Em Nguyễn Thị Thanh Hoài (Quảng Trị): Các cơ quan chức năng làm gì để ngăn chặn tình trạng bạo lực trẻ em? - Ảnh: DANH TRỌNG |
Với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, cuộc đối thoại giữa các em học sinh với đại diện các bộ ngành chức năng tại diễn đàn ngày 26-8 rất "nóng" với những vấn đề thời sự.
Em Nguyễn Thị Thanh Hoài (Quảng Trị) cho rằng bạo lực trẻ em đang diễn ra phổ biến và có xu hướng gia tăng. "Các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?", Hoài đặt câu hỏi.
Trả lời em, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: "Những người quan tâm đến trẻ em như cha mẹ, thầy cô, thầy thuốc chữa bệnh cho trẻ em, đều cần lên tiếng tố cáo những hành vi bạo lực với trẻ em".
Khi phát hiện các hành vi đó, các em và người lớn hãy gọi đến số điện thoại đường dây nóng 18001567 - tổng đài bảo vệ trẻ em, đồng thời thông báo cho công an, UBND địa phương nơi trực tiếp xảy ra vụ việc.
"Thời gian tới, mỗi UBND sẽ có một người chuyên tiếp nhận những thông tin tố cáo bạo lực trẻ em", ông Đặng Hoa Nam cam kết.
Em Hải Linh (Trà Vinh) hỏi chính quyền làm gì để thay đổi tư tưởng dạy con “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” còn nặng nề trong nhiều gia đình.
Theo ông Nam, chính các bậc cha mẹ cũng cần được giáo dục kỹ năng phòng chống bao lực trẻ em, học cách nuôi dạy trẻ tích cực, có kỷ luật nhưng không bạo lực. "Trẻ em cũng cần biết cách phòng ngừa, tránh xa những bạo lực do mình gây ra cho người khác và người khác gây ra cho mình", ông Nam nói.
Bà Trần Thị Hương - phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - khẳng định các gia đình sử dụng phương pháp này để giáo dục con cái là vi phạm pháp luật.
"Chúng tôi có nhiều chương trình giáo dục cha mẹ để họ hiểu đánh đập con là phạm luật. Cộng đồng, cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ và có chế tài xử phạt đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi dùng roi vọt để răn dạy trẻ", bà Hương cho biết.
Em Nguyễn Thị Thu Minh (Hải Phòng): Việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào trường mẫu giáo, tiểu học đã được thực hiện như thế nào? - Ảnh: DANH TRỌNG |
Em Nguyễn Thị Thu Minh (Hải Phòng) nêu vấn đề: "Hiện nay, trẻ mẫu giáo, tiểu học là đối tượng dễ bị bạo hành nhất, vì các em chưa có đủ kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân. Việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào trường mẫu giáo, tiểu học đã được thực hiện như thế nào?"
Ông Ngũ Duy Anh - vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Bộ Giáo dục đào tạo - đồng tình cần thiết giáo dục kỹ năng sống một cách bài bản cho lứa tuổi mầm non.
"Các thầy cô nên hướng dẫn cho các cháu nhận biết các nguy cơ bạo lực trẻ em. Giáo viên mầm non cần có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, hiểu trách nhiệm của mình trong phòng chống bạo lực trẻ em", ông Duy Anh cho biết đang xây dựng tài liệu tham khảo về kỹ năng sống cho trẻ.
Em Diệu Hân (Hậu Giang) mở rộng vấn đề: "Trẻ em cơ nhỡ không nơi ngương tựa, khi bị ức hiếp hoặc có hành vi bạo lực, có thể dựa vào ai?"
Đại tá Nguyễn Văn Pháp - phó cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác quần chúng Tổng cục Chính trị Công an ND - giải đáp: "Khi trẻ em lang thang, cơ nhỡ bị bạo hành, các em cần tìm đến cơ quan công an, UBND xã phường để tố cáo. Các cơ quan chức năng sẽ dùng mọi biện pháp để bảo về quyền lợi của các em".
Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 diễn ra ngày 26-8, quy tụ hơn 200 trẻ em từ 50 tỉnh, thành. “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” là thông điệp của diễn đàn năm nay. Các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các em sẽ được cơ quan chức năng tiếp thu, cập nhật trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, dự án, đề án liên quan đến trẻ em. |
Tại diễn đàn, các đại diện trẻ em cũng lên tiếng về các vấn đề bạo lực trẻ em... - Ảnh: DANH TRỌNG |
... tảo hôn... - Ảnh: DANH TRỌNG |
... hay an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh: DANH TRỌNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận