"Con tôi đang học lớp 12 tại một trường chuyên có tiếng trong TP, con tính thi vào trường y khoa. Thời gian này, ngày nào con tôi cũng học từ sáng sớm đến hơn 9h tối mới về đến nhà", Chị H.V.B., 48 tuổi, ngụ tại quận 8, kể.
Học mệt đến mức không ăn nổi cơm
"Con "lê lết" về đến nhà với gương mặt mệt phờ. Hộp cơm mua tính tranh thủ ăn lúc tan học để đến lớp học thêm vẫn còn nguyên. Tôi nhẹ nhàng hỏi con: "Sao con không ăn cơm vậy?", con chỉ trả lời: "Con mệt quá, ăn không nổi".
Lúc này, hai vợ chồng tôi hỏi con có ăn gì thêm không, con nói con không muốn ăn nữa. Tôi vội vàng đi pha ly sữa để con uống cho có sức học bài tiếp trong đêm", chị B. kể.
Theo chị B., ngày nào con chị cũng có lịch học dày đặc như thế. Từ sáng đến chiều học tại trường. Sau đó, con đến các lớp học thêm và hơn 9h tối mới được về nhà. Dù xót con nhưng chị B. cũng cho rằng với những yêu cầu về thi cử như hiện nay, con chị phải học thêm và "cày" bài vở đến tận khuya mới có cơ hội đỗ vào trường y khoa.
Ngay cả nhiều học sinh tiểu học cũng học từ sáng đến tận khuya. Có phải cứ học nhiều như vậy, trẻ sẽ học giỏi hay không? Không phụ huynh nào dám khẳng định nhưng các bậc phụ huynh chia sẻ bản thân họ có tâm lý yên tâm khi đưa con đi học thêm, chứ con người ta đi học thêm mà con mình không đi học thêm thì lo lắng lắm.
Bé K., ngụ ở quận Phú Nhuận, mới học lớp 4 nhưng bé cũng học từ sáng đến chiều, sau đó lại đến các lớp học thêm như tiếng Anh, toán, tiếng Việt. Những bậc phụ huynh này có thể chở con đi học thêm chứ nói đến chở con đi học bơi, hay các môn thể thao, hoặc đi học các môn năng khiếu như đàn, nhạc thì thường hay ngại ngần.
Chị N.T.H., 38 tuổi, ngụ ở quận 4, có con út đang học lớp 3, chia sẻ: "Tôi cũng biết khi chơi thể thao, học môn năng khiếu sẽ tốt cho trẻ nhưng cứ chở con đi học thêm các môn văn hóa tôi thấy có động lực, chứ nghĩ đến việc chở con đi bơi, đi học vẽ, đàn thì cứ hôm nay lại hứa đến ngày mai".
"Trẻ học quá nhiều như vậy, liệu có khả năng tiếp thu được hết kiến thức trẻ học trong ngày học hay không? Trẻ ngồi suốt nhiều giờ trong ngày như vậy có những ảnh hưởng về cột sống, không có khả năng sáng tạo?", chị N.M.K., 40 tuổi, ngụ ở quận 11, có những suy nghĩ như vậy nên chị không cho con học thêm môn gì.
Khác với rất nhiều bà mẹ khác, chị K. cho rằng trẻ chỉ nên ngồi học một buổi trên lớp. Còn nếu tổ chức học hai buổi, buổi chiều nên cho các cháu chơi các môn thể thao, hoặc phát triển các năng khiếu..., chứ không nên cứ bắt trẻ ngồi cả ngày như thế.
Theo chị K., một đứa trẻ muốn phát triển tốt cần được phát triển hài hòa, cân bằng chứ không phải học suốt từ sáng đến tối. Chị K. luôn mong muốn ngành giáo dục hãy giảm tải việc học, thi cử để các cháu có nhiều thời gian vui chơi hơn.
Vui chơi giúp trẻ tự hoàn thiện bản thân
Bác sĩ Đinh Thạc, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khẳng định vui chơi là một hoạt động quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Khi đó, trẻ sẽ hào hứng với tất cả các công việc, nhất là việc học.
Thế nhưng trong cuộc sống hiện nay, nhiều trẻ em chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, hết ở nhà lại đến trường. Trẻ phải học rất nhiều, không được tiếp xúc với những trò chơi yêu thích. Nếu quan sát sẽ thấy những trẻ này hay cáu gắt, dễ gây hấn với những người xung quanh.
Theo bác sĩ Thạc, các trò chơi thư giãn và vận động có sự phối hợp với nhiều người như chơi bóng, đánh cầu lông, chạy bộ, đạp xe với các bạn... là hoạt động mang lại lợi ích cho sức khỏe và phát huy được tính khéo léo, phối hợp đồng đội của trẻ. Những trẻ có sự khéo léo như vậy khi ra đời dễ thành công hơn. Vui chơi, vận động thường xuyên còn giúp trẻ sẽ có một cơ thể cân đối, hệ miễn dịch được kích hoạt nên ít bị ốm đau.
Bác sĩ Đinh Thạc còn lưu ý thêm trẻ em phải ngồi quá nhiều giờ đồng hồ trong một ngày như vậy sẽ gây mệt mỏi. Xương phải vận động mới phát triển được. Xương không vận động được sẽ gây cứng xương, có nguy cơ rối loạn phát triển.
Bác sĩ Đinh Thạc cũng cho biết trẻ được học những môn năng khiếu sẽ có tư duy, nhận thức tốt hơn, khéo léo trong vận động, giúp trẻ đỡ căng thẳng.
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng một đứa trẻ mà học suốt từ sáng đến chiều, sau đó lại đi học thêm tiếp đến tối muộn thì sẽ không tốt cho trẻ. Theo nhà giáo dục Uyên Phương, trẻ cần có cả hai loại thời gian trong một ngày. Đó là thời gian có cấu trúc (là khi các em tham gia các hoạt động có tính tổ chức như học hành) và thời gian trẻ tự định đoạt (được nghỉ ngơi, được giải trí, được nằm dài vẩn vơ suy nghĩ...).
Nếu trẻ học suốt từ sáng sớm đến tận khuya sẽ rất căng thẳng, như một cỗ máy chạy không ngừng. Do vậy, trong một ngày, trẻ cần có thời gian tự định đoạt để được thả lỏng, thời gian trẻ có quyền tự định đoạt nên chiếm tối thiểu 1/3 tổng thời gian hoạt động của trẻ trong ngày.
Nhà giáo dục Uyên Phương ví von nếu như Newton không có thời gian thơ thẩn ngồi dưới gốc cây táo để nhìn và suy ngẫm về một quả táo ngẫu nhiên rơi xuống thì không thể phát minh ra Định luật vạn vật hấp dẫn.
Nếu có thời gian rảnh, các em hay thích chơi điện thoại, sa vào những thú vui vô bổ. Nên để trẻ biết cách sử dụng thời gian tự định đoạt một cách hữu ích, ngay từ khi trẻ còn nhỏ các bậc cha mẹ đã phải giúp con hình thành những thói quen tốt như đọc sách, tự giác làm việc nhà, biết lựa chọn những thú vui lành mạnh cho mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận