Ngày nay cha mẹ có xu hướng cho con mình tiếp xúc nhiều hơn với internet để học hỏi, giải trí. Đây là điều khó tránh khỏi bởi công nghệ ngày càng gắn chặt với đời sống, học tập, phát triển của con người, nhất là trẻ em.
Tuy nhiên, nếu thiếu sự kiểm soát của cha mẹ, trẻ có thể dễ dàng tiếp xúc với những tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và phát triển của trẻ.
Những hiểm họa tiềm ẩn
Những ngày hè vừa bắt đầu, nhiều bậc cha mẹ sẽ có tâm lý cho con chơi thả cửa sau một năm học vừa qua, trong đó có việc cho trẻ ôm điện thoại, máy tính bảng, laptop trong nhiều giờ liền, thậm chí suốt cả ngày - một phần vì phần lớn cha mẹ đều bận rộn với công việc, không có nhiều thời gian trông trẻ.
Thế nhưng, không nhiều người biết rằng chỉ trong ít giờ ở trên thế giới ảo rộng lớn, trẻ có thể tiếp xúc với rất nhiều điều, nhiều người mà các bậc cha mẹ không thể nào ngờ.
Theo thống kê trực tuyến của trang Uswitch, có đến 91% trẻ em từ 3-15 tuổi chơi game trên một số thiết bị cụ thể. Đối với một số trò chơi, trò chuyện bằng giọng nói và tin nhắn chưa thông qua kiểm duyệt là một phần quan trọng của trải nghiệm.
Ngày càng nhiều người trẻ tuổi tham gia các hoạt động trực tuyến, tội phạm mạng có xu hướng kết bạn, tặng trẻ nhiều món quà giá trị hoặc hứa hẹn nhằm xây dựng lòng tin với nạn nhân.
Sau khi có được sự tin tưởng, tội phạm mạng sẽ đánh cắp thông tin cá nhân bằng cách yêu cầu nạn nhân nhấp vào liên kết lừa đảo để tải tệp độc hại xuống thiết bị của họ được ngụy trang dưới dạng mod trò chơi.
Vừa mới đây, các nhà nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky đã phát hiện ra các lỗ hổng trong robot đồ chơi thông minh có thể biến trẻ em trở thành mục tiêu cho tội phạm mạng. Lỗ hổng này cho phép tin tặc kiểm soát hệ thống robot để trò chuyện video với trẻ em mà không cần thông qua sự đồng ý của cha mẹ.
Chưa dừng lại ở đó, các rủi ro liên quan đến ứng dụng của hệ thống robot này còn mở ra các mối nguy hiểm khác, như các thông tin cá nhân của trẻ gồm tên, giới tính, độ tuổi và thậm chí cả vị trí địa lý cũng có thể bị đánh cắp.
Đây là một loại robot đồ chơi trẻ em chạy bằng hệ điều hành Android trang bị camera và micro, tận dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng, gọi tên trẻ em, tự động điều chỉnh phản hồi dựa trên tâm trạng của trẻ và sau một thời gian, robot sẽ làm quen với trẻ.
Để khai thác hết các tính năng của robot, phụ huynh cần tải xuống ứng dụng điều khiển trên thiết bị di động. Ứng dụng này cho phép cha mẹ theo dõi quá trình học tập của trẻ và thậm chí thực hiện cuộc gọi video với trẻ thông qua robot.
Ở giai đoạn thiết lập, cha mẹ được hướng dẫn kết nối robot với thiết bị di động của họ thông qua Wifi, sau đó, họ sẽ cung cấp tên và tuổi của trẻ cho thiết bị. Tuy nhiên, các chuyên gia Kaspersky đã phát hiện ra một vấn đề bảo mật đáng lo ngại: giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface) yêu cầu thông tin trẻ lại thiếu tính năng xác thực, trong khi đây là bước kiểm tra quan trọng để xác nhận ai được phép truy cập vào nguồn mạng của người dùng.
Điều này tiềm ẩn nguy cơ tội phạm mạng có thể can thiệp và đánh cắp nhiều loại dữ liệu, bao gồm tên, tuổi, giới tính, quốc gia cư trú và thậm chí cả địa chỉ IP của trẻ, bằng cách ngăn chặn và phân tích tần suất truy cập mạng.
Lỗ hổng này cho phép kẻ gian kích hoạt cuộc gọi video trực tiếp với trẻ, hoàn toàn bỏ qua sự đồng ý từ tài khoản của cha mẹ. Nếu trẻ chấp nhận cuộc gọi, kẻ tấn công có thể trao đổi bí mật với trẻ mà không cần sự cho phép của cha mẹ.
Trong trường hợp này, kẻ tấn công có thể thao túng, dụ dỗ trẻ ra khỏi nhà hoặc hướng dẫn trẻ em thực hiện các hành vi nguy hiểm.
Trẻ em đang là mục tiêu của tội phạm mạng
Ông Nikolay Frolov, nhà nghiên cứu bảo mật cấp cao của Kaspersky ICS CERT, nhận xét: "Khi mua đồ chơi thông minh, điều quan trọng không chỉ là tính giải trí và giáo dục của chúng mà ta còn nên để tâm đến cả các tính năng an toàn và bảo mật.
Mặc dù có một nhận định chung rằng giá cao đồng nghĩa với việc bảo mật tốt hơn, nhưng cần lưu ý rằng ngay cả những loại đồ chơi thông minh đắt tiền nhất cũng không hoàn toàn miễn nhiễm với các lỗ hổng mà kẻ tấn công có thể lợi dụng".
Do đó, ông Nikolay Frolov khuyến cáo cha mẹ phải xem kỹ những đánh giá về đồ chơi, luôn cập nhật phiên bản mới nhất cho các thiết bị thông minh và giám sát chặt chẽ các hoạt động vui chơi của trẻ.
Một thực tế hiện nay là tuyệt đại đa số trẻ em đều rất mê chơi game, chơi game nhiều khi là mục đích cao nhất của chúng mỗi ngày. Để chơi được game hoặc vượt qua một số chướng ngại cơ bản như: cha mẹ cấm không cho cài ứng dụng, tường lửa ngăn chặn…
Trẻ đôi khi sẽ tìm kiếm các ứng dụng thay thế, và những ứng dụng đó thường là bản sao độc hại. Thậm chí ngay cả khi chuyển sang các cửa hàng ứng dụng chính thức như Google Play, chúng vẫn có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mạng.
Từ năm 2020 đến năm 2022, các nhà nghiên cứu của Kaspersky đã phát hiện hơn 190 ứng dụng bị nhiễm Trojan có tên Harly trên Google Play, khiến người dùng đăng ký các dịch vụ trả phí mà họ không hề hay biết. Ước tính về số lượt tải xuống các ứng dụng này là 4,8 triệu, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn.
Andrey Sidenko, chuyên gia bảo mật và quyền riêng tư tại Kaspersky, cho biết: "Nhiều xu hướng đang diễn ra trong xã hội đang ảnh hưởng đến trẻ em, khiến chúng trở thành mục tiêu tiềm năng của những kẻ tấn công.
Do đó, điều quan trọng là phải dạy trẻ những kiến thức cơ bản về an ninh mạng ngay từ khi còn nhỏ để không rơi vào bẫy của tội phạm mạng, những mối đe dọa mạng có thể xảy ra khi chơi game và cách bảo vệ dữ liệu cá nhân đúng cách.
Tất cả những điều này giờ đây là kiến thức cần phải có không chỉ đối với người lớn mà còn đối với những người dùng nhỏ tuổi nhất".
Tính năng Gia đình Thông minh cho phép cha mẹ liên kết tài khoản TikTok của mình với con, đồng thời hỗ trợ thiết lập các điều khiển như quản lý thời gian truy cập, chế độ hạn chế và tin nhắn trực tiếp.
Qua đó, tính năng cung cấp cho các bậc phụ huynh sự thấu hiểu kỹ càng và giúp họ quản lý hoạt động trên TikTok của con một cách hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận