Trong khi đó, nhiều khuyến cáo trước đại dịch COVID cho rằng trẻ chỉ nên sử dụng Internet từ 2-3 giờ mỗi ngày.
Tại buổi tọa đàm "SNET - Online chuẩn, mùa hè vui" do Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức vào ngày 10-6, nhiều chuyên gia cho rằng trẻ em Việt Nam đang sử dụng Internet quá mức.
Bà Nguyễn Phương Linh, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), cảnh báo: "Chúng ta phải rất lưu tâm khi mùa hè không phải đi học, ít sự quản lý của cha mẹ, trẻ có thể gia tăng hơn nữa thời lượng sử dụng Internet khiến các em dễ gặp các bệnh về mắt, đặc biệt là cận thị, ít vận động, ít giao tiếp với bên ngoài".
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nga, phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cũng cho rằng:
"Trẻ sử dụng Internet quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng nghiện Internet và trở thành bệnh rất khó chữa. Ngoài ra khi lên mạng, bên cạnh các lợi ích, trẻ rất dễ gặp các rủi ro như xem các hình ảnh, thông tin nội dung độc hại và không phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, lộ bí mật đời sống riêng tư, bắt nạt trên mạng, bị lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo tham gia các hành vi không phù hợp, vi phạm pháp luật...".
Ông Vũ Ngọc Sơn - giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS - cho rằng cha mẹ cần từng bước đồng hành, quản lý con trẻ sử dụng Internet.
Theo ông Sơn, đầu tiên cha mẹ cần tự tìm hiểu các nội dung trên Internet như một hình thức review nhanh trước, chọn các website các kênh có nội dung phù hợp để định hướng cho các con. Sau đó cần thống nhất với con về danh sách các website, các kênh mà con nên truy cập.
Tiếp theo, cần thống nhất với con về thời gian và vị trí được sử dụng thiết bị điện tử. Cha mẹ nên chọn vào các khung giờ con thoải mái, tỉnh táo, tránh các khung giờ trước khi đi ngủ.
Thống nhất các con chỉ được vào Internet ở các khu vực sinh hoạt chung của gia đình như phòng khách, phòng làm việc của bố mẹ để tiện quan sát con, không đồng ý cho con sử dụng thiết bị điện tử và Internet tại các khu vực riêng khó quan sát trong nhà như phòng ngủ. Điều này giúp tạo thói quen tốt cho con về việc dùng Internet lành mạnh, hiệu quả.
Ông Ngô Tuấn Anh - nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Công ty an ninh mạng thông minh SCS - nhấn mạnh: "Phụ huynh không nên có các quyết định tiêu cực như cấm đoán toàn bộ, không cho phép sử dụng".
Bà Nguyễn Phương Linh cũng cho rằng cha mẹ hãy tiếp cận với con theo phương pháp đồng hành. Đó là không tìm cách dạy dỗ, bắt ép, kiểm soát mà bằng tình yêu thương, hỏi han và tìm hiểu các trải nghiệm của con trên mạng. Bên cạnh đó, cùng con trò chuyện, tâm sự và tìm ra các giải pháp cho các tình huống, các vấn đề con có thể gặp phải trên mạng.
Ông Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam):
Ứng dụng công nghệ quản lý con trẻ
Cha mẹ có thể nhờ đến phần mềm Digital Wellbeing có sẵn trên điện thoại Android để quản lý thời gian sử dụng. Tiếp đó, cha mẹ thiết lập một giới hạn thời gian rõ ràng cho trẻ chơi game mỗi ngày.
Cha mẹ cũng có thể sử dụng các công cụ kiểm soát và cấu hình thiết bị như tính năng "Parental Control" trên các máy tính, điện thoại hoặc các ứng dụng quản lý thời gian sử dụng để giúp quản lý và giới hạn trẻ sử dụng thiết bị.
Tiếp đó, hãy thảo luận và đồng thuận với trẻ về thời gian hợp lý để tránh việc nghiện game.
Song song đó, cha mẹ cũng nên định kỳ kiểm tra lại nhật ký truy cập của trình duyệt (history trên trình duyệt) hoặc thời gian sử dụng của các phần mềm trên điện thoại, máy tính để nhắc nhở kịp thời nếu con có lạm dụng hoặc vi phạm "thỏa thuận" đã thống nhất trước đó.
Cha mẹ có thể tham khảo bộ trò chơi cyberhome.vn (của CyberKid) để bổ sung thêm kiến thức về an toàn mạng và những thông tin bổ ích khác cho trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận