17/08/2024 13:04 GMT+7

Trẻ mắc bệnh sởi cần ăn uống như thế nào?

Trong 2 tuần gần nhất, số trẻ em mắc bệnh sởi tại TP.HCM vẫn tiếp tục tăng. Vậy khi trẻ mắc bệnh sởi, cần cho trẻ ăn uống như thế nào?

Trẻ mắc bệnh sởi cần ăn uống như thế nào? - Ảnh 1.

Trẻ mắc bệnh sởi nên ăn các loại thức ăn có màu đỏ - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Ngân - khoa khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, bệnh sởi là bệnh gây ra bởi vi rút sởi nên có thể truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ...

Bệnh sởi có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh. Bệnh sởi có thể gây thành dịch.

Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

Trẻ suy dinh dưỡng không có miễn dịch đủ tốt để giúp cơ thể chống lại vi rút và khiến cơ thể chậm hồi phục, nên khi mắc bệnh sẽ nặng và kéo dài hơn so với trẻ có dinh dưỡng đầy đủ.

Để phòng tránh trẻ bị suy dinh dưỡng, theo bác sĩ Kim Ngân, bữa ăn cho trẻ cần có đủ 4 món cân đối.

Ngoài cơm cung cấp nǎng lượng, cần có đủ 3 món nữa là rau quả cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ; đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng cung cấp chất đạm, béo và canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ǎn ngon miệng.

Đồng thời cần giữ vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ǎn và sau khi đi đại tiểu tiện.

Chế độ ăn cho trẻ mắc bệnh sởi nên được bổ sung vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt.

Các thức ăn có chứa nhiều vitamin A như các loại thức ăn có màu đỏ, cam gồm bí đỏ, cà rốt, cà chua, khoai lang, ớt chuông, gấc, quả xoài, dưa lưới, thịt bò, trứng, dầu cá…

Chế độ ăn cho trẻ mắc bệnh sởi nên là thức ăn được nấu mềm như cháo, xúp, canh… chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa.

Bổ sung đủ nước bằng cách uống thêm nước điện giải, canh, nước trái cây… do trẻ sốt dễ bị mất nước.

Xử lý triệt để ổ dịch sởi tại thành phố Thủ Đức

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, với địa bàn rộng, phức tạp, TP Thủ Đức đã ghi nhận các ổ dịch sởi trên địa bàn. Đối với dịch bệnh sởi, trên địa bàn thành phố Thủ Đức đã ghi nhận 13 ca mắc bệnh, trong đó xuất hiện ổ dịch với 9 ca bệnh tại phường Bình Chiểu và đa số là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin phòng bệnh sởi.

Với đặc điểm địa bàn phức tạp, giáp ranh với tỉnh Bình Dương và thường xuyên có sự biến động dân số nên hoạt động quản lý trẻ trong độ tuổi tiêm chủng tại phường Bình Chiểu cũng gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - đề nghị thành phố Thủ Đức cần rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ để thực hiện tiêm bù vắc xin phòng bệnh sởi, nhất là những trẻ sống tại các khu nhà trọ, mái ấm, nhà mở, cơ sở bảo trợ xã hội.

Trẻ mắc bệnh sởi cần ăn uống như thế nào?- Ảnh 3.Nhiều bệnh nhi nội trú được chích ngừa vắc xin sởi miễn phí

TS Ngô Ngọc Quang Minh (phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1) cho hay với những trẻ chưa được tiêm đủ hai mũi sởi sẽ được bác sĩ khám miễn phí, xem có đủ điều kiện để chích ngừa vắc xin sởi hay không.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên