06/04/2015 14:32 GMT+7

Trẻ HIV bị hành hạ trong bữa ăn: thương các cháu quá

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Tội quá! Những đứa trẻ bị nhiễm HIV này có tội tình gì? Bản thân trẻ có hiểu được HIV là cái gì?.. là những lời cảm thán của bạn đọc Lâm Phúc Hoành khi đọc bài Hành hạ trẻ HIV trong bữa ăn.

Bảo mẫu bạo hành trẻ nhiễm HIV trong bữa ăn - Ảnh trích từ clip của Ngọc Khải - Hải Hiếu

Cũng như bạn đọc Phúc Hoành, đã có hơn 100 ý kiến bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online bày tỏ những cảm xúc đau lòng, lẫn phẫn nộ sau khi đọc bài viết này.

TTO xin trích đăng:

* Trường tôi hằng năm đều vận động học sinh quyên góp tiền để gửi cho trung tâm, chia sẻ khó khăn phần nào với các em và các nhân viên, giáo viên làm ỏ trung tâm Linh Xuân. Vậy mà... Xem những hình ảnh này thấy chạnh lòng quá! Đề nghị các ban ngành, chức năng làm việc lại với trung tâm, đây là trung tâm nuôi dưỡng chứ không phải là trung tâm bạo hành.

Phan Xuan Hoang 

* Nhiều chuyện đau lòng quá. Đau hơn hết là những hình ảnh người lớn bạo hành trẻ em. Đều là trẻ thơ, là con, em, cháu của chúng ta hết. 

Minh Thanh 

* Đọc và xem hình mà tôi như nghẹt thở vì thương các cháu, vì giận các bảo mẫu. Ngẫm sao kiếp làm người của các cháu khổ thế, cha mẹ bỏ rơi, bệnh tật, thời gian sống ngắn ngũi mà còn bị hành hạ nhẫn tâm kiểu này.

Xin hãy cho các bé cảm nhận được tình đồng loại, tình yêu thương của con người trong cuộc đời quá ngắn của các bé.

Bình Phương 

Động tác nhai rất cần thiết cho bất kỳ người nào, cho dù là người lớn hay trẻ nhỏ, vì nó tạo điều kiện để nước bọt tiêu hóa tinh bột.

Thật là sai lầm khi đút trẻ ăn muỗng (thìa) đầy, vì khoang miệng chật cứng thì trẻ không còn có chỗ để nhai, thành ra phải ngậm và ăn lâu, và gây bực bội cho người lớn. 

Đâu phải cứ nấu nhừ thành cháo thì không cần nhai, tinh bột dù nhuyễn đến mức nào cũng cần được chuyển hóa thành dạng đường thì cơ thể mới có thể hấp thu.

Tốt nhất là nên cho trẻ tự ăn, nếu kẹt quá phải đút thì cũng nên đút bằng thìa (muỗng) vơi, để trẻ có thể nhai.

Mai Quang Huy

* Đọc bài giữa chừng nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Trách những người đang tâm hành hạ trẻ em bất hạnh, những trẻ em khổ tận cùng bị bỏ rơi lại còn bị hành hạ.

Ông bà có câu "Trời đánh còn tránh bữa ăn". Những đứa trẻ lai gào thét trong khi ăn. Lãnh đạo trực tiếp, gián tiếp trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ Linh Xuân này nghĩ gì đây?

Nguyễn Trường Giang

* Ám ảnh, nhìn thoáng thôi chứ không dám đọc thêm...dù một dòng nào đó...Nhòe cả mắt... Thương.

Kim Anh

* Hãy thương yêu những mảnh đời bất hạnh này bằng cả trái tim và lòng nhân ái!

Đề nghị những cô bảo mẫu này cư xử với các em một cách có tình người! Không để các em chịu bất hạnh thêm nữa!

Ama Quyềnh 

* Trẻ em là đối tượng thường xuyên phải chịu sự hành hạ vô cớ của người lớn trong những cơn tức giận.

Tôi nghĩ, với những môi trường của trẻ em, ngoài việc giáo dục tâm lý hiểu trẻ cho những người dạy dỗ cần phải xét đến yếu tố "người day dỗ có tính thần yêu trẻ hay không"...

Tôi cũng là một người mẹ, mỗi lần đọc những tin hành hạ trẻ em trên mạng tôi cảm thấy xót xa cho những đứa trẻ. Xã hội muốn phát triển cần có một thế hệ trẻ mạnh mẽ, tự tin... nhưng nếu bị đối xử như thế này thì chắc chắn các em sẽ trở thành những đứa trẻ hoặc bướng bỉnh hoặc tự ti.

Cần phát động phòng trào bảo vệ quyền trẻ em trên toàn quốc bằng những quy định phạt, áp phích khích lệ trong mỗi trường học và trong những gia đình nhận nuôi trẻ.

Ví dụ như "Hãy chăm sóc trẻ bằng tình yêu người mẹ", " Môi trường trường học là môi trường yêu thương, không có bạo lực"...

Và ban hành quy định phạt với cả trường học và giáo viên có hành động bạo lực để răn đe. Khuyến khích mọi người tố cáo những hành vi này để mọi người mẹ khi gởi con mình cũng cảm thấy an tâm hơn.

Những đứa trẻ trong bài viết này lạ là những trẻ em bất hạnh hơn những trẻ em bình thường, trong mình đang mang căn bệnh thế kỷ, thì người chăm sóc cần phải có tình thương với trẻ nhiều hơn.

Tôi hy vọng các em sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự yêu thương từ mọi người.

LT.THUTHUY 

Tôi đã từng đến đây thăm các em nhân 1 chuyến từ thiện.

Hình ảnh những khuôn mặt ngây ngô đáng yêu của các em làm trái tim mọi người như nhói đau, ray rứt.

Những mảnh đời côi cút, khổ đau.

Tại sao trên cuộc đời lại có những người mẹ, người cha đoạn đành cắt lìa núm ruột, họ còn sống hay đã chết ?

Hay vì mặc cảm đau buồn hoặc vô trách nhiệm mà họ rời bỏ các em?

Tại sao các em lại phải gánh lấy một số phận trái ngang, oan nghiệt đến vậy?

Quãng đời còn lại phía trước là quá ngắn ngủi khi các em đang mang trong mình cơn bạo bệnh - căn bệnh thế kỷ ( HIV ).

Nhìn những ánh mắt trong veo nhưng chứa đầy nỗi niềm u uẩn làm cho người lớn càng thêm chua xót.

Ngần ấy tuổi đời các em đã phải đối diện với bệnh tật, thiếu thốn, cô đơn, tự ti, mặc cảm.

Sự kỳ thị của mọi người là vết thương lòng không thể xóa nhòa trong ký ức đau thương.

Đừng để một ai cô đơn trên cõi đời, đặc biệt là những sinh linh bé bỏng.

Xin cho các em một chút tình thương, một chút lòng nhân ái.

Nguyễn Nhất Đóa Vân 

 

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên