọng được bày tỏ. Bạn Nguyên Khôi (Q.8) nói em muốn ăn, ngủ và chơi, không phải học thêm bất cứ cái gì! Bạn Phương Hân (Q.3): "Em sẽ tranh thủ học thêm tiếng Pháp để tự tin hơn khi lên lớp mới vì nghe nói chương trình tiếng Pháp lớp 6 khó hơn". Còn bạn Duy Anh (Q.5) khoe: "Mẹ đã đăng ký cho em khóa học bán trú ở nhà thiếu nhi, em sẽ vừa học vừa chơi ở đó".

Với phụ huynh, hè cũng là bài toán khó khi vừa đảm bảo chuyện đi làm vừa lo cho con. Chị Ngọc Minh (Q.9) cho biết con sẽ ở nhà với bà và tuần cuối hè cả nhà tranh thủ đi Vũng Tàu nghỉ ngơi ít ngày trước khi con vào năm học mới. Còn ông Phú Nghĩa (Q.3) mong có nhiều khóa học ngắn hạn giúp trẻ rèn luyện kỹ năng nhưng đừng gò ép quá. "Các cháu còn nhỏ, nên học theo hình thức chơi là chính nhưng lồng nội dung cần nhớ vào là được, không cần phải nhớ hết, chỉ những cái cơ bản thôi" - ông Nghĩa đề xuất.

Chị Trần Thu Hà nói nhiều bài học đơn giản, dễ nhớ sẽ được cập nhật trên các trang thông tin điện tử, fanpage của Đoàn như: rửa tay đúng cách phòng chống dịch bệnh nói chung chứ không chỉ là COVID-19, giữ vệ sinh thân thể, tham gia giao thông có văn hóa... 

"Chúng tôi đang củng cố, hoàn thiện bộ phận tư vấn hiện có của Nhà Thiếu nhi TP để có thể ra mắt câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp thành. Dựa vào đội ngũ chuyên gia, câu lạc bộ sẽ tư vấn pháp lý, tâm lý, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em, tư vấn mối quan hệ cha mẹ - con cái..." - chị Hà thông tin.

Không giảm phí sinh hoạt hè

Dù chỉ còn một tháng hè song kinh phí chi cho sinh hoạt hè vẫn giữ nguyên như năm trước. Cụ thể, với trẻ ở các quận, kinh phí dành cho mỗi bạn là 40.000 đồng; với trẻ ở các huyện, số tiền này là 47.000 đồng/em. Cứ lấy tổng số trẻ trên địa bàn nhân với số tiền nêu trên sẽ ra tổng kinh phí mỗi địa phương chi cho hoạt động hè cơ sở.

TP cũng giao các quận, huyện bố trí ngân sách cho các lớp bồi dưỡng kiến thức, dạy năng khiếu, ngoại ngữ, sân chơi thể thao... cho trẻ tại khu lưu trú văn hóa trên địa bàn. Ngoài chi kinh phí từ ngân sách, địa phương, đơn vị vận động thêm từ nguồn xã hội hóa cho hoạt động.

20.000 thiếu nhi được học kỹ năng thực hành dịp hè 20.000 thiếu nhi được học kỹ năng thực hành dịp hè

TTO - Chiều 16-8, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động hè năm 2019 với chủ đề 'Thành phố của em, thành phố màu xanh' nhằm đánh giá hoạt động 2 tháng qua.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên