13/09/2023 09:18 GMT+7

Trẻ em bị đuối nước: Nên khởi tố, xử điểm nếu có dấu hiệu hình sự

Khi có dấu hiệu hình sự, cơ quan chức năng cần khởi tố hình sự, xử điểm các vụ việc trẻ em đuối nước để tăng sức răn đe.

Các lớp phổ cập bơi lội miễn phí vẫn thường được mở vào dịp hè cho trẻ em tại TP.HCM - Ảnh: Q.L.

Các lớp phổ cập bơi lội miễn phí vẫn thường được mở vào dịp hè cho trẻ em tại TP.HCM - Ảnh: Q.L.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam đề xuất như vậy trước tình trạng các vụ trẻ em chết đuối gần đây, nhất là trong hè vừa qua khá dồn dập. Ông Nam nói:

- Mỗi vụ việc đều rất đau lòng. Tôi cho rằng cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh, làm rõ và nếu có dấu hiệu hình sự phải khởi tố theo quy định. Điều này là cần thiết để góp phần bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Việc xử đúng người, đúng tội, đúng quy định sẽ nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em. Chính quyền địa phương, đơn vị quản lý các bãi tắm, bể bơi phải có trách nhiệm khi trẻ đuối nước.

Ông ĐẶNG HOA NAM

Trẻ chết đuối tăng trong hè

* Tình hình đuối nước của trẻ em trong hè vừa qua ra sao, thưa ông?

- Qua thông tin chung số trẻ em đuối nước giảm nhưng nếu chỉ xét trong dịp hè, số lượng lại tăng. Chưa có thống kê đầy đủ nhưng sơ bộ đuối nước hè vừa qua tăng so với cùng kỳ 2022. Vấn đề là nhiều vụ đuối nước xảy ra ở các khu du lịch, bãi tắm, bể bơi, bãi biển thay vì ở nơi vắng vẻ. 

Một phần do việc quản lý trẻ chưa chặt chẽ. Chẳng hạn một bãi tắm bình thường có 200 trẻ vui chơi nay tăng gấp ba, bốn lần nhưng lực lượng cứu hộ không tăng cũng làm cho xác suất đuối nước tăng lên.

Bên cạnh đó, nhiều ao hồ, bãi tắm không có biển cảnh báo, không có chỉ dẫn, không có người cảnh giới cũng làm tăng nguy cơ gây đuối nước cho trẻ. Có địa phương chưa thật quan tâm đến công tác phòng chống đuối nước trẻ em, chưa bố trí đủ kinh phí để bảo đảm an toàn cho trẻ.

* Ông cho rằng giải pháp hạn chế đuối nước ở trẻ em là gì?

- Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các công điện, công văn về phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Phải làm tốt hơn nữa việc truyền thông để phụ huynh lưu ý, bảo vệ con em mình, đồng thời dành nguồn lực dạy trẻ kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước. 

Cơ quan chức năng phải thường xuyên rà soát các khu vực nước sâu, nguy hiểm để cảnh báo, cảnh giác và có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa.

Cục Trẻ em đã đề xuất các địa phương, cơ quan điều tra xử lý điểm một số vụ đuối nước điển hình. Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã có quy trình, tiêu chuẩn về tổ chức dạy bơi cho trẻ khá chi tiết. 

Từ điểm danh, giám sát trước khi trẻ xuống nước cho đến khi rời khỏi lớp, rồi giáo viên có trách nhiệm giám sát ra sao trong quá trình bơi, lớp có sĩ số đông cần phải 2 - 3 giáo viên...

Chúng tôi đã đề nghị cơ quan chức năng rà soát lại các thiết chế thể thao, văn hóa có tổ chức bơi cho trẻ, kể cả trường học phải tuân thủ hướng dẫn an toàn.

Địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể

* Ông vừa nói đến xử lý điểm vụ đuối nước điển hình, cụ thể sẽ thế nào?

- Cơ quan chức năng cần điều tra những vụ việc trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước dẫn đến tử vong, cần quy trách nhiệm cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự, phải khởi tố theo quy định vì đã chết người phải truy cứu trách nhiệm đến cùng.

Cục Trẻ em đã có công văn gửi một số địa phương nhưng chưa được thực hiện đầy đủ. Chúng ta cần có án điểm mới đủ sức giáo dục, răn đe, ngăn ngừa vi phạm. 

Hậu quả việc trẻ em đuối nước rất đau lòng như vụ em học sinh đuối nước tại Hà Đông (Hà Nội) vừa qua khá điển hình mà cơ quan công an đã khởi tố, điều tra.

* Nhưng phần trách nhiệm của gia đình cũng không nhỏ trong các vụ tai nạn thương tích, đuối nước của trẻ...

- Phụ huynh cần để mắt tới trẻ nhiều hơn. Nhiều tai nạn xảy ra khi không có cha mẹ hay người chăm sóc ở cạnh trẻ. Tôi xin nhắc lại là người lớn phải chăm sóc, quản lý trẻ mọi lúc, mọi nơi.

Các chuyên gia đều khuyến nghị sớm dạy cho con về sự an toàn, nói cho trẻ biết cái gì an toàn, cái gì không an toàn, mối nguy hiểm có thể trong nhà hay đi ra ngoài. 

Người lớn hướng dẫn trẻ không chơi ở những nơi gần sông, hồ, ao, nơi có biển báo nguy hiểm hoặc không tự đi bơi, đi chơi khi không có người lớn đi cùng. Các ao, rãnh nước phải có hàng rào bao quanh, rồi giếng nước, hố sâu phải có nắp đậy có khóa.

Trẻ nên được học bơi từ sớm và nằm lòng các kỹ năng an toàn, biết bình tĩnh trước tình huống xấu.

Thống kê mỗi năm cả nước giảm khoảng 100 trẻ em chết đuối. Giai đoạn 2011 - 2016 có khoảng 3.000 ca tử vong song đến giai đoạn 2016 - 2020, con số này còn khoảng 2.000 ca.

Cần dạy trẻ thực hiện các quy định về an toàn phòng chống tai nạn thương tích như đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, xe máy, tuân thủ biển báo cấm tắm ở ao hồ, tín hiệu giao thông, đeo phao cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy.

Vụ đuối nước thứ 2 tại một bể bơi, học sinh lớp 11 chếtVụ đuối nước thứ 2 tại một bể bơi, học sinh lớp 11 chết

Chiều tối 19-8, tại bể bơi Minh Hoàng, thuộc thôn Ông Tố, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã xảy ra vụ đuối nước khiến một học sinh lớp 11 chết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên