Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SC) đang thực hiện nghiên cứu tìm hiểu rủi ro do biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của trẻ em đô thị tại ba thành phố của ba quốc gia châu Á: Khulna (Bangladesh), Đà Nẵng (Việt Nam), Manolos (Philippines).
Các thành phố được lựa chọn trong nghiên cứu này là thành phố thứ cấp, với dân số ít hơn một triệu người. Chương trình được thực hiện với sự tài trợ của Học viện Quốc tế về môi trường và phát triển (IIED) thông qua quỹ Rockerfeller.
Sở Giáo dục - Đào tạo TP.Đà Nẵng cho biết, thực trạng của tình hình thiên tai tại địa phương khá nghiêm trọng. Hàng năm, thành phố hứng chịu ít nhất một tới hai cơn bão, tình trạng lũ lụt diễn ra thường xuyên, các trường học ở vùng thấp trũng đều bị ngập lụt khoảng 1,5-1,8 m mỗi năm. 100% các trường học và đơn vị quản lý giáo dục trên địa bàn đều thừa nhận tác động của biến đổi khí hậu cũng như quá trình đô thị hoá ảnh hưởng lớn tới trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật rất nghiêm trọng.
Dưới tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đã làm tăng bệnh tật, lây lan bệnh truyền nhiễm và trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do khả năng chống chịu của các em rất thấp, lại ít có khả năng, cơ hội được trợ giúp trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện Sở Giáo dục - Đào tạo TP.Đà Nẵng đang thực hiện phổ cập những tác động của biến đổi khí hậu, kỹ năng trong phòng, chống thiên tai cho học sinh trên địa bàn. Cơ quan này cũng đang biên soạn giáo trình tích hợp khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vào các môn học có liên quan của học sinh các cấp, qua đó giúp các em phần nào nâng cao nhận thức cũng như có những kỹ năng cần thiết trong quá trình tự bảo vệ mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận